TP.HCM - Bình Dương, miền thương em gái đi về

Phan Huy Thùy
Phú Yên
08/12/2023 09:00 GMT+7

Mỗi khi nhắc đến miền Đông Nam bộ, trong lòng tôi cứ dâng trào những xúc cảm mến yêu và biết ơn nhiều lắm…

Dù quê ở miền Trung nhưng tôi luôn hướng về phương Nam, dõi theo từng sự đổi thay, phát triển của vùng đất miền Đông, để rồi lòng cứ rộn rã vui mừng như thể đó cũng là một phần quê mình vậy. Nơi ấy, bản thân tôi từng nhận được sự sẻ chia ấm áp, con trai tôi đang theo đuổi ước mơ học hành, gia đình của em gái tôi đang sinh sống và làm việc. Vì thế, gần 10 năm nay, tôi luôn hướng về TP.HCM – Bình Dương bằng tình cảm quý mến, biết ơn và xem nơi đó như một phần của tâm hồn mình.

Trường THCS Độc Lập ở quận Phú Nhuận, TP.HCM nơi em tôi đang dạy học

Trường THCS Độc Lập ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - nơi em tôi đang dạy học

TGCC

Gia đình tôi rất nghèo, ba má không có điều kiện học hành, công việc nhà nông nhọc nhằn vất vả. Vì thế, khát vọng vươn lên từ con chữ luôn cháy bỏng trong lòng tôi và những đứa em gái. Tôi gắng học và trở thành thầy giáo, hai em kề đã ổn định cuộc sống riêng, duy còn em gái út là khiến tôi lo lắng nhất. Như thấu hiểu điều này, em gái cũng nỗ lực học hành, ước mơ làm cô giáo để hy vọng cuộc sống khá hơn, nhất là khỏi phụ lòng trông mong của ba má.

Em tốt nghiệp đại học, về quê xin việc nhưng không được. Quyết chí, em học tiếp cao học. Nghĩ đến cảnh nghèo, biết lấy tiền đâu trang trải, nhưng tôi động viên em theo phương châm "bánh tét lột dần", anh em gùi gánh rồi cũng xong và em có tấm bằng thạc sĩ. Hy vọng vừa nhen lên thì niềm tin bị đổ vỡ, quê nhà vẫn không tuyển dụng giáo viên. Chờ và chờ… mòn mỏi. Tôi giấu nỗi lo, em gái rất buồn, thất vọng. Không lẽ học rồi, giờ ra ruộng cấy lúa như má hay sao?!

Đương khi bế tắc thì TP.HCM đã thắp lên những tia hy vọng, sáng như những ngọn đèn thành phố, rực rỡ và ấm áp. Mùa hè 2017, các Phòng Giáo dục và Sở GD-ĐT TP.HCM thông báo tuyển giáo viên, ai không có hộ khẩu thường trú tại thành phố thì phải có bằng thạc sĩ. Giữa đô thành xa lạ, không người thân, không ai quen biết nên tôi lo lắm. Đưa tiễn em mà tôi cứ chạnh lòng khi nghĩ về cảnh thân gái dặm trường, một mình một bóng, khoác ba lô lầm lũi bước lên xe đò hướng vào phương Nam với bao khát vọng chưa thành. Hành lý của em chỉ mấy bộ đồ nhẹ tênh nhưng cõi lòng nặng trĩu, biết đong đếm sao cho vừa những nỗi ưu tư.

Sau em kể lại: "Thấy em bơ vơ, một người chị hoàn toàn xa lạ ở TP.HCM đã dẫn về nhà, cho ở nhờ, khích lệ động viên, còn hướng dẫn địa điểm nộp hồ sơ thi". Em gái tôi dự tuyển tại quận Phú Nhuận và trúng tuyển, được phân công về trường THCS Độc Lập. Khi đó, niềm hạnh phúc như vỡ òa không chỉ với em, với gia đình mà cả với người chị quá tốt bụng. Em chọn gắn bó với nơi này, ở trọ nhà của người chị đã thương em như một đứa em gái. TP.HCM trao cho em cơ hội đứng trên bục giảng, biến ước mơ sớm chiều đến lớp của em thành hiện thực. TP.HCM cũng là nơi em gái gặp gỡ người thương, nên duyên chồng vợ, cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình.

