Bản tin Covid-19 hôm nay 23.2: Thêm 9 ca bệnh, hàng triệu học sinh chưa thể quay lại trường
23/02/2021 19:16 GMT+7
Bản tin Covid-19 hôm nay 23.2 của Báo Thanh Niên tổng hợp lại các tin tức đáng chú ý về diễn biến dịch bệnh, công tác phòng chống dịch của các địa phương cùng nhiều thông tin liên quan khác.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 hôm nay ngày 23.2 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Thêm 9 ca mắc Covid-19 tại Quảng Ninh, Hải Dương
Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết trong ngày 23.2 có thêm 9 ca mắc mới Covid-19 ghi nhận tại Hải Dương và Quảng Ninh, trong đó Hải Dương ghi nhận 8 ca và ca bệnh còn lại ghi nhận tại Quảng Ninh.
Thông tin 9 ca mắc mới cụ thể như sau:
Các bệnh nhân từ 2393 đến 2395: Là các trường hợp F1, liên quan đến ổ dịch xã Kim Liên, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, đều đã được cách ly tập trung trước đó. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Các bệnh nhân 2396, 2397, 2398, 2399 và 2401: Cũng ghi nhận tại Hải Dương là các trường hợp F1, đều đã được cách ly tập trung trước đó.
Hiện các bệnh nhân từ 2396 đến 2399 được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương; BN2401 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 - Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh.
BN2400 ghi nhận tại Quảng Ninh là trường hợp F1 liên quan đến các bệnh nhân BN1633 và BN1655, BN1656, BN2093. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện số 2 tỉnh Quảng Ninh.
Mẹ con người bán cá và đồng nghiệp ở Hải Dương dương tính với Covid-19
Ngày 23.2.2021, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hải Dương cho biết vừa ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính Covid-19. Các trường hợp này là tiểu thương bán cá ở chợ Tân Kim và chợ Hồ máy sứ.
Trường hợp thứ nhất là nữ, 53 tuổi, làm nghề bán cá tại chợ Tân Kim và chợ Hồ máy sứ (thành phố Hải Dương). Theo điều tra dịch tễ, hằng ngày, người này đi chợ Hồ máy sứ bán hàng cá cùng với con gái từ 7 giờ sáng đến 13 giờ rồi về nhà nghỉ ngơi, ăn trưa. Buổi chiều, người này bán cá tại chợ Tân Kim từ 15 giờ đến 20 giờ. Đến tối sau khi từ chợ Tân Kim về có đi chợ Hui (huyện Gia Lộc) để lấy cá về bán.
Ngày 8.2, con gái người này không đi chợ bán hàng nữa do nhận được thông tin chồng thuộc diện F1.
Do không tiếp xúc với con rể nên người mẹ tiếp tục đi bán cá đến hết buổi sáng 11.2.
Từ ngày 12.2 - 14.2, người mẹ cách ly tại nhà vì thuộc diện F2 (do con rể đã mắc Covid-19).
Ngày 14.2, khi con gái có kết quả dương tính với Covid-19, người mẹ được đưa đi cách ly tập trung. Đến ngày 22.2, lấy xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính. Covid-19
Trường hợp thứ hai dương tính với Covid-19 là nữ, 32 tuổi. Hằng ngày, người này bán cá ở chợ Tân Kim đến 19 giờ về nghỉ tại nhà. Ngày 14.2, khi người nữ bán cá chung (là con gái của trường hợp thứ nhất) nhiễm Covid-19, người này đã được đưa đi cách ly. Ngày 22.2, kết quả xét nghiệm lần 2 cho thấy rằng người này dương tính Covid-19.
Đang ngồi nhậu, bất ngờ được y tế “ập đến” tận quán xét nghiệm Covid-19
Tối 22.2.2021, UBND P.11 phối hợp với Trung tâm Y tế Q.Bình Thạnh đã thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ngẫu nhiên tại một số cửa hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn để thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19.
Đang ngồi ăn lẩu và uống bia với bạn thì anh Lê Văn Thành (ngụ thành phố Thủ Đức, TP.HCM) được các nhân viên y tế tới mời lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Sau khi làm các thủ tục khai thông tin và được lấy mẫu phết mũi họng thì anh quay trở lại tiếp tục ngồi ăn uống, trò chuyện với bạn. Anh Thành cho biết dù hơi bất ngờ nhưng anh sẵn sàng hợp tác và hoàn toàn ủng hộ công tác phòng chống dịch của lực lượng chức năng.
