Trò chuyện cuối năm cùng người Việt xa xứ

Như Trần
Như Trần
26/12/2021 09:40 GMT+7

Người Việt ở nước ngoài hy vọng đại dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát và những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm 2022.

Trong những ngày cuối cùng của năm 2021, Thanh Niên đã cùng một số người Việt sinh sống ở nước ngoài nhìn lại một năm qua, kế hoạch đón năm mới và những kỳ vọng cho tương lai.

Anh Lê Đắc Minh (thứ ba từ phải qua) cùng các đồng nghiệp tại Đại học Columbia trong một hoạt động mừng Giáng sinh

NVCC

Vui chơi nhưng vẫn cẩn trọng

Việc đầu tiên anh Lê Đắc Minh, chuyên gia thiết kế chương trình học trực tuyến cho Đại học Columbia (bang New York, Mỹ), thực hiện để chuẩn bị đón năm mới là đi tiêm ngừa cúm và liều tăng cường vắc xin Covid-19. “Với mình, đảm bảo sức khỏe là quan trọng nhất. Mình không muốn vừa tụ tập ăn uống, vừa nơm nớp lo sợ”, anh Minh chia sẻ với Thanh Niên.

Dịp lễ này, anh đã cùng bạn bè đặt chỗ tại nhà hàng và mua vé xem nhạc kịch. Tuy nhiên, số ca Covid-19 ở New York đang tăng cao khiến anh lo rằng kế hoạch của mình sẽ bị ảnh hưởng. “Nhiều buổi diễn đã bị hủy vì diễn viên mắc Covid-19. Dù cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, người dân đang rất dè dặt”, anh Minh nói thêm.

Như mọi năm, chị Nguyễn Dương Huyền, nhân viên văn phòng tại Hà Lan, sẽ tổ chức tiệc tại nhà và mời sinh viên Việt Nam đến cùng đón năm mới. “Mình muốn các bạn sinh viên xa gia đình được trải qua không khí ấm cúng của thời điểm đẹp nhất trong năm theo văn hóa phương Tây”, chị Huyền cho biết.

Chị Nguyễn Dương Huyền trong chuyến du lịch Phần Lan hồi tháng 11 (ảnh trái) và anh Nguyễn Phan Bảo Việt tại chợ Giáng sinh ở thành phố Frankfurt, Đức

NVCC

Chính phủ Hà Lan đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ cửa hàng không thiết yếu trong dịp lễ để kiểm soát dịch nhưng không cấm người dân tụ tập. Tuy vậy, chị Huyền vẫn cẩn thận yêu cầu người dự tiệc tự xét nghiệm Covid-19 trước khi đến.

Anh Nguyễn Phan Bảo Việt, kỹ sư tại thành phố Frankfurt (Đức), vẫn đăng ký đi làm trong dịp lễ. “Kế hoạch của mình là tổ chức tiệc nhỏ đón năm mới cùng các đồng nghiệp. Nếu điều kiện dịch bệnh cho phép, mình sẽ ra bờ sông Main ở trung tâm thành phố Frankfurt để xem pháo hoa đêm giao thừa”, anh Việt nói với Thanh Niên.

Do tính chất công việc, chị Diệp Ngọc Trâm, điều dưỡng tại một trung tâm lọc thận ở bang Massachusetts (Mỹ), sẽ đón năm mới cùng các đồng nghiệp và bệnh nhân. “Mình dự định mua một chiếc nón với dòng chữ “Chúc mừng năm mới” để tạo không khí lễ hội. Với mình, dịp lễ này cũng trôi qua như những ngày bình thường. Tuy nhiên, chỉ cần thấy bệnh nhân vui là mình cũng hạnh phúc rồi”, Trâm tâm sự. Chị cho biết sẽ dành thời gian để xem lại năm qua và đặt mục tiêu cho năm mới.

Chị Diệp Ngọc Trâm mua sắm chuẩn bị cho năm mới

Mong đại dịch ớm kết thúc

“Mình mong cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Hy vọng gia đình cùng toàn thể người dân Việt Nam vượt qua khó khăn và nhanh chóng phục hồi về mọi mặt. Mình cũng muốn mọi người đoàn kết để cùng nhau đánh bại các trở ngại”, anh Việt chia sẻ.

Anh Minh thì nói rằng không muốn phải trải qua cảm giác thấp thỏm, lo sợ mà Covid-19 mang lại như hiện tại. “Dịch bệnh được khống chế là mong ước lớn nhất của mình. Khi tình hình ổn định thì chúng ta mới có điều kiện tốt để thực hiện các kế hoạch của bản thân”, Minh cho biết. Anh cũng hy vọng sẽ tích lũy thêm nhiều kiến thức để đóng góp vào quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.

Bên cạnh việc sớm về thăm gia đình, chị Trâm mong sẽ được nhận vào trường y để thực hiện ước mơ và giúp đỡ thêm nhiều bệnh nhân. Trâm cũng đặt mục tiêu có lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng hơn trong năm tới. Mục tiêu lớn nhất của chị Huyền là về thăm quê sau khi Việt Nam nối lại các chuyến bay quốc tế. Chị hy vọng sẽ tiếp tục giúp đỡ các bạn sinh viên Việt Nam tại Hà Lan.

Những điều còn tiếc nuối

Chị Huyền cho biết mình có thêm thời gian để quan tâm đến gia đình, họ hàng nhiều hơn khi phải làm từ xa trong dịch bệnh. Tuy nhiên, chị cũng lỡ mất 2 lần thăm bố mẹ. “Bố mẹ mình đã 50 - 60 tuổi. Mình về Việt Nam mỗi năm một lần, tức chỉ gặp được bố mẹ 20 - 30 lần trong đời nữa mà thôi. Mỗi lần phải đếm ngược, mình rất lo sợ và hốt hoảng”, chị Huyền bộc bạch.

Nhiều mục tiêu anh Minh đặt ra cho năm 2021 đã không được thực hiện. Dù vậy, anh vẫn lạc quan vì cảm thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người. “Công việc mình không bị ảnh hưởng quá nhiều trong dịch bệnh và mình vẫn còn khả năng giúp đỡ mọi người”, anh Minh cho biết. Anh cũng hài lòng vì đã giúp thay đổi cái nhìn của các thầy cô lớn tuổi về việc dạy học trực tuyến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.