Trung Quốc hỗ trợ người cao tuổi bắt kịp công nghệ

23/05/2021 15:38 GMT+7

Theo SCMP, chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa người cao tuổi và người trẻ trong xã hội.

Đến khi trải qua kỳ nghỉ đầu tiên sau đại dịch, ông Guo Zhichao, 65 tuổi, mới thực sự nghĩ mình đã già. Ông nhớ lại lần hai vợ chồng đi du lịch mà phải nhờ người lạ giúp gọi xe qua điện thoại, đặt đồ ăn ở nhà hàng bằng mã QR, đặt vé đến điểm du lịch thông qua WeChat. Ông nói: "Tôi từng đi du lịch hồi trẻ, nhưng sau chuyến đi vừa rồi, lần đầu tiên tôi thấy sợ việc du lịch".
Trường hợp của Guo cho thấy nhiều khó khăn mà người cao tuổi ở Trung Quốc phải đối mặt khi tốc độ già hóa dân số và số hóa trong xã hội diễn ra ngày càng nhanh.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố những phát hiện từ cuộc điều tra dân số 10 năm 1 lần. Theo đó, những người trong độ tuổi từ 15 - 59 giảm xuống còn 63,35% trên tổng dân số 1,412 tỉ người năm 2020. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 18,70%.
Tỷ lệ người cao tuổi của Trung Quốc tăng lên, họ cảm thấy bị bỏ lại phía sau khi cả nước nhanh chóng ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong mùa Covid-19.
Theo báo cáo từ Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc (CNNIC), cư dân mạng Trung Quốc tăng lên 989 triệu người, tăng gần 10% kể từ tháng 3.2020 cho đến cuối năm, khi dịch vụ gọi xe, giao thực phẩm tươi sống và các mã QR sức khỏe được sử dụng nhiều hơn. Cũng theo thống kê này, người 60 tuổi dùng internet tăng từ mức 6,3% lên đến 11,2% trên tổng dân số internet trong thời kỳ đại dịch. 
Các tờ báo địa phương liên tục đưa tin về việc người già kém công nghệ không thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản tại ngân hàng, bệnh viện và phương tiện giao thông công cộng. Do đó, những nhà hoạch định chính sách bắt đầu tìm cách thu hẹp khoảng cách ngày càng lớn giữa những người trẻ sử dụng công nghệ và người già.
Tháng 11 năm ngoái, Hội đồng Nhà nước tuyên bố đưa ra các chính sách cụ thể để giúp người cao tuổi bắt kịp với nền kinh tế kỹ thuật số đang bùng nổ, đặc biệt là giúp họ dùng công nghệ để tiếp cận y tế, giải trí và dịch vụ công cộng.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) tháng trước cũng đã yêu cầu các trang web và ứng dụng di động cập nhật một số tính năng để hỗ trợ người cao tuổi, như cho phép tùy chỉnh kích thước chữ lớn hơn, chuyển đổi văn bản thành giọng nói, cấm liên kết các đường link quảng cáo bừa bãi. 
Đáp lại lời kêu gọi của Bắc Kinh và nhận ra tiềm năng tài chính to lớn của thị trường người cao tuổi, một số hãng công nghệ lớn đang phát triển các sản phẩm hướng đến nhóm đối tượng này. Năm 2020, đây là một thị trường trị giá 3.790 tỉ nhân dân tệ (khoảng 589 tỉ USD).
Taobao - nền tảng mua sắm của Alibaba Group Holding đã ra mắt "tài khoản gia đình" vào năm 2018, cho phép người trẻ giúp bố mẹ thanh toán những món đồ trong giỏ hàng. Alibaba cũng giới thiệu các khóa học trên mạng lẫn ngoài đời và những dịch vụ chăm sóc khách hàng hướng dẫn người già mua sắm online.
Didi Chuxing - dịch vụ gọi xe lớn nhất Trung Quốc cũng đã công bố các tính năng thân thiện với người cao tuổi vào đầu năm 2016, giúp họ đặt xe chỉ với 1 lần bấm, đề xuất 5 địa chỉ được dùng thường xuyên. Ứng dụng có các lựa chọn như phóng to chữ, quy trình thanh toán đơn giản.
Các hãng smartphone như Huawei, Xiaomi và Oppo đều có chế độ cho người cao tuổi trên sản phẩm của họ. Chế độ này giúp chỉnh văn bản, icon lớn hơn, cùng công cụ đọc chữ trên màn hình.
Tuy nhiên, những nỗ lực hiện tại vẫn chưa đủ giải quyết các vấn đề xã hội rộng lớn hơn.
Huang Zhaoqi - nhà phân tích từ công ty nghiên cứu đầu tư EqualOcean cho biết: “Hầu hết người dùng lớn tuổi không quen dùng thiết bị thông minh ngay từ đầu do thiếu hướng dẫn". Người này cho rằng những cao tuổi khó có thể tìm hiểu công nghệ và sản phẩm mới nhanh như người trẻ.
Ngoài ra, thị trường hiện tại đang thiếu các thiết bị thông minh được thiết kế để đáp ứng nhu cầu cuộc sống phức tạp và đa dạng của người cao tuổi. Nhóm người này dự kiến sẽ đạt 480 triệu người vào năm 2050.
Bên cạnh việc dạy người già sử dụng các công nghệ thông minh, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng nên để ngỏ một lựa chọn cho những người không muốn và không có khả năng hội nhập vào thế giới số.
Đó là trường hợp của bà Li Hongwen, 85 tuổi. Chiếc điện thoại di động mà con trai bà mua không có camera quét mã QR. Những người bán hàng rong thường rất khó chịu mỗi khi bà mua đồ bằng tiền mặt. Bà nói: "Tôi không biết mình còn sống bao nhiêu năm nữa. Sao phải lãng phí số tiền đó để mua điện thoại mới?".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.