Triển lãm online sẽ nở rộ mùa dịch Covid-19?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
04/08/2021 06:15 GMT+7

Khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều triển lãm online có thể sẽ được tổ chức để thay thế triển lãm truyền thống.

Thèm… triển lãm

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy vẫn nhớ cảm giác gửi tranh đi triển lãm cách đây gần 2 năm. Đó là triển lãm quốc tế có chủ đề Nhiệt độ của thành phố - chống dịch bệnh Covid-19, do Hiệp hội Mỹ thuật TP.Gia Hưng (Trung Quốc) cùng Hiệp hội Thiết kế Đại Dương Chiết Giang (Trung Quốc) tổ chức. Một trong 2 tác phẩm của bà có tên Châu Á không phải vi rút Corona lấy cảm hứng từ người đàn ông gốc Á tại Pháp bị kỳ thị trong dịch. “Do dịch, ban tổ chức làm triển lãm online trước. Sau đó, khi dịch ổn định, họ lại tuyển chọn từ những tác phẩm đó để làm triển lãm offline”, bà Thủy nói.
Thèm… triển lãm là cảm giác của nhiều nghệ sĩ hiện tại. Bản thân công chúng cũng thèm xem triển lãm. “Ở Hà Nội vốn rất nhiều hoạt động. Nếu không có dịch thì bây giờ chính là lúc chuẩn bị vào mùa triển lãm. Đúng là cũng rất buồn vì thiếu hoạt động, nhất là công chúng ở Hà Nội đã quen với sôi động”, giám tuyển Nguyễn Anh Tuấn, cũng là người sáng lập Heritage Space, nói.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết hiện tại hoạt động triển lãm tranh tượng nhiều khả năng sẽ đóng băng. “Triển lãm dừng hết bởi vì bây giờ không được tụ tập đông người. Còn triển lãm online thì cá nhân nếu muốn có thể tự tổ chức. Về phía Hội chưa có dự định làm triển lãm online. Ngay cả triển lãm khu vực đáng lẽ phải tổ chức theo lịch thì hiện tại vẫn chưa thể chấm tác phẩm và tuyển chọn được. Chúng tôi cũng chưa biết sang tháng 9 có triệu tập được hội đồng không vì mỗi lần chấm như thế, hội đồng phải gồm mười mấy người”, ông Đoàn nói.
Trong khi đó, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam một mặt chuẩn bị triển lãm online, một mặt đang chuẩn bị cho triển lãm ảnh quốc tế khác. Theo đó, triển lãm về Covid-19 mang tên Những khoảnh khắc từ trái tim sẽ nhận ảnh đến hết 15.2.2022. Những hình ảnh được chờ đợi, khuyến khích là ảnh những tập thể, cá nhân có nghĩa cử, hành động đẹp, thiết thực và ý nghĩa; chiến sĩ trên tuyến đầu, gương điển hình trong công tác phòng chống dịch. Triển lãm còn lại sẽ lấy từ tác phẩm của cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế Việt Nam 2021.
Về triển lãm của cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế Việt Nam 2021, bà Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, cho biết: “Ban giám khảo quốc tế cũng đang chấm online tác phẩm. Chúng tôi muốn triển lãm bình thường nhưng nếu đến thời điểm dự kiến triển lãm mà vẫn còn dịch phải giãn cách thì sẽ tổ chức online”.

Giải pháp tình thế

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cho biết có những triển lãm tranh online thú vị. Bà lấy ví dụ triển lãm logo do họa sĩ Nguyễn Tri Phương Đông thực hiện. “Anh ấy làm cả một website ảo, người xem có thể đi theo xem 360 độ. Triển lãm cũng có những phỏng vấn họa sĩ. Đó là một triển lãm online rất hiện đại”, họa sĩ Thu Thủy nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng “cũng sẽ không có nhiều người làm triển lãm online mùa dịch. Hồi tháng 4 - 5 vừa rồi, tuy có dịch nhưng chưa quá khắt khe, bên Matca và L’Espace cũng lên kế hoạch tổ chức triển lãm nhiếp ảnh. Sau đó do dịch, họ chuyển sang làm online. Đó là một trạng thái thay thế chứ xem triển lãm online khó kết nối cảm xúc như cách xem trực tiếp. Tôi vẫn cho rằng đó là giải pháp tình thế thôi”.
Cũng theo ông Tuấn, triển lãm online vẫn sẽ có những hạn chế về mặt thị giác, nhất là triển lãm mỹ thuật. “Tôi xem cả triển lãm online, bảo tàng online, có những trưng bày chuyển cả lâu đài, bảo tàng thành không gian 3D. Nhưng khi nhìn nó vẫn có cảm giác nhân tạo. Khi mình xem tranh thì mình cảm nhận đó là sơn dầu, là lụa, là đất sét… Nhưng khi nhìn trên màn hình, cảm nhận đó bị hạn chế nhiều. Giác quan của mình nhận kỹ thuật số rất khác, nó khó vì không có giác quan xây dựng trên cảm xúc về vật liệu và ký ức”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho rằng ngay cả với triển lãm ảnh, việc làm online cũng có hạn chế. “Với triển lãm ảnh, tuy đỡ hơn một chút vì giác quan mình đã được rèn xem nhiều hình ảnh trực tuyến, nhưng nhiều yếu tố nhiếp ảnh cũng không thể hiện được.Ví dụ kỹ thuật in có nhiều nghệ sĩ đầu tư rất cao và nhìn trên mạng khó thể hiện được. Hoặc có những kỹ thuật buồng tối đặc biệt thì xem triển lãm online khó thể hiện. Ưu thế của nghệ thuật thị giác khi xem trực tuyến sẽ mất nhiều”, ông Tuấn nói.
Mặc dù vậy, những triển lãm nghệ thuật số, theo ông Tuấn lại rất lợi thế về hiệu ứng. Ông nhắc tới Lê Thanh Tùng (nghệ danh Crazy Monkey), nghệ sĩ thị giác sống tại TP.HCM. Crazy Monkey đồng thời trình diễn live video và các hiệu ứng thị giác điện tử. “Bạn Tùng Monkey cùng nhạc sĩ Trí Minh vừa làm dự án hòa nhạc đa phương tiện Lotus với hàng loạt chuyển động kỹ thuật số bằng công nghệ 3D mapping. Nó là nghệ thuật số ngay từ khi sinh ra nên dùng được trên web và gây ấn tượng”, ông Tuấn nói. Trên thực tế, Lotus có hình ảnh đồ họa kết hợp với live nhạc điện tử về số lượng cập nhật các ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.