TP.HCM mở rộng lấy mẫu ngẫu nhiên xét nghiệm Covid-19

24/02/2021 05:00 GMT+7

Hệ thống y tế TP.HCM đồng loạt triển khai nhiều biện pháp lấy mẫu ngẫu nhiên nơi công cộng và sẽ lấy mẫu tất cả đối tượng để xét nghiệm Covid-19 , nhằm chủ động tầm soát để phòng chống dịch.

Ngày 23.2, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã phát động toàn hệ thống y tế TP, từ hệ dự phòng, y tế cơ sở đến hệ khám, chữa bệnh công lập và tư nhân, tham gia triển khai có hiệu quả các hoạt động của “Chiến dịch cao điểm phòng chống dịch Covid-19”. Chiến dịch kéo dài đến ngày 10.3.

Đang ngồi nhậu, bất ngờ được y tế “ập đến” tận quán xét nghiệm Covid-19

Bất ngờ lấy mẫu ở nhà hàng, quán nhậu

Từ tối 22.2, Trung tâm y tế (TTYT) Q.Bình Thạnh, TP.HCM triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên đối với một số quán ăn trên địa bàn. Đây là quận đầu tiên lấy mẫu đối với cơ sở kinh doanh ăn uống. Theo ghi nhận của PV, khi đoàn kiểm tra đến quán ăn trên đường Phan Văn Trị (P.11, Q.Bình Thạnh), nhân viên quán tưởng có đoàn khách đông người đến quán nên ra mời chào... Sau khi được giải thích đây là buổi kiểm tra phòng dịch và lấy mẫu ngẫu nhiên xét nghiệm để tầm soát dịch, mọi người đều vui vẻ hợp tác. Trong buổi đầu tiên, TTYT Q.Bình Thạnh thu về 32 mẫu là nhân viên, đầu bếp, quản lý quán ăn và thực khách.
Người dân hãy xem đó là công tác tầm soát dịch bình thường, không có gì phải lo ngại vì công tác này không chỉ bảo đảm an toàn cho cá nhân được lấy mẫu xét nghiệm mà còn góp phần an toàn cho xã hội trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19
Lãnh đạo TTYT Q.1, TP.HCM
Là một trong những người đầu tiên được lấy mẫu, chị Nguyễn Diệp Thùy, quản lý quán ăn, chia sẻ “cảm thấy bất ngờ khi có đoàn đến kiểm tra và thông báo lấy mẫu”, nhưng sau đó “cảm thấy yên tâm hơn khi được lấy mẫu”. “Đặc thù của quán ăn là tiếp xúc với nhiều người, nên khi cả 7 nhân viên của quán đều được xét nghiệm miễn phí sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Có thể lúc đầu, khách nhìn vô quán thấy lực lượng y tế tập trung sẽ lo ngại, nhưng sau khi quận kiểm tra và có kết quả bình thường thì mọi người càng thoải mái hơn khi đến quán”, chị Thùy nói.
TP.HCM đang tổ chức lấy mẫu tầm soát trên diện rộng các khu vực đông người như nhà ga, bến xe, chợ, cơ sở kinh doanh ăn uống Ảnh: Đậu Tiến Đạt

TP.HCM đang tổ chức lấy mẫu tầm soát trên diện rộng các khu vực đông người như nhà ga, bến xe, chợ, cơ sở kinh doanh ăn uống

ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Thiện Tâm, Giám đốc TTYT Q.Bình Thạnh, cho biết toàn bộ 20 phường của quận phải tổ chức đoàn kiểm tra và lấy mẫu ngẫu nhiên tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, thực hiện từ 22.2 đến hết ngày 10.3. Để mang lại hiệu quả cao nhất, việc lấy mẫu hoàn toàn ngẫu nhiên, không thông báo trước cho bất kỳ hàng quán nào.

Niềm vui của vợ chồng già ngày chung cư Carillon gỡ phong tỏa chống Covid-19

Các đối tượng nào được ưu tiên?

Ở khu vực trung tâm TP.HCM, lãnh đạo TTYT Q.1 cũng cho hay thời gian qua đã lấy hàng ngàn mẫu ngẫu nhiên để xét nghiệm tầm soát đối với tiểu thương, nhân viên và người thân nhân viên sân bay, khách cách ly và nhân viên khách sạn có thu phí. Trong hôm nay (24.2), TTYT Q.1 sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên tầm soát đối với tiểu thương; những ngày sau tiếp tục lấy mẫu tầm soát cho đối tượng là nhân viên và khách của một số cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn. “Người dân hãy xem đó là công tác tầm soát dịch bình thường, không có gì phải lo ngại vì công tác này không chỉ bảo đảm an toàn cho cá nhân được lấy mẫu xét nghiệm mà còn góp phần an toàn cho xã hội trong công cuộc phòng chống dịch Covid-19”, vị lãnh đạo TTYT Q.1 nói.
Về vấn đề này, bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó chủ tịch UBND Q.1, cho rằng khi thấy lực lượng chức năng tập trung tại một địa điểm, mặc đồ bảo hộ rồi lấy mẫu xét nghiệm thì tâm lý của nhiều người dân nghi ngại có ca nhiễm hoặc F1, F2 ở khu vực đó. Tuy nhiên, việc lấy mẫu cho F1, F2 thường được tổ chức tại khu cách ly tập trung của quận. Còn tổ chức lấy mẫu ở cộng đồng là chủ động tầm soát người nhiễm Covid-19 dành cho một số đối tượng có giao tiếp lớn và đây là một biện pháp kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng. “Tại các điểm lấy mẫu ở cộng đồng, cán bộ phường đi cùng đoàn và nhân viên y tế chủ động cung cấp thông tin, trao đổi, giải thích để người dân hiểu và hợp tác với lực lượng y tế. Như khi lấy mẫu tại chợ Tân Định và chợ Thái Bình, Ban quản lý chợ giải thích cho các tiểu thương về việc lấy mẫu nên mọi chuyện đều suôn sẻ”, bà Hoa nói.

