Tranh cãi cắt điện công trình xây dựng vi phạm

Nguyên Nga
Nguyên Nga
10/10/2019 06:35 GMT+7

Cắt điện là một trong những giải pháp “gia tăng áp lực” đối với các công trình vi phạm xây dựng , được UBND TP.HCM yêu cầu ngành điện lực TP áp dụng. Tuy nhiên, để thực hiện việc này cũng không đơn giản.

Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC) vừa đề nghị Tập đoàn điện lực VN (EVN) chấp thuận cho EVNHCMC được quyền không bán điện cho khách hàng khi có yêu cầu từ chính quyền liên quan vi phạm trong xây dựng.

Cắt là phạm luật ?

Áp dụng hình phạt ngưng cung cấp điện là cần thiết, nhưng không vì có hình phạt này mà dung dưỡng cho các sai phạm từ phía cơ quan chức năng, từ những quy định trong xây dựng đã lỗi thời và chỉ làm khó cho người dân, DN.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu

Trước đó, UBND TP.HCM cũng giao nhiệm vụ cho EVNHCMC phải có giải pháp không cung cấp điện cho các công trình vi phạm. Động thái trên của UBND TP đưa ra sau khi hai đơn vị quản lý tòa nhà tại số 51 Nguyễn Chí Thanh (Q.5, TP.HCM) không thực hiện các quyết định xử lý vi phạm (xây các tầng vượt phép, các hạng mục sai phép) của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cuối tháng 9, EVNHCMC có công văn trả lời đơn vị này không thể ngừng cung cấp điện đối với công trình theo chỉ đạo của TP. Dẫn Công văn 4608 của Bộ Công thương (ngày 17.5.2016) hướng dẫn ngưng cấp điện theo quy định của luật Xây dựng, đơn vị này cho biết từ năm 2015, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các đơn vị điện lực không thực hiện ngưng cấp điện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của luật Xây dựng.
Đồng ý với lập luận của Bộ Công thương, luật sư Nguyễn Thu Đào (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng đề nghị ngưng cung cấp dịch vụ điện đối với công trình vi phạm là không đúng so với quy định pháp luật. Bởi giữa công ty điện lực và khách hàng có ký kết hợp đồng giao dịch dân sự, trong đó có các điều khoản quyền lợi đi kèm với nghĩa vụ giữa bên mua và bên bán. Khi bên mua vi phạm quy định trong hợp đồng thì bên bán có quyền tạm ngừng, thậm chí chấm dứt hợp đồng. Người dân vi phạm trật tự xây dựng chứ không vi phạm hợp đồng điện, nên nhà cung cấp không có cơ sở để chấm dứt hợp đồng, càng không thể chấm dứt hợp đồng dân sự bằng quyết định hành chính của nhà nước. Ngoài ra, luật sư Thu Đào nhấn mạnh, điện là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, chỉ ngưng cung cấp dịch vụ khi thấy công trình xây dựng không bảo đảm an toàn cháy, nổ chứ không thể cắt điện khi phát hiện xây dựng sai phép, không phép.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thì cho rằng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là ngăn ngừa vi phạm, chứ không phải chờ vi phạm xảy ra rồi xử lý như cắt điện, cắt nước. Nếu áp biện pháp quản lý hành chính bằng cắt điện, coi chừng cơ quan điện lực lại bị kiện ngược trở lại.

Điện lực có quyền ngưng cung cấp

Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Minh Phong nói nếu chỉ xét về nội dung hợp đồng mua bán điện giữa người mua và bên bán là công ty điện lực, nếu khách hàng vi phạm những điều khoản trong hợp đồng thì phía cung cấp điện là EVNHCMC hoặc đơn vị cung cấp điện khác có quyền ngưng hợp tác, không cấp điện.
Các công trình vi phạm an ninh quốc phòng, vi phạm pháp luật... tuy nằm ngoài yếu tố của hợp đồng, nhưng được cơ quan quản lý xác định là vi phạm, với mục đích hợp tác với chính quyền, nhằm gây sức ép cho đơn vị vi phạm, có thể áp dụng biện pháp cắt điện. “Lưu ý là với trường hợp vi phạm pháp luật đã được cơ quan nhà nước xác nhận, công bố. Với các công trình vi phạm như không giấy phép xây dựng, sai phép, không được phép xây cao tầng, xây quá mức được cấp phép... tức là những “tội danh” này đã được cơ quan quản lý xác nhận bằng quyết định cưỡng chế... thì điện lực hoàn toàn có quyền ngưng cung cấp điện”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói.
Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM, đồng tình trường hợp khách hàng sử dụng điện sai mục đích ghi trong hợp đồng, hoặc có quyết định cưỡng chế của nhà nước là công trình xây dựng sai phép và buộc khắc phục tháo dỡ, thì điện lực có quyền cắt điện.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết trong quy tắc đạo đức ứng xử của doanh nghiệp (DN) hội viên HoREA, có quy tắc thượng tôn pháp luật của DN. Nên nếu DN vi phạm, hiệp hội ủng hộ việc áp dụng các biện pháp trừng phạt của phía chính quyền như ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
Tuy nhiên, ông Châu lưu ý cần phân biệt các loại hình vi phạm tránh áp trừng phạt kiểu “cào bằng” trong vi phạm xây dựng. Bởi thực tế, có những trường hợp người dân sai do luật áp sai, hoặc quá khắt khe khiến DN muốn tuân thủ pháp luật cũng không được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.