Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, quan điểm của Cục là các hãng hàng không phải niêm yết giá đầy đủ, bao gồm cả các thành phần cấu thành nên giá.
Tới đây, Cục Hàng không Việt Nam sẽ báo cáo Bộ Giao thông vận tải sửa Thông tư quy định về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, trong đó sẽ quy định cụ thể hơn về hình thức, nội dung niêm yết thống nhất giữa các hãng.
Hiện, Cục Hàng không Việt Nam chỉ quản lý việc kê khai giá, còn việc niêm yết giá do Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) quản lý.
Trong văn bản gửi Cục Quản lý giá và Cục Hàng không Việt Nam, Vietjet đưa ra 3 luận điểm phản ứng lại đề xuất niêm yết giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trên website.
Theo đó, Vietjet cho rằng, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP và các văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về phương thức niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Nghị định này cũng không quy định rõ về việc doanh nghiệp phải niêm yết một mức giá gộp (gross fare) của hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả thuế, phí, hay niêm yết từng yếu tố cấu thành nên giá hàng hóa, dịch vụ (net fare) bao gồm giá gốc cộng với các loại thuế, phí và giá dịch vụ đi kèm.
“Vietjet lựa chọn phương thức net fare, vừa không trái luật, vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch về giá vé. Khi giao dịch mua vé trực tuyến trên website, khách hàng luôn nhận được đầy đủ thông tin về giá vé”, văn bản của Vietjet nêu.
Ngược lại, nếu áp dụng phương thức niêm yết giá vé gộp thì sẽ không đảm bảo tính công khai, minh bạch vì khách hàng không biết được cụ thể các yếu tố cấu thành nên giá vé. Thậm chí, khách hàng sẽ phải mặc nhiên thanh toán các khoản chi phí cho các dịch vụ mà họ không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng hết (ví dụ: định mức hành lý ký gửi 20 kg, chi phí suất ăn cố định trên máy bay…). Đó là điều không hợp lý và không đảm bảo tối đa quyền lợi cho khách hàng.
Ngoài ra, nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới như Jetsmart Airline của Chile, HK Express của Hong Kong, Vanilla Air của Nhật, Jeju Air của Hàn Quốc,… cũng đều niêm yết công khai từng yếu tố cấu thành giá vé máy bay như phương thức mà Vietjet Air đang áp dụng.
Cũng theo Vietjet, hiện nay ở Việt Nam có 5 hãng hàng không, trong đó, Vietjet, Bamboo Airway và Jetstar Pacific (do Vietnam Airlines sở hữu 68,85% vốn điều lệ) cùng áp dụng niêm yết giá vé máy bay theo phương thức liệt kê chi tiết các yếu tố cấu thành nên giá vé. Hiện chỉ Vietnam Airlines là hãng duy nhất áp dụng phương thức niêm yết mức giá vé gộp mà không liệt kê chi tiết các yếu tố cấu thành.
Trước đó, đầu tháng 9, Vietnam Airlines đã có văn bản gửi Cục Quản lý giá, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các cơ quan này yêu cầu các hãng thực hiện niêm yết giá vé đúng quy định. Vietnam Airlines khẳng định hãng này đang thực hiện đúng quy định niêm yết giá vé đầy đủ bao gồm giá vé và các loại thuế, phí và lệ phí.
Theo đó, khách hàng truy cập vào website chính thức của hãng lựa chọn hành trình và ngày đi đã nhận được thông tin giá vé đầy đủ cần phải thanh toán khi mua vé.
Tuy nhiên, các hãng hàng không khác chỉ mới niêm yết giá vé không bao gồm thuế phí trên website, khách hàng chỉ biết được mức giá cần phải thanh toán (bao gồm các loại thuế phí và lệ phí) khi lựa chọn các mức giá chi tiết.
Theo Vietnam Airlines, việc niêm yết giá không đồng nhất này dễ gây hiểu nhầm cho khách hàng về mức giá chênh lệch không chính xác giữa các hãng, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hãng này tại thị trường, vì thế kiến nghị có giải pháp để yêu cầu và đảm bảo các hãng thực hiện việc niêm yết giá đúng quy định.
|
Bình luận (0)