TP.HCM giãn cách nghiêm ngặt

Chí Hiếu
Chí Hiếu
21/08/2021 06:18 GMT+7

Hôm qua 20.8, Văn phòng Chính phủ phát đi thông tin về cuộc họp của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh lân cận diễn ra tối 19.8 về tăng cường các biện pháp mạnh để phòng chống dịch Covid-19 .

Quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng

Theo đó, Thường trực Chính phủ và lãnh đạo TP.HCM thống nhất thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn Chỉ thị 16, áp dụng một số biện pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Dứt khoát thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”, quản lý giãn cách, phong tỏa nghiêm ngặt; bảo đảm an sinh xã hội, lo ăn, ở cho người dân, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân; tăng cường xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện F0, bóc tách nguồn lây khỏi cộng đồng, điều trị F0 ngay tại xã, phường, còn tuyến trên chủ yếu chữa trị cho những trường hợp nặng.

Covid-19 sáng 21.8: 323.268 ca nhiễm, 132.815 ca khỏi | Quân đội mang thực phẩm đến tận nhà ở TP.HCM

Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối ai ở đâu thì ở đó, người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, xã phường cách ly với xã phường, trong thời gian ít nhất 2 tuần tới.
Từ 23.8, TP.HCM sẽ siết chặt dứt khoát

Từ 23.8, TP.HCM sẽ siết chặt dứt khoát "ai ở đâu ở đó”

ẢNH: ĐỘC LẬP

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, trong cương vị Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP giao Bộ Tư lệnh TP, Công an TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP thành lập khoảng 200 đội công tác đặc biệt để kiểm soát việc thực hiện giãn cách, hỗ trợ lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân; 400 trạm y tế lưu động tại các phường, xã có nhiều F0; xét nghiệm nhanh và RT-PCR toàn bộ các hộ dân trong “vùng đỏ”; bổ sung một số đối tượng nguy cơ cao… TP cũng đề nghị hỗ trợ thêm hàng ngàn cán bộ y tế, hàng trăm đội lấy mẫu, xét nghiệm; một số xe xét nghiệm lưu động… Theo ông Phong, với tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 hiện nay, đến cuối tháng 8, TP có thể đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm vắc xin.
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang cho hay, quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng hỗ trợ theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của TP.HCM và các tỉnh, trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân... Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp các bộ, ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho nhân dân TP và các tỉnh, cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu trong thực tiễn.

Đưa lương thực đến tận nhà người dân

Chiều qua 20.8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp trực tuyến cùng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về thực hiện phòng chống dịch Covid-19 tại các tỉnh phía nam với các lãnh đạo TP.HCM để triển khai kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp tối 19.8 nhằm thực hiện nghiêm ngặt hơn, thực chất hơn Chỉ thị 16.
Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, cho biết lực lượng quân đội sẽ lập các đội công tác đặc biệt với sự tham gia của cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên vừa làm công tác tuyên truyền vận động, giám sát người dân thực hiện nghiêm việc cách ly, vừa đưa lương thực, thực phẩm, gói an sinh, gói thuốc điều trị đến từng nhà dân...
Để bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 10 triệu người dân trong 15 ngày, ông Lương đề nghị các bộ, ngành, trong đó đặc biệt là công an, ngành công thương hợp tác giải quyết vấn đề này. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh tinh thần “chống dịch phải an dân” và đề nghị hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng đến người dân nói riêng, công tác an sinh xã hội nói chung.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, với việc tăng cường lực lượng quân đội, công an, y tế… hỗ trợ TP chống dịch, các hoạt động phối hợp, hiệp đồng tác chiến phải thống nhất cụ thể, chi tiết như việc thống nhất lực lượng tối cần thiết phải ra đường làm nhiệm vụ. Lực lượng này phải được tiêm vắc xin phòng Covid-19, xét nghiệm thường xuyên, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm không mắc Covid-19 và không lây nhiễm cho người khác.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn khẳng định, Bộ Công an sẵn sàng huy động lực lượng cao nhất cho các tỉnh phía nam để tham gia bảo vệ an ninh, an toàn, an dân, có thể chi viện cả lực lượng y tế nếu cần thiết.

