Trung vệ Lê Đình Thăng: “Tôi chưa ngán bất cứ tiền đạo nào“

01/06/2020 07:00 GMT+7

Trung vệ Lê Đình Thăng là người đá cặp nổi tiếng với cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang trong màu áo Cảng Sài Gòn hơn 40 năm trước. Anh cho biết chưa từng ngán bất cứ tiên đạo nào

"Thăng chứ không trầm"

Nhắc đến những trung vệ của bóng đá TP.HCM và miền Nam nổi tiếng sau 1975 không thể không nhắc đến những người sống giữa 2 thời kỳ của ngày 30.4 lịch sử 45 năm trước. Ngoài cố danh thủ Tam Lang lẫy lừng còn có những cái tên như Đổ Cẩu, Dư Tân, Bùi Thái Huệ, Phạm Văn Lắm, Trần Kim Sang (Sang hoàng đế) và dĩ nhiên là cả Lê Đình Thăng

Đúng như cái tên của anh khi chơi bóng, Lê Đình Thăng (sinh năm 1949) chi có “thăng chứ không trầm” bao giờ. Anh ra sân là “máu’ vô cùng. Có một thời nhiều tiền đạo phải “chết khiếp” khi gọi anh là trung vệ “thép”. Vốn nổi tiếng trước 1975 khi tham gia đội tuyển thanh niên và đội tuyển miền Nam cùng với nhiều cái tên như Võ Thành Sơn, Hồ Thanh Cang, Nguyễn Tấn Trung, Lê Văn Tâm, Nguyễn Văn Mười, Đinh Văn Tám.. nhưng Lê Đình Thăng đã có một sự nghiệp hơn 10 năm vô cùng ấn tượng khi luôn chơi nổi bật trong màu áo Cảng Sài Gòn. Do luôn mang áo số 3 nên anh chết tên “ba Thăng” đá bên cạnh Tam Lang thành một bức tường luôn vững vàng trước khuôn thành thủ môn Lưu Kim Hoàng.

Lê Đình Thăng (ngồi, trái) trong đội tuyển miền Nam trước 1975

Tư liệu

Nhờ chơi bóng ổn định và luôn tạo dựng cho mình hình tượng một trung vệ khôn ngoan, sắc sảo nên trong nhiều lần đối đầu với các tiền đạo to khỏe của đối phương, Lê Đình Thăng đều chiến thắng, Hồi tưởng lại giai đoạn chơi bóng anh nói: “Tôi không có thể hình cao lớn của một trung vệ, chiều cao chỉ 1m 71 nhưng bù lại tôi di chuyển nhanh nhẹn, phán đoán điểm rơi hợp lý để cắt bóng. Tôi còn nhớ HLV Cảng Sài Gòn Nguyễn Thành Sự thường giao tôi và anh Tam Lang phải luân phiên hỗ trợ nhau.

Lê Đình Thăng (trái) cùng Tam Lang (giữa) và Nguyễn Tấn Trung trong một pha phòng ngư trước cầu môn Cảng Sài Gòn

tư liệu

Khi anh Tam Lang cắt bóng tôi bọc lót và ngược lại. Hơn nữa anh Tam Lang khi đó có kinh nghiêm nên thường đứng lùi hơn một chút còn tôi thì xông lên đeo bám như đỉa và bật rất cao trong các pha tranh chấp bóng bổng. Tôi và Tam Lang giống nhau ở chỗ cần đá rát, chùi bóng nhanh là chúng tôi có thể chơi và cho đối thủ “nằm sân” hợp lệ chứ chúng tôi không dùng sức quá nhiều như một số trung vệ khác. Thời đó chúng tôi luôn khôn khéo cản phá nhẹ nhàng và bọc lót kín kẽ để lấy bóng. Sau này khi anh Tam Lang nghỉ thi đấu đầu năm 1980 thì đến lượt Nguyễn Phúc, Lạc Phước Hải đá cặp cùng tôi cũng ăn ý như vậy..”

