Với đặc điểm địa lý là vựa lúa của cả nước, từ thời khai hoang lập nghiệp đến nay, người miền Tây đã làm nên nhiều loại bột phong phú, làm tiền đề cho muôn vị bánh trái ngon lành. Bột Sa Đéc đã vang danh từ lâu và hiện có mặt hầu hết ở các thị trường trên thế giới.
Với nguồn nông sản phì nhiêu của mình, người dân miền Tây không chỉ làm bánh từ các loại bột bánh truyền thống như bột gạo, bột nếp, bột năng mà còn sáng tạo kết hợp với các loại nguyên liệu từ rau củ quả như chuối, mít, các loại khoai, đậu, mè, nước cốt dừa...
Câu chuyện văn hóa nếp xưa người Việt qua những món bánh dân gian đã được kể lại bởi các nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương, chuyên gia ẩm thực Chiêm Thành Long... Đặc biệt, nhiều món bánh quê ngon miệng, đẹp mắt sẽ được tái hiện bởi các nghệ nhân địa phương tài hoa nổi danh đất Tây Đô: Vợ chồng bà Trương Thị Chiều, còn được gọi thân thương là cô chú Chín Chiều. Chương trình diễn ra trong khuôn khổ chuỗi sự kiện tôn vinh văn hóa ẩm thực "Hương vị quê nhà" do nhà hàng Mặn Mòi chủ trì.
Trước khi được biết đến như những "sứ giả văn hóa", cô chú Chín Chiều có một khởi điểm mộc mạc: Họ dành gần như cả cuộc đời rong ruổi rao bánh khắp các con hẻm phường Bình Thủy, Cần Thơ. Chiếc xe bánh rực rỡ của cô chú trở thành một phần đặc sản Tây Đô với những món bánh quê được làm thủ công chăm chút, công phu và lối giao tình nồng hậu.
Theo thời gian, ta khó tìm bánh quê đúng vị ngay cả ở các miền quê giữa thời buổi công nghiệp. Những người gắn đời với bánh quê như cô chú Chín Chiều cũng đã mỏi nhịp chân, những tiếng rao "ai bánh bò, bánh tằm, bánh chuối, bánh mặn hôn…" cũng vắng bóng dần trên phố phường. Ấy vậy nên, chuỗi sự kiện tôn vinh ẩm thực "Hương vị quê nhà" của nhà hàng Mặn Mòi sẽ mang hình bóng ấy trở lại với người Sài Gòn. Những bánh bò, bánh tằm, bánh chuối, bánh mặn… đặc sản từ đôi tay tài hoa của cô chú Chín Chiều đã sống lại lần nữa giữa phố thị.
Chia sẻ với PV, vợ chồng cô chú nghệ nhân Chín Chiều cho hay: "Sau 40 năm làm nghề, chúng tôi vẫn... chối từ máy móc, trung thành với lối làm bánh thủ công bằng tay, với nguyên liệu tươi lành quê mình", thật thú vị!
Nhà hành Mặn Mòi thương những chuyện đời, chuyện người như vậy, nên thật muốn nối cuộc hẹn giữa những vẻ đẹp xưa với con người bận rộn ngày nay. Không chỉ là chuyện bánh trái, đó còn là cả những câu chuyện văn hóa thảo thơm xứ mình, phải kể nhau nghe khi còn kịp...
Chuỗi sự kiện tôn vinh ẩm thực "Hương vị quê nhà" do Mặn Mòi tổ chức là sự kết hợp với các chuyên gia ẩm thực uy tín của Việt Nam, nhà nghiên cứu văn hóa và nghệ nhân ẩm thực địa phương, nhằm tổ chức các hoạt động tọa đàm văn hóa, trình diễn chế biến, mời thưởng thức ẩm thực... nhằm tôn vinh, quảng bá các món ăn đặc trưng từ 63 vùng miền đa dạng của Việt Nam, giới thiệu nét đẹp của văn hóa địa phương qua ẩm thực đặc trưng từ các vùng miền đất Việt.
Màu sắc rực rỡ của các món bánh cũng chính là màu sắc của cỏ cây vườn nhà, từ màu tím làm từ lá cẩm, màu vàng từ dành dành, màu xanh từ lá dứa, lá bồ ngót… Lối tạo khuôn, gói bánh cũng dùng chính lá dừa, lá chuối, lá tre, lá mít... mà làm nên những bánh ít, bánh tét, bánh ú, bánh dừa… Cách chế biến cũng phong phú từ hấp, luộc, nướng, chiên đến lên men bột.
Những món bánh quê không xa lạ với ký ức nhiều người miền Nam. Nhưng trong cuộc sống hiện đại, giữa thời buổi công nghiệp, những mẹt bánh quê đã ngày càng vắng bóng, việc tìm thấy những món bánh quê được chế biến ngon lành, chỉn chu, đúng vị... kể cả ở chính miền quê, đã không còn dễ dàng.
"Bánh trái miền Tây” nằm trong chuỗi sự kiện ẩm thực "Hương vị quê nhà", một chương trình do nhà hàng Mặn Mòi tổ chức cùng các nghệ nhân và chuyên gia ẩm thực, lần lượt tái hiện gần 200 món ngon đặc trưng của 63 vùng miền trải dài khắp Việt Nam.