TP.HCM muốn thu hút 50% học sinh học nghề đến năm 2030, các trường kêu khó

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
13/05/2023 12:45 GMT+7

Từ năm 2025 đến 2030, TP.HCM muốn thu hút 40-50% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề tại các trường CĐ, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trong đó 30-35% là nữ.

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, UBND TP.HCM đặt ra nhiều mục tiêu về việc thu hút người học nghề.

Trở thành địa phương phát triển hàng đầu về dạy nghề

Trong văn bản này, TP.HCM xác định việc phát triển GDNN là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Chính vì thế, nhiều mục tiêu được đặt ra nhằm phát triển nhanh GDNN nhằm ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ cho sự phát triển của thành phố trong từng giai đoạn.

TP.HCM muốn thu hút 50% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT đi học nghề - Ảnh 1.

Giáo dục nghề nghiệp có tầm quan trọng đối với sự phát triển của TP.HCM

MỸ QUYÊN

Theo đó, đến năm 2025, thành phố sẽ thu hút từ 40-45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào GDNN, trong đó học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới. Năm 2030, tỷ lệ này lần lượt là 45-50% và 35%.

Đến năm 2025, có ít nhất 30% cơ sở GDNN và 30% chương trình đào tạo các ngành nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng; phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn, khoảng 90% cán bộ quản lý được đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý quản trị hiện đại.

Bên cạnh đó, phấn đấu trên địa bàn thành phố có 4 trường đạt chất lượng cao, 3 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, khoảng 10 ngành nghề trọng điểm có năng lực cạnh tranh vượt trội trong các nước ASEAN. Đến năm 2030, số trường chất lượng cao sẽ nâng lên thành 10.

Tầm nhìn đến năm 2045, GDNN thành phố đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, trở thành địa phương phát triển hàng đầu về GDNN trong nước, trong khu vực ASEAN và bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực ngành nghề đào tạo.

Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và thị trường lao động

Để đạt được các mục tiêu kế hoạch trên, TP.HCM đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, trong đó, việc đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN là giải pháp đột phá.

Thành phố sẽ có chủ trương thành lập các hội đồng phát triển GDNN, gồm đại diện các cơ sở GDNN, doanh nghiệp đầu ngành, hiệp hội doanh nghiệp, đại diện người lao động, người sử dụng lao động và đại diện các tổ chức, cá nhân liên quan đến ngành nghề nhằm xây dựng, đề xuất các tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn kỹ năng nghề của các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới.

TP.HCM muốn thu hút 50% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT đi học nghề - Ảnh 2.

Trường nghề gắn kết với doanh nghiệp tổ chức ngày hội việc làm cho sinh viên

MỸ QUYÊN

Thành phố cũng sẽ ưu tiên phát triển chương trình đào tạo các ngành nghề mới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đồng thời ứng dụng công nghệ mới, kỹ năng tương lai và các chương trình đào tạo cho người lao động trong các doanh nghiệp theo hình thức vừa làm vừa học ở trình độ trung cấp, CĐ.

Việc gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động cũng là một giải pháp quan trọng. Cụ thể, tăng cường gắn kết giữa cơ sở GDNN và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ người học tìm việc sau tốt nghiệp. Ngoài ra, còn đẩy mạnh việc gắn kết đào tạo với việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

UBND TP.HCM cũng giao Sở GD-ĐT nhiệm vụ chủ trì phối hợp với Sở LĐ-TB-XH và các sở, ngành liên quan hoàn thiện cơ chế, ban hành chính sách đẩy mạnh phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào giáo dục nghề nghiệp đồng thời xây dựng cơ chế liên thông giữa GDNN với các bậc học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Cần thay đổi nhận thức của người học và phân luồng hợp lý

Với mục tiêu đến năm 2025 có 40-45% và đến năm 2030 có 45-50% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào trường nghề, đại diện một số trường CĐ và trung cấp cho rằng "rất khó".

Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, nhìn nhận: "Hiện nay học sinh tốt nghiệp THPT hầu hết đều vào ĐH do đầu vào ĐH quá mở, trúng tuyển ĐH không hề khó, chỉ cần học bạ mỗi môn 5, 6 điểm. Tâm lý của đa số phụ huynh vẫn muốn sau 12 năm đèn sách là con phải học ĐH. Rất ít học sinh xác định tốt nghiệp THPT sẽ đi học nghề mà không vào ĐH".

Về học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề, lãnh đạo một trường CĐ thông tin: "Hàng năm, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS ở TP.HCM là trên dưới 100.000, trong đó, chỉ tiêu vào lớp 10 công lập đã chiếm 70%. 30% còn lại là "chia" cho các trường THPT ngoài công lập, các trung tâm GDTX và các trường nghề. Thực tế cho thấy đa số các em vẫn muốn vào trường THPT ngoài công lập và trung tâm GDTX để sau này thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, ít học sinh chọn trường nghề".

Vị này nhận định việc khó khăn nhất hiện nay của một số trường nghề là tuyển sinh. "Chỉ rất ít em vì điều kiện gia đình khó khăn, hoặc vì tự biết mình khó theo đuổi bậc ĐH, mới tự xác định học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS hoặc THPT. Vấn đề nhận thức, tâm lý của người học về GDNN vẫn còn nhiều rào cản", vị lãnh đạo trường CĐ cho hay.

Nói thêm về rào cản học nghề, thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường trung cấp Việt Giao, nêu thực trạng: "Hiện nay từ các nhà quản lý giáo dục đến hiệu trưởng, giáo viên vẫn còn có nhận thức chỉ học yếu mới vào trường nghề. Từ đó định hướng cho học sinh khiến học sinh và phụ huynh càng có tâm lý học nghề là kém cỏi, là không có tương lai như học ĐH. Đây là quan điểm lệch lạc với chiến lược phát triển GDNN của đất nước".

Theo thạc sĩ Phương, thời gian qua nhiều tập đoàn quốc tế rời Trung Quốc đến Việt Nam xây dựng nhà máy, nhưng người lao động Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của họ vì tay nghề còn thấp. "Vì thế, chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp của quốc gia cũng như thành phố là nhằm thay đổi thực trạng này. Người học nghề chiếm vai trò vô cùng quan trọng và học nghề không phải là 'hạng bét' như đa số mọi người nghĩ. Thực tế cho thấy chỉ trong 2-3 năm, các em học xong ra trường doanh nghiệp tuyển dụng ngay với nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, thu nhập cũng rất cao. Vì thế, nếu có nhận thức đúng đắn thì các em sẽ tận dụng được những ưu thế này", thạc sĩ Phương chia sẻ.

Đại diện các trường cho rằng nếu muốn thu hút 50% học sinh tốt nghiệp THPT và THCS đến năm 2030 vào học nghề thì trước hết phải thay đổi quan điểm, nhận thức của xã hội về học nghề. Tiếp đến, thành phố cần chỉ đạo Sở GD-ĐT phân luồng sau THCS và THPT một cách hợp lý hơn. Nếu chỉ còn 30% học sinh tốt nghiệp THCS "chia" cho các trường THPT ngoài công lập, trung tâm GDTX và CĐ, trung cấp, thì số lượng vào học nghề chắc chắn không còn bao nhiêu.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.