TP.HCM giãn cách nghiêm ngặt: Ai được ra đường?

22/08/2021 06:28 GMT+7

TP.HCM cũng siết chặt hơn nữa lưu lượng giao thông trên đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội , yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của TP, của T.Ư đóng trên địa bàn TP triển khai thực hiện phương án '3 tại chỗ'...

“TP.HCM đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân”, là khẳng định của ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM, vào sáng 21.8.
Theo ông Phan Văn Mãi, thực tế cho thấy, sau khi có thông tin TP.HCM tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp nhằm tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch Covid-19 bắt đầu từ 0 giờ ngày 23.8, đã ghi nhận tình trạng bà con ra đường rất đông để mua sắm, tích trữ hàng hóa. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng mất trật tự, ảnh hưởng đến việc giãn cách xã hội, đe dọa trực tiếp tới nguy cơ làm lây lan mạnh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Nếu tình trạng này không chấm dứt sẽ không thể thực hiện được việc kiểm soát dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống dịch.
Trước thông tin TP.HCM siết chặt biện pháp chống dịch, người dân ùn ùn đi siêu thị mua nhu yếu phẩm vào sáng 21.8 Ảnh: Cao An Biên

Trước thông tin TP.HCM siết chặt biện pháp chống dịch, người dân ùn ùn đi siêu thị mua nhu yếu phẩm vào sáng 21.8

ẢNH: CAO AN BIÊN

“TP.HCM kêu gọi người dân hãy bình tĩnh, không thu gom hàng hóa. TP.HCM cam kết sẽ cung ứng đầy đủ cho người dân trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường. Đề nghị người dân hãy tin tưởng vào chính sách chăm lo của TP.HCM; không tin, không chia sẻ, không bình luận những thông tin sai sự thật. Mong người dân hãy ủng hộ, chung sức, đồng lòng cùng TP.HCM để cùng vượt qua đại dịch”, ông Phan Văn Mãi nói.

Covid-19 sáng 22.8: Cả nước 336.707 ca nhiễm, 140.087 ca khỏi | Người TP.HCM đi chợ ra sao sau 23.8?

Ngưng shipper ở TP.Thủ Đức và 7 quận huyện

Chiều 21.8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo để thông tin về các biện pháp tăng cường, siết chặt giãn cách xã hội từ ngày mai (23.8), với tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”.
Về các biện pháp cụ thể, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, thông tin kể từ 0 giờ ngày 23.8, TP.HCM sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, trong đó tập trung tại những vùng có nguy cơ cao và rất cao (vùng cam, vùng đỏ) để kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội; đi chợ thay cho người dân, thực hiện an sinh xã hội, duy trì các tổ tự quản bảo vệ vùng xanh.
TP.HCM cũng siết chặt hơn nữa lưu lượng giao thông trên đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, yêu cầu tất cả cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của TP, của T.Ư đóng trên địa bàn TP triển khai thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” (tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị) và phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 0 giờ ngày 23.8.
Các nhóm đối tượng được phép tham gia lưu thông trên đường, bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định (chi tiết xin xem trên thanhnien.vn).
Riêng lực lượng giao hàng sử dụng ứng dụng công nghệ (shipper), TP.HCM tạm ngưng hoạt động ở TP.Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn; các quận, huyện còn lại thì shipper chỉ hoạt động trong quận, không chạy liên quận.

Từ 23.8, dân trong “vùng xanh”, “vùng vàng” tại TP.HCM vẫn đi chợ bình thường

Nhu yếu phẩm cung ứng ra sao?