Trong tối 22.2, đoàn chức năng của phường 11 và Trung tâm Y tế Q.Bình Thạnh đã tiến hành thực hiện việc lấy mẫu tại 2 quán trên đường Phan Văn Trị và một quán trên đường Phạm Văn Đồng, thuộc địa bàn phường quản lý.
|
Ban đầu, khách cũng như nhân viên khá bất ngờ, nhiều người dừng việc nhậu tính tiền đi về. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ phường thông báo về việc lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên, nhân viên các quán cũng như các khách ở đây đều nghiêm túc hợp tác. Chị Nguyễn Thị Thùy, quản lý một quán ăn trên địa bàn Q.Bình Thạnh, cho biết việc được lấy mẫu xét nghiệm khiến chị cảm thấy an tâm hơn.
"Thứ nhất là an tâm cho quán, cái thứ hai là an tâm cho khách hàng. Mình cũng đảm bảo theo quy định nên cảm thấy thoải mái, không vấn đề gì hết. Nếu cảm thấy hỗ trợ được gì thì mình sẽ hỗ trợ bên y tế tối đa" chị Thùy chia sẻ.
|
Trong buổi tối 22.2.2021, nhân viên y tế của Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh đã lấy tổng cộng 32 mẫu xét nghiệm Covid-19; bao gồm 3 chủ quán, 15 nhân viên, và 14 khách tại 3 quán mà đoàn đã tới.
Về phương án xử lý sau khi có kết quả xét nghiệm, bà Triệu Thị Bích Huyền, Phó chủ tịch UBND P.11 thông tin, nếu âm tính với Covid-19 thì không sao; nếu dương tính thì quận sẽ triển khai các biện pháp khoanh vùng xử lý theo kịch bản.
Trước đó, UBND quận Bình Thạnh đã ban hành kế hoạch kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tập trung đông người trên địa bàn quận.
Bên cạnh việc kiểm tra, xử phạt hành chính đối với các cơ sở chưa tuân thủ quy định phòng dịch Covid-19, quận Bình Thạnh cũng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên các đối tượng có mặt tại thời điểm kiểm tra, trong đó ưu tiên lấy mẫu chủ quán và nhân viên phục vụ.
51 tỉnh, thành cho học sinh đi học trở lại
Bộ GD-ĐT cho biết, đến ngày 22.2, cả nước đã có 51 tỉnh/thành phố cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đi học trở lại. Các tỉnh còn lại tiếp tục căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa phương để quyết định cho học sinh đi học trở lại vào thời điểm thích hợp.
Những tỉnh, thành đến thời điểm này vẫn cho toàn bộ học sinh nghỉ học đến hết 28.2 hoặc cho đến khi có thông báo mới gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh…
Về một số giải pháp phòng, chống Covid-19 trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch bệnh và bám sát chỉ đạo của cấp trên về phòng, chống dịch Covid-19, dự báo tình hình dịch bệnh để chỉ đạo các nhà trường.
Cùng với đó, xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống dịch bệnh như điều chỉnh khung kế hoạch giáo dục thời gian năm học 2020-2021 tương ứng với dự kiến diễn biến tình hình của dịch bệnh.
Liên quan đến phòng, chống Covid-19, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Y tế ban hành văn bản hướng dẫn quy trình xử trí các trường hợp F0 và quy trình cách ly tại chỗ các trường hợp F1, F2 và F3 liên quan đến trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, cán bộ, nhân viên, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo mặc dù tình hình hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát, song diễn biến tiếp theo chưa thể nói trước. Vì vậy, các đơn vị chuyên môn tùy theo chức năng, nhiệm vụ đưa ra các kịch bản tình huống khác nhau, trong đó lưu tâm tới kịch bản điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học; kịch bản thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng…
“Cần chủ động xây dựng phương án, để dù tình huống nào xảy ra cũng thực hiện được ngay”, ông Nhạ yêu cầu.
