Trên 50% doanh nghiệp phản ánh phải trả các chi phí không chính thức

Anh Vũ
Anh Vũ
05/05/2020 11:36 GMT+7

Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bắc Ninh đứng tốp đầu, trong khi các tỉnh Lai Châu, Bình Phước, Bắc Kạn nằm “bét bảng” về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 (PCI) .

Sáng 5.5, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức “Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019”.
Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, PCI năm 2019 được điều tra tại hơn 12.400 doanh nghiệp, là con số cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, có gần 10.000 doanh nghiệp dân doanh, còn lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). 
Chỉ số PCI gồm 10 chỉ số thành phần như: gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức… phản ánh năng lực cạnh tranh, tính năng động của các địa phương trong thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.
Về kết quả, Quảng Ninh năm thứ 3 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng PCI. Đặc biệt, 8 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm trước. Mặc dù vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở còn nhiều khó khăn, tuy nhiên Đồng Tháp lại đứng thứ 2.
“Các doanh nghiệp tư nhân hoạt động ở Đồng Tháp hài lòng về bộ máy chính quyền. Đây cũng là tỉnh lập kỷ lục 12 năm liên tiếp đứng tốp 3. Nhóm dẫn đầu còn có Vĩnh Long trở lại vị trứ thứ 3, Bắc Ninh năm nay đứng thứ 4. Ngoài ra còn Đà Nẵng, Quảng Nam, Long An, Hà Nội, Bến Tre, Hải Phòng trong tốp 10”, ông Đậu Anh Tuấn thông tin.

Quảng Ninh năm thứ 3 liên tiếp dẫn đầu về chỉ số PCI

Ảnh Lã Nghĩa Hiếu

Ở tốp cuối, Lai Châu là tỉnh đứng bét bảng. Ngoài ra, nhóm tỉnh cuối bảng còn có Bình Phước, Đắk Nông, Bắc Kạn. Tuy nhiên, các hoạt động xúc tiến đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp dân doanh phát triển đang được rất nhiều địa phương tốp cuối đẩy mạnh. 

Trên 50% số doanh nghiệp được khảo sát phản ánh phải trả các chi phí không chính thức

Qua điều tra, Trưởng ban Pháp chế PCI cho biết, lĩnh vực phiền hà nhất bao gồm đất đai, thuế phí và bảo hiểm xã hội. Đây là trọng tâm mà các tỉnh cần phải cải cách thời gian tới.
“Về chất lượng cơ sở hạ tầng, nhìn chung dưới con mắt của doanh nghiệp đều có xu hướng cải thiện, tuy nhiên chưa đồng đều. Hạ tầng viễn thông như điện thoại, internet và cung ứng điện, doanh nghiệp khá hài lòng, nhưng hạ tầng khu công nghiệp, đường cao tốc thì chưa. Rất nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ cũng phản ánh gặp khó khăn khi tìm kiếm khách hàng, nhân lực, nguồn vốn”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết một địa phương có chất lượng điều hành tốt phải đảm bảo các tiêu chí như: chi phí gia nhập thị trường thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng…
Năm nay, theo ông Lộc, sự năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng, công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng có nhiều tiến bộ, khiến bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh 2019 trở nên sáng sủa.
“Tuy nhiên, PCI 2019 cũng đã chỉ ra một số lĩnh vực có mức độ cải cách chưa như kỳ vọng. Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng còn cao. Vẫn có tới trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức. Đồng thời đưa ra một số khuyến nghị với chính quyền địa phương để tiếp tục thay đổi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Lộc đánh giá.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.