Về việc cung ứng thực phẩm, ông Hải cho biết TP.HCM sẽ phân chia làm 2 nhóm gồm: nhóm vùng xanh - vùng vàng và nhóm vùng cam - vùng đỏ.
Cụ thể, nhóm vùng xanh - vùng vàng, người dân được phép đi chợ 1 tuần/lần; nếu ai có hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhận gói an sinh và không ra ngoài trong thời gian áp dụng biện pháp tăng cường. Đối với nhóm vùng cam - vùng đỏ, tổ công tác đặc biệt sẽ giúp người dân đi chợ thay 1 tuần/lần, người dân phải trả tiền, việc đi chợ cũng sẽ thực hiện 1 tuần/lần; nếu ai gặp khó khăn thì được nhận túi an sinh.
Đường Trường Chinh (Q.Tân Phú, TP.HCM) đông nghẹt người lưu thông trong ngày 21.8 Ảnh: Nguyên Vũ

Đường Trường Chinh (Q.Tân Phú, TP.HCM) đông nghẹt người lưu thông trong ngày 21.8

ẢNH: NGUYÊN VŨ

TP.HCM có khoảng 3.000 địa điểm cung ứng lương thực, thực phẩm đảm bảo cung ứng thực phẩm cho người dân, nếu thiếu hàng hóa thì sẽ dùng xe lưu động đưa hàng tới để người dân mua. “TP.HCM đã chuẩn bị các phương án, dự liệu cụ thể. Tuy nhiên, khi triển khai sẽ có trục trặc, không thể lường trước hết được nên mong bà con gọi ngay cho tổ công tác để điều chỉnh”, ông Hải đề nghị.

TP.HCM giãn cách từ ngày 23.8: Có việc cần, người dân gọi điện cho ai?

Khi cần, gọi ai?

Về việc các số điện thoại của tổ công tác đặc biệt ở phường, xã, thị trấn sẽ công bố như thế nào để người dân tiếp cận, nếu người dân không liên hệ được thì gọi cho cấp nào cao hơn?
Trả lời vấn đề này, ông Hải không nêu rõ các số điện thoại được công bố như thế nào, đồng thời hướng dẫn khi người dân muốn liên hệ thì gọi ngay cho tổ trưởng, tổ phó ở các khu phố, ấp mình đang sống; sau đó các tổ trưởng, tổ phó sẽ giúp người dân gọi cho Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn. Nếu người dân gặp khó khăn, thì liên hệ qua Tổng đài 1022 (kênh 2); ngoài ra Ủy ban MTTQ VN TP.HCM cũng có nhiều gói hỗ trợ, đã và đang thực hiện. Trong trường hợp cấp bách, Tổ phản ứng nhanh của địa phương sẽ xuống khảo sát và hỗ trợ luôn cho người dân.
Ông Hải thông tin TP.HCM sẽ thực hiện 2 triệu túi hoặc nhiều hơn thế nữa. Túi an sinh gồm các mặt hàng thiết yếu như: gạo, đường, muối, nước tương, nước mắm… đảm bảo dinh dưỡng. Dù vậy, ông Hải cũng dự báo có thể trong quá trình triển khai, các địa phương sẽ không thể đáp ứng được tất cả nhu cầu của người dân; đồng thời kêu gọi người dân “thắt lưng buộc bụng” để vượt qua.

Bao giờ được đi chợ truyền thống?

Giải đáp những thắc mắc về việc cung ứng thực phẩm cho người dân, Phó giám đốc Sở Công thương Lê Huỳnh Minh Tú cho biết các địa phương có bộ phận đi chợ giúp dân mà không lấy bất kỳ chi phí gì phát sinh ngoài hóa đơn, hộ nào khó khăn thì có túi an sinh hỗ trợ. Từng khu phố có lực lượng tổ chức đi mua mỗi tuần/lần luân phiên, các cửa hàng công bố danh mục các sản phẩm để người dân lựa chọn.
Theo ông Tú, việc đi chợ sẽ không thoải mái như tự đi mua; đồng thời cho biết chính quyền đang cố gắng tốt nhất để mang hàng hóa đến người dân giống như người dân đang đi chợ. Dù các tổ đi chợ giúp dân không quy định về khối lượng hàng hóa mua giùm, nhưng ông Tú đề nghị người dân mua vừa đủ để sinh hoạt trong vòng 1 tuần.