Một buổi vui học của thầy và trò trường THCS Độc Lập

Một buổi vui học của thầy và trò trường THCS Độc Lập

TGCC

Buổi đầu rất khó khăn, lại là người chị ân tình ấy đã dang rộng vòng tay cưu mang, giúp đỡ vợ chồng em. Với em tôi, TP.HCM như một miền cổ tích mà em luôn ghi lòng tạc dạ, mãi mãi biết ơn tình người nghĩa phố.

Cần chốn an cư để lạc nghiệp nhưng Sài thành đắt đỏ quá. Thời gian thấm thoát trôi, nhờ tích cóp, vay mượn và chính sách ưu đãi nên vợ chồng em đã mua được nhà chung cư giá rẻ tại Bình Dương. Vùng đất Bình Dương trở thành "đất lành chim đậu" với gia đình em, là nơi hội tụ và phát triển để mọi người khắp nơi tìm đến.

Năm 2022, con trai tôi đỗ ĐH Bách khoa TP.HCM. Cha con lên tàu, rời ga La Hai từ 16 giờ và đến ga Dĩ An lúc 3 giờ 30. Lần đầu đến đây, tôi có cảm giác thật gần gũi, yên tâm, thân thương như ở quê mình bởi quang cảnh ga Dĩ An yên bình quá. Không tranh giành, không chèo kéo, những anh xe ôm hỏi han rồi bảo tôi vào ghế ngồi chờ người thân. Em rể đưa hai cha con về thăm nhà, cách ga Dĩ An 5 km, cũng là dịp để tôi chúc mừng vợ chồng em có nơi ăn chốn ở.

Nhìn tư gia khoảng 50 m2, đầy đủ tiện nghi, lên xuống bằng thang máy, dù không rộng rãi như ở quê nhưng phù hợp với nguồn thu nhập thấp của các em. Di chuyển bằng xe máy từ nhà đến trường mất khoảng 30 phút, không gần, không xa, chấp nhận được. Tôi rất vui mừng! Những ngày cuối tuần, con trai tôi từ ký túc xá của Làng ĐH Thủ Đức chạy qua nhà cô dượng cũng gần lắm. Cô cháu hủ hỉ, bảo ban nhau nên tôi rất an tâm, ấm lòng.

Tôi như người lữ khách rong chơi, đến phương Nam rồi rời đi vội vã. Chỉ biết vài nơi ở TP.HCM, Bình Dương chứ làm gì được đi khắp các tỉnh miền Đông. Dù vậy, ấn tượng của tôi về con người và vùng đất miền Nam nói chung và Đông Nam bộ nói riêng thật đẹp. Đất đai màu mỡ, dễ dàng thông thương kết nối, khí hậu ấm áp ôn hòa. Con người thì phóng khoáng, hào sảng, năng động, sáng tạo, nghĩa tình. Bởi thế, miền Đông trở thành nơi hội tụ và phát triển rất mạnh về kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa... Đây cũng là vùng đất mà nhiều người tìm đến và gắn bó dài lâu.

Những chiều ngồi trước sân nhà, nhìn tàu dừng đón khách bên ga La Hai, tôi bỗng nhớ ga Dĩ An, nhớ phương Nam, nhớ con trai và em gái nữa. Ngày hai buổi sớm chiều, TP.HCM - Bình Dương là miền thương em gái đi về. Tôi nghĩ, biết đâu, con trai tôi mai này cũng chọn ở lại miền Đông. Điều đó cũng tốt. Tôi uống ngụm trà, thầm đọc mấy câu thơ của Chế Lan Viên: "Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương", "Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương" mà nghe lòng vui nhẹ bẫng!

TP.HCM - Bình Dương, miền thương em gái đi về - Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.