Trang trại thuần tự nhiên

Vũ Thơ
Vũ Thơ
07/09/2019 07:54 GMT+7

Với triết lý 'quay về với mẹ thiên nhiên', cặp vợ chồng thạc sĩ, kỹ sư đã bỏ phố lên rừng nghiên cứu xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, khép kín thế hệ mới, không phát thải ra môi trường.

Đó là mô hình Nguyên khôi xanh của vợ chồng chị Nguyễn Phương Thảo (33 tuổi) và anh Nguyễn Lương Quyết (40 tuổi, ở P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội). Mô hình vừa được Bộ KH-CN và Ngân hàng Thế giới trao giải nhì tại cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”.

Chất thải của quy trình này trở thành đầu vào của quy trình khác

Tốt nghiệp thạc sĩ về môi trường ở Anh quốc trở về quê hương, chị Nguyễn Phương Thảo đã có công việc và thu nhập ổn định trong một cơ quan nhà nước, nhưng chị luôn trăn trở trước thực trạng ô nhiễm môi trường và thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Sau thời gian tìm hiểu, chị cùng chồng là một kỹ sư xây dựng đã lên H.Yên Lập (Phú Thọ), sáng lập ra Nguyên khôi xanh, mô hình trang trại chăn nuôi và trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ, không gây ô nhiễm môi trường.
Chị Thảo cho biết, khác với những mô hình chăn nuôi hiện có tại VN theo tuyến tính, chỉ phát triển theo một chiều, mô hình của Nguyên khôi xanh được nghiên cứu rất kỹ lưỡng những kỹ thuật trong việc xử lý chất thải, hướng tới xử lý triệt để chất thải. Đặc biệt, biến chất thải của quy trình này trở thành đầu vào của quy trình khác.
Cụ thể, trong trang trại, phân heo được xử lý qua men vi sinh, trở thành thức ăn cho giun quế. Sau đó, đạm giun lại trở thành đạm cho vật nuôi, phân giun trở thành phân bón hữu cơ cho cây trồng trong trang trại. Phần nước thải sau biogas không xả thẳng ra môi trường mà có hệ thống bể lọc ngập nước kiến tạo, bao gồm các vật liệu lọc và cây thủy sinh để tiếp tục phân giải các chất dư thừa là nitơ và phốt pho. Nước thải sau bãi lọc được tận dụng tưới cây và đưa ra đầm sen nhằm tạo năng suất cũng như để đạt hiệu quả kinh tế…
Đặc biệt, chị Thảo chia sẻ, trong mô hình này, vấn đề được ưu tiên hàng đầu là vật nuôi hạnh phúc, khỏe mạnh bởi đề kháng tự nhiên; chất lượng nông sản thơm ngon và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. “Để sản phẩm có chất lượng cao, chúng tôi tạo cho vật nuôi, cây trồng một sức đề kháng tự nhiên khỏe mạnh, đến từ môi trường, thức ăn, vận động. Vật nuôi được sống môi trường sạch sẽ, rộng rãi, gần gũi với thiên nhiên, hạn chế tác động của hóa chất”, chị Thảo cho hay.
Sau 2 năm triển khai (từ năm 2017), mô hình trang trại đã cung cấp ra thị trường các sản phẩm an toàn như thịt tươi sản xuất theo công nghệ thịt mát, thực phẩm chế biến sẵn từ thịt lợn sử dụng gia vị tự nhiên từ động thực vật, tuyệt đối không dùng phụ gia công nghiệp, các sản phẩm trà hoa hữu cơ…

Hạnh phúc khi đi… bốc phân heo

Để xây dựng mô hình này, chị Thảo cho biết, nhóm đồng sáng lập đều là những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu môi trường, trong đó có những người đã được đào tạo trong lĩnh vực khoa học môi trường từ trường đại học hàng đầu tại Anh, và các kỹ sư có chuyên môn được đào tạo bài bản đã nghiên cứu và xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn… Tuy nhiên, vợ chồng chị và các cộng sự cũng phải trải qua không ít khó khăn vì lần đầu tiên làm nông dân.
Để đảm bảo cho lợn có sức khỏe tốt và chất lượng theo mong muốn, anh Quyết cũng thường xuyên đi bốc phân heo để “phân tích” xem lợn có tiêu hóa hết lượng thức ăn hay không, độ chua đủ chuẩn chưa… Đối với người khác sẽ là một cực hình khi đang quen với cuộc sống nơi thành thị, quay trở về làm trang trại, nhưng vợ chồng chị Thảo và các cộng sự luôn coi đó là niềm hạnh phúc. Không dừng lại ở đó, những người sáng lập trang trại còn đang hướng đến vận động và tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các trang trại xung quanh thực hành theo “Mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn ứng phó với biến đổi khí hậu” để hình thành vùng nuôi trồng có môi trường sạch, chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn và đáp ứng được nhu cầu sử dụng các sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để phát triển mô hình này trong tương lai, chị Thảo không khỏi trăn trở vì hiện chưa có quỹ đất được quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ; chưa có chính sách hỗ trợ về vốn cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mặc dù nhà nước đã có chính sách ưu đãi vốn cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. “Mô hình của chúng tôi đã cho kết quả tốt, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thời đại là chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ tại VN, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành chăn nuôi và thị trường tiêu thụ về sản phẩm hữu cơ. Thúc đẩy nhanh việc thí điểm áp dụng tại các trang trại khác để rút ra những bài học là hết sức cần thiết. Từ đó làm cơ sở để nhân rộng và phát triển ra toàn bộ cộng đồng chăn nuôi”, chị Thảo bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.