Trung Quốc, Nga vượt qua Mỹ trong cuộc đua vũ khí bội siêu thanh?

Trung Quốc, Nga vượt qua Mỹ trong cuộc đua vũ khí bội siêu thanh?

Phúc Nguyên
PHÚC NGUYÊN: BIÊN TẬP, DỰNG CLIP | CẨM TÚ: ĐỌC VOICE
20/03/2023 10:19 GMT+7

Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 10.3 cho biết Trung Quốc đang vượt qua Nga về khả năng phát triển tên lửa bội siêu thanh và có thể đã có phương tiện tấn công các lực lượng quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương.

Trong phát biểu khai mạc trước Tiểu ban về các Lực lượng Chiến lược của Hạ Viện Mỹ  ông Paul Freisthler, nhà khoa học đầu ngành khoa học-công nghệ thuộc Cơ quan Tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ (DIA), đã so sánh năng lực vũ khí bội siêu thanh của Nga và Trung Quốc.

Ông Freisthler nhận xét: "Cả Nga và Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm vũ khí bội siêu thanh thành công và có khả năng triển khai các hệ thống này để tác chiến. Tuy nhiên, Trung Quốc đã vượt mặt Nga về cả cơ sở hạ tầng hỗ trợ lẫn số lượng hệ thống".

Ông cho biết trong hai thập niên qua, Bắc Kinh đã "nâng cấp đáng kể" việc phát triển các công nghệ tên lửa bội siêu thanh thông qua các nỗ lực đầu tư, phát triển, thử nghiệm và triển khai một cách "mạnh mẽ và tập trung".

Ông Freisthler lưu ý rằng Trung Quốc đã tiến hành một số cuộc thử nghiệm vũ khí bội siêu thanh, trong đó có cuộc thử nghiệm quan trọng liên quan đến tên lửa đạn đạo tầm trung DF-17.

Ông nhấn mạnh loại tên lửa này có đầu đạn lướt bội siêu thanh và tầm bắn ước tính ít nhất khoảng 1.600 km, "cho phép nó có thể tiếp cận đến các khu vực đồn trú của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương".

Ông cho rằng DF-17 có thể đã được đưa vào biên chế quân đội Trung Quốc từ năm 2020.

Trong khi đó, đối với quân đội Nga, ông Freisthler cho biết Nga đã triển khai ba hệ thống bội siêu thanh bao gồm tên lửa phóng từ trên không có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Kinzhal,  phương tiện lượn chiến lược Avangard và tên lửa hành trình chống hạm Zircon.

Các loại tên lửa bội siêu thanh là một loại vũ khí nguy hiểm với tốc độ di chuyển cao và có khả năng cơ động giúp chúng "né tránh" được hệ thống phòng thủ.

Trong những năm gần đây, cả Trung Quốc và Nga đều đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc phát triển các công nghệ bội siêu thanh.

Trong khi đó, Mỹ bị cho là đã tụt lại phía sau khi vẫn chưa chế tạo được bất kỳ loại vũ khí bội siêu thanh nào hoạt động hoàn chỉnh.

Hơn nữa, Nga đã thu thập thêm kinh nghiệm thực tế về loại vũ khí này khi sử dụng trong xung đột ở Ukraine.

Hôm 9.3, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng cuộc tập kích tên lửa lớn gần đây vào cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự của Ukraine đã có sự tham gia của tên lửa bội siêu thanh Kinzhal.

Cùng ngày, Đại tá Yury Ignat, phát ngôn viên không quân Ukraine  thừa nhận rằng lực lượng phòng không của nước này không có khả năng để bắn hạ các tên lửa bội siêu thanh của Nga. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.