Nỗi lòng người mẹ khi con học trực tuyến vì Covid-19: Đi đâu cũng “cắp” con theo

Về thứ tự ưu tiên lấy mẫu tầm soát, đặc thù của Q.1 là có 13 khách sạn được phê duyệt làm khu cách ly tập trung có trả phí nên lực lượng y tế ưu tiên tập trung nguồn lực để lấy mẫu cho khách cách ly và các nhân viên phục vụ tại khách sạn. Bên cạnh đó, quận sẽ tập trung vào các khu chợ truyền thống, ký túc xá nơi sinh viên lưu trú.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND Q.6, xác nhận trong dịp tết quận đã lấy mẫu 3 nhóm, bao gồm: khu nhà trọ, chợ truyền thống và bến xe. Ngay từ 30 tết, lực lượng y tế đã lấy mẫu của một số công nhân ở lại đón tết tại 2 khu nhà trọ ở P.10; sau đó lấy mẫu ở chợ Bình Tiên, chợ Minh Phụng và Bến xe Chợ Lớn. “Người dân ở các khu vực được lấy mẫu đều hợp tác, khi có kết quả thì mọi người đều vui mừng và an tâm hơn”, ông Bình nhìn nhận và cho biết quận sẽ tham khảo ý kiến của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) để xây dựng kế hoạch lấy mẫu ngẫu nhiên đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống nhằm tránh quá tải xét nghiệm khi các quận lấy mẫu đồng thời.

Sáng 24.2: Thêm 2 ca mắc Covid-19 ở Hải Dương liên quan ổ dịch Công ty POYUN

Sẽ lấy mẫu mọi đối tượng

Trong chiến dịch cao điểm, đầu tiên Sở Y tế yêu cầu HCDC giám sát, đánh giá người về TP.HCM từ các tỉnh có dịch. Theo đó, tổ chức xét nghiệm rà soát đối với người đến TP, bằng các phương tiện giao thông công cộng: Sân bay Tân Sơn Nhất (10 - 20% lượng hành khách/ngày và có thể tăng lên tùy theo diễn tiến tình hình dịch của các tỉnh có liên quan), ga Sài Gòn (100 mẫu đơn hành khách/ngày), các bến xe Q.12, Miền Đông cũ, Miền Đông mới (trung bình 100 mẫu đơn/ngày/bến).
Song song, ngành y tế tiếp tục giám sát, tầm soát Covid-19 đối với nhân viên y tế tại các bệnh viện (BV), phòng khám trên địa bàn. Theo đó, tổ chức lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm (nếu BV có xét nghiệm Covid-19) cho nhân viên y tế của đơn vị theo thứ tự ưu tiên: nhân viên y tế có đi đến các vùng dịch trong nước thì thực hiện lấy mẫu từ 16 - 26.2; nhân viên y tế còn lại hoàn tất trước ngày 10.3.

Đã lấy 9.480 mẫu giám sát

Ngày 23.2, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC, cho biết tính từ sau tết đến nay, TP.HCM đã tiếp nhận 155.451 trường hợp về TP qua sân bay, ga tàu, bến xe, trạm y tế, KCN - KCX - doanh nghiệp khai báo y tế; trong đó 274 trường hợp chuyển cách ly tập trung, 26 cách ly tại nhà, còn lại tự theo dõi sức khỏe. Theo bác sĩ Dũng, kế hoạch giám sát trong đợt cao điểm của TP.HCM tính đến ngày 23.2 đã lấy tổng cộng 9.480 mẫu giám sát, trong đó 9.172 mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính, 308 đang chờ kết quả.
Duy Tính
Tiếp đó là tiếp tục giám sát các trường hợp có triệu chứng hô hấp (hội chứng cúm, viêm hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi cấp nặng) đến khám tại các BV hoặc chùm ca bệnh hô hấp được phát hiện tại cộng đồng. Lấy mẫu các nhóm quần thể cộng đồng giao lưu, tiếp xúc nhiều: nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn; khu lưu trú công nhân, khu nhà trọ (20% số lượng lưu trú); tiểu thương tại chợ truyền thống (50 - 100 mẫu/chợ); các cơ sở tôn giáo trên địa bàn (bao gồm người phục vụ trong cơ sở tôn giáo, người đi lễ... với 50 mẫu/cơ sở). TP.Thủ Đức và các quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch triển khai và có thể mở rộng đối tượng tùy theo tình hình đặc điểm của địa phương mình. HCDC phối hợp với sở GTVT và các quận, huyện xây dựng kế hoạch triển khai lấy mẫu tài xế, nhân viên phục vụ phương tiện giao thông công cộng, kể cả xe công nghệ (10% nhân viên/công ty)...
Theo Sở Y tế TP.HCM, các nhóm cộng đồng dân cư khác, bao gồm: viên chức, công nhân, người lao động, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xí nghiệp, các tổ chức, đoàn thể, chính trị - xã hội... tổ chức tầm soát theo hình thức xã hội hóa (xét nghiệm dịch vụ theo yêu cầu). Các đơn vị có nhu cầu giám sát, xét nghiệm sàng lọc, tầm soát SARS-CoV-2 cho nhân viên mình, có thể liên hệ với các đơn vị, phòng xét nghiệm đã được cấp phép xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 để tự chi trả chi phí xét nghiệm theo quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.