Trạm sạc điện vào chung cư

05/08/2024 04:13 GMT+7

Quy định từ ngày 1.8, chung cư xếp hạng nhất phải có trạm sạc cho xe điện đã mở ra cơ hội đóng góp vào giao thông xanh của nhiều người.

Cụ thể, theo Nghị định 95 hướng dẫn chi tiết luật Nhà ở, từ ngày 1.8, nhà chung cư được phân làm ba hạng theo thứ tự hạng 1, 2 và 3 với nhiều tiêu chí. Riêng chung cư hạng cao nhất phải đáp ứng điều kiện là có trụ sạc cho xe điện.

Quy định này nhận được sự hưởng ứng của nhiều người bởi trước đây, dù muốn chuyển sang xe điện như một cách đóng góp vào xu hướng xanh hóa giao thông, hay đơn giản là vì thấy thiện cảm với dòng phương tiện thân thiện với môi trường... nhưng do sống trong các chung cư không có trạm sạc điện nên họ đành gác lại. Giờ thì cản ngại này đã được tháo gỡ, họ có thể chuyển đổi sang xe điện, vừa sử dụng thuận lợi, vừa có cơ hội tham gia chương trình bảo vệ môi trường nói chung.

Ở góc độ chính quyền, đặc biệt là tại các TP lớn, nơi lượng xe cộ đông đúc, khí thải nhiều, ô nhiễm trầm trọng thì quy định này cũng sẽ hỗ trợ tốt cho mục tiêu phát triển hệ thống giao thông xanh, hướng đến phát thải ròng về 0. Vì thế, việc tự chủ trạm sạc ở chung cư cũng góp phần giảm tải cho các trạm sạc công cộng, giảm thời gian chờ đợi, khiến người ta bớt "ngại" xe điện.

Ngoài chung cư hạng nhất, từ đầu tháng 10 tới, theo quy định của Bộ GTVT, những trạm dừng nghỉ xây mới trên các tuyến cao tốc, quốc lộ hoặc đường tỉnh cũng phải có trạm sạc cho xe điện.

Tuy nhiên, chỉ thế thôi vẫn chưa đủ, hạ tầng cho xe điện cần phải được mở rộng mạnh mẽ hơn. Nhiều nước trên thế giới ưu đãi cả về thuế, lãi suất, cơ chế để đầu tư trạm sạc xe điện trong các tòa nhà, chung cư, địa điểm công cộng, bãi đỗ xe ngầm của các tòa văn phòng, trung tâm mua sắm, trường học... nhằm tạo thuận tiện cho người sử dụng xe điện. Là nước đi sau, VN đang có lợi thế trong việc tạo ra hạ tầng mới, sẵn sàng cho giao thông xanh. Chính phủ cũng đã có chủ trương rõ ràng, đến năm 2050 phấn đấu 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Đề xuất cơ chế hỗ trợ giá điện cho trạm sạc

Thế nhưng giữa mục tiêu và thực tế, vẫn đang có khoảng cách không nhỏ. Các báo cáo nghiên cứu chỉ ra rằng phát thải do giao thông đô thị còn nghiêm trọng hơn các nguồn khác bởi với việc bê tông hóa, mật độ người và xe cao, các chất ô nhiễm khó phân tán và bị cộng hưởng bởi bê tông sắt thép, không thoát được. Do đó, việc xanh hóa năng lượng cho phương tiện giao thông là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, theo thống kê, cả nước đang có gần 5 triệu xe ô tô, 72 triệu xe máy. Trong số đó, tỷ lệ phương tiện chạy bằng năng lượng xanh (điện, khí hybrid) rất ít, chỉ có khoảng 20.000 ô tô điện, 700 xe buýt điện và chạy hybrid; 2,8 triệu xe máy điện. Một phần rất lớn nguyên nhân của sự chuyển đổi chậm trễ này là hạ tầng cho giao thông xanh như trạm sạc, nguồn cung nhiên liệu sạch, cơ chế chính sách khuyến khích phương tiện điện chưa sẵn sàng, chưa đủ. Đơn cử TP.HCM, đến cuối năm 2022, TP có khoảng 12.750 xe điện có đăng ký và tiếp tục tăng cao, tăng nhanh trong thời gian gần đây. Thế nhưng, TP chưa có hệ thống trạm sạc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn chi tiết cho trạm sạc xe điện. Hiện TP mới đang tính toán thực hiện trước cho xe buýt từng bước tiến đến chuyển đổi toàn bộ phương tiện điện.

Hy vọng là sau các quy định về trạm sạc trong chung cư hạng nhất và ở trạm dừng, chính sách, hạ tầng cho xe điện, cho giao thông xanh nói chung sẽ được triển khai nhiều hơn, đồng bộ hơn, quyết liệt hơn để bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta cũng như góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 của Chính phủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.