Tri ân những thầy thuốc tiêu biểu của ngành y tế TP.HCM

Duy Tính
Duy Tính
21/02/2022 14:52 GMT+7

Sáng 21.2, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM họp mặt 119 giáo sư, phó giáo sư, thầy thuốc tiêu biểu trong hoạt động tạo nguồn nhân lực y tế TP.HCM.

Tại buổi họp mặt, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 có sự đóng góp to lớn của hệ thống y tế, của các thầy thuốc. Đã có sự hy sinh mất mát của cán bộ y tế, đồng bào. Gửi lời tri ân các giáo sư, phó giáo sư, thầy thuốc tiêu biểu, Chủ tịch UBND TP.HCM hy vọng thời gian tới tiếp tục nhận được sự góp ý các chính sách để lãnh đạo TP.HCM để tiếp thu, nghiên cứu, tổ chức thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn tại TP.HCM và cả nước.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tặng quà lưu niệm cho GS Trương Đình Kiệt

duy tính

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM điểm lại lịch sử phát triển ngành y tế. Theo đó, Sở Y tế TP.HCM tiền thân là Ban Dân y khu Sài Gòn – Gia Định được thành lập ngày 24.7.1975. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển gắn liền với những sự kiện, những cột mốc đánh dấu, trong đó, không thể không có những người thầy giỏi.

Đó là Viện sĩ tiến sĩ Dương Quang Trung, người thầy sáng lập ra Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế (tiền thân của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch ngày nay). Ông là người thầy của mô hình cải cách giáo dục, nhằm đào tạo các bác sĩ tổng quát hướng về cộng đồng. Theo đó, người bác sĩ được đào tạo theo kiểu mới, có kiến thức vững vàng và y học cơ sở, vừa học tập lâm sàng tại các bệnh viện, vừa thực tập thực địa ở cộng đồng, tiếp cận được với mạng lưới y tế cơ sở.

Giáo sư Phạm Biểu Tâm, người thầy lớn của nhiều thế hệ thầy thuốc chuyên ngành ngoại khoa. Ông thường căn dặn học trò: “Nghề y là một nghề đặc biệt, nó cao quý hay hạ tiện là do chúng ta chớ không phải do nghề nghiệp của chúng ta”.

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại buổi lễ

DUY TÍNH

Giáo sư Ngô Gia Hy, chuyên gia hàng đầu của thế giới về niệu học, thành viên Hội Phẫu học Hoa Kỳ, Hội Niệu học quốc tế, Hội Niệu học Pháp, sáng lập viên Hội Niệu học Đông Á, là nhân cách lớn của một nhà giáo, một thầy thuốc luôn nặng lòng với y đức, với sự nghiệp trồng người và cứu người...

"Rất nhiều giáo sư, bác sĩ, luôn là những gương sáng về y lý - y đức - y thuật đã trở thành phương châm cho bao thế hệ thầy thuốc noi theo", Tăng Chí Thượng nói.

Theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, ngành y tế TP.HCM có được nguồn nhân lực chất lượng cao, những y bác sĩ hết sức hết lòng chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ngoài những chiến lược chính sách và chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, phải kể đến công sức và đóng góp quý báu của các thầy cô ngành y đi trước.

Lãnh đạo TP.HCM chụp ảnh lưu niệm cùng các giáo sư, phó giáo sư, thầy thuốc tiêu biểu

DUY TÍNH

“Các thầy cô vừa là thầy thuốc vừa là thầy giáo, gánh trên vai 2 trọng trách cao cả của xã hội là trồng người và cứu người. Đợt dịch bùng phát Covid-19 lần 4 vừa qua, hình ảnh các thầy cô cùng học viên lăn xả vào tâm dịch, không quản ngại khó khăn, hăng hái ra tuyến đầu chống dịch; hình ảnh các anh, chị thế hệ trước với những buổi huấn luyện cho thế hệ sau ngay tại hiện trường để sử dụng các phương tiện chống dịch, phương tiện hồi sức cấp cứu, máy thở… là không thể nào quên đối với người dân thành phố…”, PGS.TS Thượng chia sẻ.

Đám cưới tập thể của y bác chống dịch Covid-19: Hạnh phúc lứa đôi sau ngày gian khổ

Những thầy thuốc tiêu biểu của ngành y tế TP.HCM

Bác sĩ Trương Thìn, người luôn tìm thuốc trong nhạc, thi ca, họa, bậc thầy áp dụng nghệ thuật vào công tác điều trị y học truyền, vào cai nghiện ma túy, tác giả của phái châm cứu đặc biệt được phổ biến trong và ngoài nước từ hàng chục năm qua...

Giáo sư Anh hùng lao động Nguyễn Chấn Hùng, chuyên gia hàng đầu của ngành ung bướu học, thầy giáo, thầy thuốc, nhà quản lý, có nhiều đóng góp trong việc xây ngành ung bướu Việt Nam.

Giáo sư Anh hùng lao động Văn Tần, người thầy của nhiều thế hệ bác sĩ ngoại khoa. Đời ông chỉ muốn dành cho việc điều trị bệnh cứu người, nghiên cứu khoa học, truyền đạt những kinh nghiệm có được cho thế hệ trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người khai sinh chương trình “Cô đỡ thôn bản” giúp giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh vốn còn rất cao ở các tỉnh miền núi, nhất là ở vùng dân tộc ít người. Bà là người thầy đầu tiên mang kỹ thuật nội soi trong sản phụ khoa về Việt Nam và thuật hỗ trợ sinh sản thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Bác sĩ Trần Tấn Trâm, người thầy của rất nhiều thầy thuốc nhi khoa. Ông luôn trăn trở với khái niệm nhi khoa đại chúng và kỹ thuật học thích hợp góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 5 tuổi.

Giáo sư Đặng Vạn Phước, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, chuyên gia ngành trong lĩnh vực tim mạch. Ông đã đào tạo rất nhiều thế hệ bác sĩ nội khoa và tim mạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.