Cơ quan quản lý giáo dục của Trung Quốc vào tuần trước chấm dứt 286 chương trình hợp tác giữa các đại học Trung Quốc và đại học nước ngoài trong đợt đánh giá định kỳ, South China Morning Post đưa tin.
Danh sách các chương trình bị chấm dứt đã được công bố trên ứng dụng chính thức của Bộ Giáo dục Trung Quốc. Một số chương trình đã bị hủy bao gồm chương trình cử nhân về thiết kế cơ khí và tự động hóa giữa Đại học Khoa học và Công nghệ Cáp Nhĩ Tân và Đại học City London (Anh), chương trình thạc sĩ về kinh tế và tài chính giữa Đại học Bắc Kinh và Đại học Hồng Kông, chương trình công tác xã hội giữa Đại học Sư phạm Hoa Đông và Đại học New York (Mỹ). Các chương trình với Đại học Florida (Mỹ), Đại học Nam Queensland (Úc) và Đại học Leeds (Anh) cũng bị ngưng lại.
Dù các nhà chức trách không nêu rõ lý do hủy bỏ các chương trình hợp tác, động thái này khiến dư luận lo ngại, đặc biệt là những sinh viên đang theo học các nội dung trên. Các quyết định được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi chính phủ Trung Quốc quyết định siết chặt ngành dạy thêm, học thêm. Nhiều người coi lệnh cấm dạy thêm và ngưng chương trình hơọ tác với nước ngoài là nỗ lực cải cách ngành giáo dục của Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc buộc các công ty dạy thêm phải đăng ký là tổ chức phi lợi nhuận, không chấp thuận thành lập công ty mới và cấm các công ty nhận đầu tư nước ngoài. Wall Street English, một trong những công ty dạy kèm tiếng Anh lớn nhất Trung Quốc, dự kiến nộp đơn xin phá sản trong tuần này. Trung Quốc cũng cấm dạy thêm vào cuối tuần, ngày lễ và trong kỳ nghỉ.
Tuy động thái mới của Trung Quốc gây nhiều lo ngại, bà Wu Yue, giám đốc công ty nghiên cứu giáo dục New School Insight Media, cho biết việc ngưng các chương trình hợp tác nước ngoài nằm trong chuỗi hoạt động kiểm tra định kỳ hàng năm của Bộ Giáo dục.
“Hàng năm, nhà chức trách sẽ chấm dứt một số chương trình không phù hợp và cấp phép cho một số chương trình có chất lượng tốt. Đây là hoạt động thường niên”, South China Morning Post dẫn lời bà Wu cho biết.
Từ năm 2004, Trung Quốc đã ra quy định để kiểm soát, bao gồm kiểm tra nội dung, các chương trình hợp tác giáo dục giữa Trung Quốc và nước ngoài. Những chương trình này sẽ không được chấp thuận nếu “vi phạm lợi ích xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa và bản chất phúc lợi công cộng của giáo dục” hoặc “không nhất quán với yêu cầu phát triển trong chủ trương giáo dục của quốc gia hoặc địa phương”. Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng định kỳ thông báo công khai về các chương trình mới được phê duyệt hoặc bị ngưng lại.
Bình luận (0)