Niềm vui của vợ chồng già ngày chung cư Carillon gỡ phong tỏa
Ngày 23.2.2021, chung cư Carillon (phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) đã chính thức được gỡ phong tỏa sau thời gian phong tỏa phòng dịch Covid-19. Trước đó, chung cư Carillon là một trong số 35 địa điểm trên địa bàn TP.HCM bị phong tỏa vì có liên quan đến ca bệnh Covid-19.
Bệnh nhân là nhân viên của hãng hàng không Vietnam Airlines cư ngụ tại lầu 15 của chung cư này. Trong sáng 9.2, quận Tân Bình đã chỉ đạo phường phong tỏa lô F chung cư này. Lực lượng y tế triển khai lấy mẫu, đưa những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cư dân.
Tết năm nay là cái tết không thể nào quên với những hộ dân tại đây. Nhiều người dân vui mừng khi nghe quyết định gỡ phong tỏa vì hai lẽ, vui nhất là họ và hàng xóm đã âm tính với Covid-19, sau đó là cuộc sống, công việc được quay trở lại như bình thường.
Để phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế TPHCM vẫn tiếp tục yêu cầu khai báo y tế và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp đến từ các tỉnh thành phố đang có ổ dịch. Đồng thời, ngành y tế sẽ lấy mẫu ngẫu nhiên người từ các tỉnh thành khác về thành phố tại sân bay, ga tàu, bến xe, trạm y tế, khu công nghiệp - khu chế xuất - doanh nghiệp.
Tiếp tế cho làng quê bị phong tỏa của nữ điều dưỡng mắc Covid-19
Có mặt tại thôn Lôi Động, xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng vào sáng 23.2.2021; phóng viên Báo Thanh Niên có thể cảm nhận được không khí căng thẳng bao trùm cả khu vực vì đây là nơi sinh sống của nữ điều dưỡng Bệnh viện GTVT thành phố Hải Phòng vừa được xác định dương tính với Covid-19.
Khắp nơi có thể nghe tiếng loa phát thanh về thông tin phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Nữ điều dưỡng 26 tuổi, làm việc tại bệnh viện ở khâu tiếp đón bệnh nhân. Bệnh nhân được phát hiện dương tính Covid-19 thông qua xét nghiệm khám sàng lọc tại Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng.
Ngoài ra, người yêu của bệnh nhân cũng là điều dưỡng Bệnh viện GTVT thành phố Hải Phòng, và cô em gái 20 tuổi của bệnh nhân cũng đã dương tính với Covid-19.
Ngay sau khi có thông tin, UBND thành phố Hải Phòng đã lập tức phong tỏa xóm 4 thôn Lôi Động để triển khai các công tác phòng chống dịch bệnh.
Tại UBND xã Lôi Động, hàng hóa đã được chuyển về tập kết nhằm tiếp tế cho bà con vùng phong tỏa.
Đích thân ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, đã đến tận nơi để kiểm tra công tác cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người.
Theo thống kê, xóm 4 thôn Lôi Động có 534 hộ với 1.839 nhân khẩu, trong đó có 3 hộ đi cách ly tập trung. Thực phẩm hỗ trợ gồm: gạo, mì tôm, thịt, rau… được chia sẵn vào túi theo khẩu và chuyển vào vùng phong tỏa.
Sở Công Thương đã đề nghị địa phương nắm bắt tâm tư bà con nhân dân trong vùng phong tỏa, trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề chưa hợp lý thì đơn vị cung cấp lương thực, thực phẩm sẽ điều chỉnh. Đồng thời yêu cầu đơn vị cung cấp khẩn trương giao đến cho bà con để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hải Phòng tìm người đến 19 địa điểm liên quan 2 điều dưỡng mắc Covid-19
Sau khi ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 trong ngày 23.2.2021, trong đó có 2 người là điều dưỡng tại Bệnh viện Đại học Giao thông vận tải Hải Phòng, Sở Y tế Hải Phòng đã thông báo khẩn tìm người từng đến 19 địa điểm, bao gồm:
- Quán bánh mì chảo gần đường tàu Cát Cụt khoảng 12h, ngày 7.2.
- Chợ Đổ khoảng 13 giờ ngày 7.2.
- Siêu thị Metro từ 13:40 đến 14:40 ngày 7.2.
- Cửa hàng vàng ở Cầu Đất khoảng 17 giờ, ngày 7.2.
- Quán cà phê trên đường Hoàng Minh Thảo, quận Lê Chân từ 17:30 đến 18 giờ ngày 7.2.
