Ngày 14.10, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM tổ chức buổi giám sát với các sở, ngành về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM.
Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm hàng rong
Tại buổi giám sát, đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM đã có kiến nghị với Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tăng cường thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm các cơ sở cung ứng đồ ăn và thức uống cũng như có biện pháp giải quyết tình trạng hàng rong trước cổng trường.
Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, có một số đơn vị cung ứng suất ăn sẵn hợp đồng cùng lúc với nhiều cơ sở giáo dục, vượt quá số lượng suất ăn được cấp phép, nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ông Lê Minh Hải, Phó giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM (Sở ATTP TP.HCM), cho biết theo quy chế phối hợp liên ngành của TP.HCM thì việc quản lý hàng rong ở trường học do các quận huyện quản lý. Những người kinh doanh thực phẩm trước cổng trường đa số là các cá nhân tự phát, không có địa điểm cụ thể.
Về việc công bố danh sách các cơ sở chế biến thức ăn trên địa bàn, ông Hải cho hay, hiện đã có danh sách các cơ sở cung cấp suất ăn, trong thời gian tới sẽ cập nhật trang web về các công ty cung cấp suất ăn cho các trường học để dễ tìm kiếm và quản lý.
Ông Hải cũng cho biết, hiện Sở ATTP TP.HCM cũng như các quận huyện và TP.Thủ Đức gặp khó khăn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm do lực lượng quá ít từ cấp xã đến cấp thành phố.
Nhiều ca ngộ độc nhỏ lẻ khó phát hiện
Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong năm nay đã có 2 vụ việc liên quan đến ngộ độc thực phẩm. Đó là vụ việc 19 sinh viên ở ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM ngộ độc thực phẩm. Và gần đây, có 6 học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) có triệu chứng ngộ độc sau bữa ăn ở trường.
Theo ông Nam, tháng 2.2024, có 2 trẻ bị ngộ độc botulinum sau khi ăn chả. Tuy nhiên, sau khi về quê, 2 trẻ này mới có triệu chứng ngộ độc và cùng nhập viện thì mới phát hiện ngộ độc khi ăn chung tiệc.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay, với các ca ngộ độc nhỏ lẻ, người dân thường tự nhập viện và không biết nguyên nhân do đâu nên không báo cáo với Sở Y tế TP.HCM. Ngoài ra, người dân có ngộ độc thường nhập viện khác nhau nên khó phát hiện ra là ngộ độc thực phẩm.
Bên cạnh đó, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng đề xuất cần có cơ chế dự trữ thuốc quý hiếm. Đối với trường hợp ngộ độc, hiện thuốc không có, khi mua 1 lọ giá đến hàng trăm triệu đồng, mà khi có ngộ độc mới đặt hàng thuốc ở nước ngoài thì rất chậm.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho rằng qua các buổi khảo sát của đoàn tại chợ đầu mối vẫn còn nhiều hiện tượng bất cập như: nhập nhằng nhãn mác, hóa đơn trái cây nhập khẩu; chợ tự phát vẫn còn; vệ sinh môi trường tại chợ còn kém...
Ngoài ra, ông Bình cũng đề nghị Sở ATTP TP.HCM phối hợp với các quận huyện tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở cung cấp suất ăn, kiểm tra xử phạt vi phạm hàng rong trước cổng trường, không đùn đẩy trách nhiệm.
Xây dựng sàn giao dịch thịt heo
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM kiến nghị xây dựng sàn giao dịch thịt heo ở TP.HCM.
Sàn giao dịch này sẽ góp phần chuẩn hóa quy trình chăn nuôi, chế biến, sản xuất mặt hàng thịt heo. Hỗ trợ thực hiện chủ trương quy hoạch và đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở giết mổ công nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Bình luận (0)