Công an quận 1 hướng dẫn 6 lộ trình lưu thông vào trung tâm TP.HCM trong dịch Covid-19

Có thể phải di dời người dân để giãn cách

Kết luận cuộc họp tối 19.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chuyển từ tập trung cao độ ở cấp tỉnh, TP, sang phòng chống dịch vừa tập trung vừa phân tán xuống đến tận phường, xã. Đánh giá tình hình, phân loại toàn bộ 312 xã, phường tại TP.HCM theo mức nguy cơ “xanh, đỏ, vàng” để giữ vững, mở rộng các xã phường “vùng xanh”, cô lập, thu hẹp “vùng đỏ”, “vùng vàng”.
Thủ tướng yêu cầu áp dụng biện pháp mạnh hơn Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu áp dụng biện pháp mạnh hơn

Ảnh: Nhật Bắc

“Nếu thiếu lực lượng bảo đảm thì công an, quân đội sẽ đáp ứng. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với TP.HCM triển khai nhiệm vụ này. Huy động Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các lực lượng cựu chiến binh, thanh niên, công đoàn, phụ nữ, hội nông dân… các cấp tham gia động viên, giải thích, tuyên truyền, hỗ trợ người dân để thực hiện cách ly nghiêm ngặt. Cách ly là để lo cho dân, vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân”, Thủ tướng nói.
Thứ hai, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, bởi đây là yếu tố then chốt để thực hiện giãn cách. Theo đó, dưới sự chỉ huy thống nhất của địa phương, với sự phối hợp của các lực lượng khác, quân đội sẽ chủ trì lo lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời hết sức uyển chuyển, linh hoạt, tận dụng các biện pháp khác để cung ứng lương thực, thực phẩm với điều kiện tiên quyết là bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Bộ LĐ-TB-XH được giao chủ trì, tiếp tục thường xuyên bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ; lực lượng công an cơ sở tăng cường nắm tình hình để cùng các lực lượng cung cấp ngay lương thực, thực phẩm cho những người vô gia cư, lang thang…
Thứ ba là bảo đảm về y tế, Thủ tướng nhấn mạnh cần tăng cường năng lực y tế cho cấp xã, phường về ô xy y tế, trang thiết bị, vật tư, y tá, bác sĩ, điều dưỡng…, bổ sung ngay cho những xã, phường còn thiếu để điều trị cho người bệnh ngay tại xã, phường. Chuẩn bị sẵn sàng các xe cấp cứu, trung tâm cấp cứu tại từng quận, huyện để đáp ứng khi cần. “Như vậy, có 3 tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19: tại xã, phường; tại quận, huyện; và tại TP, trong đó, tuyến trên chủ yếu lo cho những trường hợp nặng. Tiếp tục thí điểm điều trị tại nhà các F0 không có triệu chứng. Giảm tối đa các trường hợp tử vong”, Thủ tướng nói và giao Bộ Y tế phải hướng dẫn về các nội dung này.

Người dân xếp hàng tràn xuống lòng đường chờ mua thuốc ở TP.HCM

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường lực lượng công an để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kêu gọi, giải thích để người dân hiểu rõ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người dân.
Về tổ chức xét nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh phải “thần tốc” theo hướng dẫn của Bộ Y tế với các hình thức phù hợp, kể cả đến tận nhà xét nghiệm, phát hiện F0 nhanh nhất, tuyệt đối không bỏ sót, phân loại điều trị ngay, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Đáng chú ý, Thủ tướng cũng gợi ý nghiên cứu, tính toán khả năng di dời một bộ phận người dân ra khỏi một số địa điểm để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực như kinh nghiệm đã được thực hiện tại một số tỉnh phía bắc, sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú… cho việc này. “Các lực lượng tăng cường, chi viện hoạt động dưới sự chỉ huy thống nhất, tập trung, cụ thể là của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, sở chỉ huy hoặc trung tâm chỉ huy phòng chống dịch của địa phương”, Thủ tướng lưu ý.

1.000 quân nhân chuẩn bị vào TP.HCM chống dịch

Ngày 20.8, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần có công văn đề nghị Cục Hàng không VN cấp phép cho các chuyến bay đưa các cán bộ, nhân viên quân y và trang thiết bị từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Dự kiến, từ 21 - 23.8, 1.000 cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị được vận chuyển vào TP.HCM để phục vụ công tác phòng chống dịch theo đường hàng không.
Cũng trong ngày 20.8, Cục Quân y đã có công văn gửi Học viện Quân y đề nghị huy động 300 bác sĩ và học viên đại học tăng cường cho Quân khu 7 và các tỉnh phía nam. Trong đó, 120 bác sĩ là học viên đang đào tạo sau đại học thuộc các đơn vị của học viện; 180 học viên đại học từ năm thứ 2 trở lên. 300 bác sĩ, học viên sẽ chia thành các tổ (2 bác sĩ và 3 học viên) sẵn sàng lên đường khi có lệnh.
Trước đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Tổng cục Hậu cần, Quân khu 7 và Quân khu 9 thành lập 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn phía nam. Tại TP.HCM, lực lượng quân y tham gia chống dịch hiện có khoảng 2.300 người, ở 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm, Bệnh viện Quân Dân y miền Đông (Quân khu 7) và Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng thuộc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng).
Lê Hiệp
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.