- Nhà đồng nghiệp ở đường Nguyễn Tường Loan, quận Lê Chân khoảng 18 giờ ngày 7.2.
- Bệnh viện Giao thông Vận tải từ ngày 8.2 đến 9.2.
- Chợ xã Hoàng Động, sáng ngày 10.2.
- Nhà bà Oanh ở xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên khoảng 15:30 ngày 10.2.
- Cửa hàng trang sức PNJ trên đường Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, tối 10.2.
- Nhà bà ngoại của nữ điều dưỡng ở thôn 4, xã Hoàng Động, huyện Thuỷ Nguyên, ngày 14.2.
- Đường số 5B Khu đô thị Ven sông Lạch Tray, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân từ 17 giờ đến 20:30 ngày 14.2.
- Khu nhà ở số 1 lô 112 khu công nhân, phường Dư Hàng, quận Lê Chân từ 8:30 - 13:30 ngày 15.2.
- Ngách 69A đường Miếu Hai Xã, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân từ 9 giờ - 22 giờ ngày 20.2.
- Nhà chị Linh tại phường Cát Bi, quận Hải An, 11 giờ ngày 21.2.
- Số 5A1/21 Đồng Thiện, đường Đồng Thiện, phường Kênh Dương, quận Lê Chân.
- Ngân hàng Công Thương chi nhánh Lê Chân, 124 Nguyễn Đức Cảnh, phường Cát Dài, quận Lê Chân.
- Chi nhánh Ngân hàng Công Thương, 56 Mê Linh, phường An Biên, quận Lê Chân.
- Cửa hàng photo Hiển Lương, số 4 Hai Bà Trưng, phường An Biên, quận Lê Chân.
Những người từng đến địa điểm này từ ngày 7.2 cần khai báo với UBND xã, phường, trạm y tế xã, phường gần nhất để được hướng dẫn cách ly và xét nghiệm sàng lọc.
Những ai được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 tại Việt Nam?
Theo kế hoạch của Bộ Y tế về tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 do cơ chế COVAX hỗ trợ, có 11 nhóm đối tượng ưu tiên được sắp xếp tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam.
Theo đó, các nhóm đối tượng tiêm vắc xin Covid-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vắc xin cung cấp hạn chế tại Việt Nam, bao gồm:
1. Nhân viên y tế
2. Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...)
3. Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh
4. Lực lượng quân đội
5. Lực lượng công an
6. Giáo viên
7. Người trên 65 tuổi
8. Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...
9. Người mắc các bệnh mãn tính
10. Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài
11. Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ
Theo Bộ Y tế, COVAX dự kiến cung ứng cho Việt Nam 4.886.600 liều trong năm nay, trong đó 25 - 35% cung cấp trong quý 1 và 65 - 75% trong quý 2.
Trước mắt, trong quý 1 có khoảng 1,2 triệu liều được tiêm cho gần 600.000 người gồm nhân viên y tế và nhân viên tham gia chống dịch.
Trong quý 2, COVAX cung ứng khoảng 3,6 triệu liều tương ứng với 1,8 triệu người được tiêm gồm cán bộ Hải quan, cán bộ ngoại giao, lực lượng quân đội, lực lượng công an và giáo viên.
Trong quý 3 và 4, có khoảng 16 triệu người được tiêm, gồm: giáo viên, người trên 65 tuổi, những người cung ứng dịch vụ thiết yếu, những người mắc bệnh mãn tính trưởng thành.
Theo kế hoạch, việc tiêm này để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, Việt Nam hướng tới mục tiêu 80% dân số được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, căn cứ nguồn cung ứng vắc xin hiện nay, trong giai đoạn 2021-2022 mục tiêu cụ thể:
1. Bảo đảm khoảng 20% dân số cả nước được tiêm vắc xin phòng Covid-19 khi có đủ nguồn vắc xin
2. 95% đối tượng nguy cơ được tiêm vắc xin phòng Covid-19
3. Tiếp nhận, cung ứng kịp thời và tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo tình hình dịch; đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vắc xin phòng Covid-19.
Ngoài ra, còn nhiều thông tin đáng chú ý khác, mời quý vị theo dõi trong video Bản tin Covid-19 hôm nay 23.2 để cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch bệnh Covid-19.
Bình luận (0)