Tạp chí The Spectator ngày 26.11 dẫn nguồn tin cho biết Trung Quốc đã thúc ép Mỹ từ bỏ kế hoạch cung cấp chiến đấu cơ thời Liên Xô của Ba Lan cho Ukraine hồi tháng 3. Bên cạnh đó, trong suốt thời gian chiến sự xảy ra, Bắc Kinh đã kêu gọi cả hai phía Ukraine và Nga xuống thang.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề hội nghị G20 tại Indonesia ngày 14.11 |
Reuters |
Vào cuối tháng 2, hai tuần sau khi binh sĩ Nga được đưa vào Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công khai tuyên bố Mỹ đã bật đèn xanh cho các đồng minh NATO về việc cung cấp chiến đấu cơ thời Liên Xô cho Ukraine, và Mỹ trong quá trình làm việc với Ba Lan để chuyển giao phi đội MiG-29 của nước này cho Ukraine.
Vài ngày sau, Ba Lan thông báo sẽ chuyển chiến đấu cơ cho lực lượng Mỹ tại căn cứ ở Đức. Vài giờ sau, Lầu Năm Góc dừng việc chuyển giao và mô tả đề xuất của Ba Lan là không phù hợp.
Trung Quốc, Mỹ có thỏa thuận bí mật về xung đột Nga-Ukraine? |
Theo The Spectator, chính Trung Quốc đã vận động Mỹ hủy bỏ kế hoạch này. Cụ thể, đó là một sáng kiến khẩn cấp và bí mật do Viện nghiên cứu chiến lược Đông Tây (trụ sở tại Anh) gồm các cựu lãnh đạo và quan chức cấp cao của châu Âu dẫn dắt, và sau cùng được lãnh đạo Trung Quốc phê chuẩn.
Thông qua những liên lạc không chính thức, Mỹ và Trung Quốc đồng ý rằng nếu Washington chấm dứt thỏa thuận MiG-29, các vị tướng quân đội của Trung Quốc sẽ làm hết sức để thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin xuống thang về việc đe dọa sử dụng hạt nhân.
Từ khi Tổng thống Putin ban bố tình trạng sẵn sàng của lực lượng hạt nhân vào ngày 27.2, quân đội Trung Quốc đã liên lạc với các tướng lĩnh cấp cao của Nga thông qua kênh quân sự nhằm đảm bảo ngay cả khi Nga quyết định sử dụng hạt nhân, hành động đó sẽ bám sát với học thuyết hạt nhân quân sự từ lâu của Nga rằng chỉ sử dụng trong trường hợp lãnh thổ bị tấn công hạt nhân hoặc sự tồn vong của nhà nước bị đe dọa.
Xem nhanh: Ngày 274 chiến dịch Nga, dù tối tăm lạnh lẽo Ukraine quyết thắng trong xung đột |
Mặt khác, từ tháng 9, một loạt cuộc tiếp xúc của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị với các quan chức NATO và Mỹ được cho là đã dẫn đến sự nhất trí chung hiếm hoi của Washington và Bắc Kinh về Nga, khi Chủ tịch Tập Cận Bình nói trong cuộc gặp Tổng thống Joe Biden rằng “thế giới cần ngăn chặn một cuộc khủng hoảng hạt nhân trên lục địa Á-Âu”.
Nguồn tin Trung Quốc của The Spectator nói rằng nhờ nỗ lực ngoại giao của ông Vương mà NATO và Trung Quốc nhất trí không leo thang xung đột Nga-Ukraine. Trong các cuộc gặp với giới lãnh đạo NATO từ đầu tháng 9, ông Vương cam kết Trung Quốc sẽ dùng ảnh hưởng tại Nga để thuyết phục ông Putin không sử dụng vũ khí hạt nhân, đổi lại, NATO cũng khẳng định sẽ không cung cấp vũ khí chiến lược cho Ukraine.
Bình luận (0)