Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP, cho rằng cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 đã bước sang giai đoạn 2 với tâm dịch là châu Âu. Các chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ có hàng ngàn ca mắc bệnh.
Ba nguy cơ lây nhiễm
Từ khi bùng phát dịch, đã có 350.000 người nhập cảnh về Việt Nam, trong đó có khoảng 100.000 người từ Mỹ và châu Âu. Những người đã đi qua nhiều địa phương, tiếp xúc với hàng trăm người Việt Nam nên mỗi khi phát hiện một kênh nhiễm bệnh thì việc truy tìm người tiếp xúc có nguy cơ lây nhiễm sẽ rất vất vả. Ba ngày qua, ngành y tế liên tục phát hiện các ca dương tính trên cả nước, trong đó có cả ca ủ bệnh hơn 14 ngày như trường hợp bệnh nhân (BN) thứ 100 ở Q.8.
Giám đốc Sở Y tế cho biết nguy cơ lây nhiễm lớn nhất là người về từ vùng dịch qua sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và các chuyến bay nội địa từ các vùng dịch về TP. Nguy cơ thứ hai là lây nhiễm trong cộng đồng dân cư bởi nhiều du học sinh, khách du lịch đến Việt Nam trước thời điểm buộc cách ly tập trung đã đi nhiều nơi. Nguồn lây thứ ba là những cán bộ tiếp xúc trực tiếp với người về từ vùng dịch, dù đã có đồ bảo hộ.
Để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, ông Bỉnh đề nghị ngừng tất cả các phương tiện giao thông, kể cả xe buýt, đối với taxi thì không dùng máy lạnh, luôn mở cửa kính thông thoáng, tài xế đeo khẩu trang và vệ sinh xe sau mỗi lần chở khách.
Các cửa hàng không thật sự cần thiết thì nên đóng cửa, các quán ăn, quán nước không mở máy lạnh, nhân viên phục vụ phải mang khẩu trang và thường xuyên lau dọn bàn ăn sau khi khách sử dụng, khách du lịch không tập trung thành đoàn quá 10 người, giữ khoảng cách an toàn là 2 m, hạn chế hội họp. Các ký túc xá tiếp nhận người đến cách ly phải giải tỏa tất cả học sinh, sinh viên còn lưu trú để hạn chế nguồn lây nhiễm.
Chịu cực trước để sướng sau
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, phân tích một số bài học phòng chống dịch của Nhật Bản, Hàn Quốc và đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP.HCM nghiên cứu, triển khai.
Trong đó, dứt khoát ngăn chặn những nguồn dịch từ bên ngoài, phải xử lý được nguy cơ lây nhiễm khi nhận con em người Việt Nam từ nước ngoài về, người dân đeo khẩu trang khi đi ra đường, đóng cửa các hoạt động đông người... Riêng hoạt động tôn giáo, ông Nhân đề nghị Ban Tôn giáo cùng Sở Ngoại vụ làm việc với lãnh đạo các tôn giáo ở TP để thảo luận.
Ông Nhân nhấn mạnh cả nước có 2 tuần để quyết định thành bại cuộc chiến chống Covid-19 và “nếu để lỡ thời cơ vàng này thì không thể làm lại và có lỗi với lịch sử”. Do vậy, TP phải làm quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, không để quá 150 người nhiễm để góp phần khống chế ca nhiễm của cả nước dưới 500 ca.
“Khi số ca nhiễm lớn lên thì có xây bệnh viện mới cả ngàn chỗ cũng không giải quyết nổi”, ông Nhân lo ngại.
Bí thư Thành ủy đề nghị trong 2 tuần tới, người dân ráng “chịu cực hơn để sau sướng hơn”, nếu vẫn sống như bình thường thì sau đó đất nước sẽ gặp khó khăn. “Tóc chưa dài lắm khỏi đi cắt. Đừng mua giày, quần áo mà ở nhà giữ cho mình an toàn”, ông Nhân chia sẻ và yêu cầu TP phải bàn kỹ giải pháp giảm người dân ra khỏi nhà một cách tự giác để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, TP cần tăng cường biện pháp giám sát, phát hiện và cách ly kịp thời những trường hợp tiếp xúc gần để khoanh vùng dập dịch.
Chiều cùng ngày, UBND TP chỉ đạo tạm dừng các hoạt động vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có công suất phục vụ từ 30 người trở lên; câu lạc bộ bida, phòng gym, cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn đến hết ngày 31.3.
Ông Nhân cho biết TP sẽ không dừng tất cả dịch vụ và đề nghị ngành y tế hướng dẫn nhà hàng mở cửa theo kiểu nào, nếu nhà hàng không phục vụ trực tiếp mà chuyển sang bán mang về có được không...
Bình luận (0)