Muốn con không quá lệ thuộc vào các thiết bị công nghệ, nhất là trong kỳ nghỉ hè, nhiều cha mẹ đam mê xê dịch đã đưa con cùng trekking “săn” những đỉnh núi - “nóc nhà” của một vùng, khám phá thiên nhiên hùng vĩ, rèn giũa ý chí, sức bền.
15 tuổi leo độ cao 1.305 m
Quen với các hoạt động trải nghiệm ở trường, Lê Quốc Bảo (15 tuổi) bắt đầu tham gia trekking tại đền Gióng (H.Sóc Sơn, Hà Nội) từ năm 12 tuổi và tăng dần độ cao chinh phục trong các lần leo núi tiếp theo. Năm học này, em đã leo núi Ba Vì (Hà Nội) và Yên Tử (Quảng Ninh) mà không sử dụng cáp treo. Đáng kể nhất, em đã lên được độ cao 1.305 m so với mực nước biển, là mốc biên giới cao nhất ở H.Bình Liêu, Quảng Ninh. Còn em Bảo là bé Lê Quốc Minh (9 tuổi) gần đây cũng bắt đầu trải nghiệm những cung đường ngắn cùng mẹ. Sau mỗi chuyến trekking, hai anh em đều luyện thêm sức bền và luôn hào hứng trong những kế hoạch chinh phục đỉnh núi sau.
Chị Nguyễn Giang (P.Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội), mẹ của Bảo và Minh, chia sẻ trước mắt chị lên kế hoạch cho con đi hang Hổ (Quảng Bình). Đây là hành trình đi rừng, vào hang, các con được leo, đu dây, bơi trong hang. Sau đó, chị sẽ tìm các công ty tổ chức tuyến uy tín để con được chinh phục các đỉnh núi tại Tây Bắc với độ khó tăng dần.
11 tuổi lên “nóc nhà” Y Tý
Cũng mong con học được nhiều từ hành trình trekking, gia đình chị Hà Thu Thủy, trú P.Phương Mai, Q.Đống Đa, Hà Nội, đã cho các con leo núi cùng mẹ hơn 1 năm. Năm ngoái, khi 15 tuổi, bé Dương Danh Hoàng Giang đã chinh phục Tà Chì Nhù cao 2.979 m, đỉnh núi cao thứ 7 VN và được đánh giá khó cấp độ 4; còn Dương Danh Hoàng Lâm (11 tuổi) đã leo thành công Lảo Thẩn, “nóc nhà” Y Tý với độ cao 2.860 m.
Chạy địa hình cũng cần chú ýKhông chỉ trekking mà chạy bộ địa hình (trail) cũng đang là hoạt động hấp dẫn giới trẻ. Mới đây, tại một giải chạy đường mòn ở Mộc Châu, một người mẹ đã cho con mình cùng tham gia chạy cự ly 42 km, và em bé này bị chấn thương, không thể về đích. Vậy các phụ huynh cần lưu ý điều gì?
Chị Nguyễn Phương Yến Thảo, đại diện Ban tổ chức giải Lâm Đồng Trail (dự kiến diễn ra tại Lâm Đồng tháng 11.2021), cho biết giải có thiết kế đường chạy riêng cho trẻ em dài 2 km. Trẻ phải từ 6 - 14 tuổi và không có bất kỳ bệnh lý nền nào, gồm bệnh tim, bệnh động kinh, bệnh hen suyễn hoặc các bệnh không thể kiểm soát khi vận động liên tục, mới được tham gia.
“Cha mẹ nên chạy kế bên cùng trẻ để động viên, treo thưởng và dẫn bé quay về đúng lộ trình khi đi lạc hướng. Điều này tập cho trẻ thói quen vận động ngoài trời, kiến thức trong tự nhiên, cũng là dịp để con cái và cha mẹ có sự kết nối sâu sắc hơn”, chị Thảo khuyên.
|
Cần tập luyện trước
Anh Nguyễn Tử Anh, người sáng lập TropiAd (đơn vị tổ chức các tour trekking, leo núi cắm trại tại Lâm Đồng), cho biết dù là chạy địa hình hay đi bộ leo núi thì cũng cần tích lũy thể lực. “Không thể nào một bé học sinh hằng ngày chỉ ôm sách học, không chơi môn thể thao gì, không tập luyện gì đùng một cái đi liền. Điều đó rất nguy hiểm, nhất là với các cung dài”, anh Tử Anh nói.
Anh Tử Anh khuyên các bậc cha mẹ không nên đi tự phát. Để các con an toàn trong các hành trình, cha mẹ nên cho con thường xuyên chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, chạy bộ... Sau đó tìm hiểu kỹ các cung đường sẽ đi, nơi đó có côn trùng, bò sát gì không, đơn vị tổ chức chuyến đi có uy tín không, phương án hộ tống an toàn thế nào, nơi mình chạy có gần trạm y tế không...
Đồng quan điểm này, anh Nguyễn Sơn Hà, huấn luyện viên leo núi tại Saigon Climbing Center (TP.HCM), cho biết trước khi cho các con cùng đi trekking, cha mẹ nên cho các bé tập thể lực, tham gia các khóa học kỹ năng sống...
“Khi đi xuống, cần đi ngang bàn chân và tạo ra hướng bậc thang, ngả người về sau. Đi lên thì nên ngả người về phía trước. Không nên nối đuôi, đi sát vào nhau. Đặc biệt, cần có giày chuẩn trekking, đồ bảo hộ chịu được nước”, anh Hà chia sẻ kinh nghiệm. Ngoài ra, theo anh việc chuẩn bị dụng cụ sơ cứu là rất cần thiết. Đặc biệt với trẻ em, bố mẹ nên chia sẻ với con, khích lệ các con, cũng như nên có nhiều gia đình có trẻ con cùng đi với nhau để các bé có thêm động lực.
Bình luận (0)