TP.HCM không “thiết quân luật”

Ngày 21.8, theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, TP.HCM tiếp tục tăng cường nâng cao các biện pháp tương xứng với tính chất lây lan dịch bệnh Covid-19. Đây không phải là chuyện “thiết quân luật”, mà chỉ là biện pháp giãn cách tăng cường. TP.HCM hoàn toàn không thực hiện phong tỏa trong 2 tuần tới, đặc biệt cũng như không thực hiện tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
Để đảm bảo hiệu quả biện pháp giãn cách tăng cường, TP.HCM sẽ tăng cường thêm lực lượng gồm: y tế, công an, quân đội, công chức, tình nguyện viên; bổ sung phương tiện máy móc thiết bị, xe xét nghiệm, dụng cụ xét nghiệm và thuốc. Đặc biệt, do trước đây thực hiện giãn cách xã hội chưa nghiêm nên bây giờ TP.HCM siết chặt lại; đồng thời tăng cường thêm lương thực, thực phẩm để chăm lo đời sống người dân để bà con yên tâm phòng chống dịch bệnh.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM khẳng định những ngày qua, lực lượng vũ trang tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch trên các mặt công tác từ kiểm soát khu phong tỏa, hỗ trợ người dân khó khăn, điều trị bệnh nhân Covid-19…
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, chỉ riêng Bộ Tư lệnh TP.HCM đã huy động hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ tham gia vào công tác phòng chống dịch; bên cạnh đó còn có sự tăng cường lực lượng của Quân khu 7 và Bộ Quốc phòng.
Phó giám đốc Sở Công thương khuyến khích các quận, huyện thuộc vùng xanh mở lại chợ truyền thống để cung ứng mặt hàng lương thực, thực phẩm và mặt hàng ăn uống, thông báo rõ thời gian để người dân biết để mua sắm. Chợ truyền thống phải đảm bảo giãn cách giữa gian hàng và biện pháp phòng chống dịch, kiểm soát người ra vào một hướng. Hiện chỉ có 40/234 chợ truyền thống, 97/106 siêu thị hoạt động. Các chợ và siêu thị khi đóng cửa vì có ca nhiễm, cần nhanh chóng phun xịt khử khuẩn và sớm trở lại hoạt động với đội ngũ nhân viên mới phục vụ người dân.
Về việc mua sắm ở các quận, huyện thuộc vùng đỏ, ông Tú cho biết Sở Công thương đang phối hợp chính quyền địa phương để đánh giá khả năng cung ứng, nếu địa bàn nào còn khó khăn sẽ bổ sung điểm bán hàng lưu động.

Chăm sóc F0 tại nhà, vẫn tiêm vắc xin mũi 2 khi đến lịch

Liên quan đến công tác chăm sóc F0 tại nhà, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết ngành y tế đang triển khai các trạm y tế lưu động, tùy số F0 ở từng địa phương mà tổ chức địa điểm, mỗi trạm y tế lưu động quản lý khoảng 50 - 100 F0. Nhân lực của trạm y tế lưu động gồm 1 bác sĩ, 2 - 3 điều dưỡng cùng các tình nguyện viên, mỗi trạm có bình ô xy, máy đo SpO2, thuốc (đang bổ sung thuốc kháng vi rút)... Các trạm này không chỉ hỗ trợ điều trị F0 mà còn cấp cứu, điều trị các bệnh thông thường khác mà người dân có thể gặp phải. Ông Nam cho biết TP đã lập danh sách, tờ rơi, hướng dẫn, chăm sóc tại nhà cho F0, quản lý bằng phần mềm.
Về việc tiêm vắc xin cho người dân, TP.HCM đã tiêm khoảng 5,8 triệu liều, nếu tính tổng số dân toàn TP cần tiêm (bao gồm cả tạm trú là 9 triệu người), hiện đã đạt 57%, trong đó có 148.000 người tiêm mũi 2.
Công tác tiêm chủng tiếp tục được thực hiện trong những ngày tới. Về tiêm mũi 2, ông Nam cho biết mỗi loại vắc xin có thời điểm tiêm mũi 2 khác nhau, TP.HCM đã chuẩn bị vắc xin để tiêm cho người dân khi đến lịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.