Ông Lê Đình Thăng nhìn nhận giai đoạn hoàng kim của Cảng Sài Gòn chính là khi gần như bá chủ giải A 1 TP.HCM, có nhiều trận để lại ấn tượng rất đẹp cho người hâm mộ. Riêng ông trận nào chơi cũng được HLV và đồng đội khen ngợi là rất đạt yêu cầu và chất lượng, chỉ có “thăng chứ không trầm”. Một dấu ấn lớn mà ông nhớ mãi đó là trận cầu lịch sử tại sân Long An, Cảng Sài Gòn chơi tưng bừng thắng CLB Quân đội 3-0 ở giải A 1 toàn quốc 1981-1982 khi mà hàng tấn công với Phan Hũu Phát- Hồ Thủy- Nguyễn Văn Thòn chơi quá hay còn hàng thủ Cảng đã ngăn thành công những chân sút trứ danh của đội bóng lính.

Tuy nhiên ấn tượng lớn nhất mà ông Thăng dù đã ở tuổi 72 vẫn nhớ như in trận đấu để lại rất nhiều cảm xúc mà ông cho là "Trận đấu để đời nhất" của mình. Đó chính là trận đội Cảng Sài Gòn thắng 2-0 trước đội CLB Quân đội ở giải A1 toàn quốc lần 6 năm 1986. Ông ba Thăng hồi tưởng lại: “ Trong 5 lần tổ chức giải trước đó, đội CLB Quân đội đã từng vô địch hai lần vào mùa 1981-1982 và mùa 1983 trong lúc chúng tôi chưa lần nào được đăng quang. Khi gặp nhau ở vòng đấu chung kết xếp hạng thì so bề dày thành tích thì rõ ràng đội bóng quân đội được giới chuyên môn đánh giá cao hơn.

Ông Thăng (hàng ngồi thú 3 từ trái sang) cùng các đồng đội trong giải lão tướng 3 miền

Châu Huy

Khi đó Cảng Sài Gòn đang chuyển giao thế hệ vì nhiều cầu thủ giỏi đã nghỉ thi đấu nên đội hình có hơi chệch choạc dù vẫn còn Dương Văn Thà, Lê Đình Thăng, Vương Diệu Thành, Nguyễn Văn Thòn, Hồ Thủy, Phan Hữu Phát…số còn lại là trẻ như Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Thanh Tùng hoặc mới từ trường năng khiếu bổ sung về như Đặng Trần Chỉnh, Hà Vương Ngầu Nại, Phạm Văn Tám, Đặng Trần Phúc..  Thế nhưng, chúng tôi lại có niềm tin riêng của mình và ấp ủ mục tiêu lớn.

Có thể nói đây là trận đấu hay nhất trong sự nghiệp thi đấu của tôi. Được ban huấn luyện Cảng Sài Gòn giao nhiệm vụ chỉ huy hàng phòng ngự và nhắc nhở toàn đội thi đấu theo từng diễn biến thực tế trên sân, tôi yêu cầu anh em liên tục hoán đổi vị trí để gây bất ngờ cho đối thủ. Có lúc anh em ào lên rất đông để tranh chấp bóng, chỉ còn mình tôi bọc lót cuối cùng. Rất may, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng đồng đội ngăn chận được các mũi nhọn của đối thủ như Cao Cường, Phan Văn Mỵ, Đại Dương… để giành chiến thắng trận đấu quan trọng này".

Với 5 trận toàn thắng ở giai đoạn 2, đội Cảng Sài Gòn lần đầu đoạt chức vô địch quốc gia, đội CLB Quân đội đoạt huy chương bạc (4 thắng, 1 thua) và đội Hải Quan đoạt huy chương đồng (3 thắng, 2 thua). Sau giải này, trung vệ Lê Đình Thăng và thủ môn Lưu Kim Hoàng cũng chính thức giã từ sân chơi đỉnh cao.

Lê Đình Thăng và danh thủ miền Trung Trần Vũ

Châu Huy

Vì sao không muốn làm HLV?

Chia tay nghiệp quần đùi áo số, ông Thăng cho biết: "Trong quá trình thi đấu, có nhiều lần anh Tam Lang đặt vấn đề mời tôi phụ giúp công tác huấn luyện cho đội bóng. Tôi cũng suy nghĩ nhiều, nhưng sau cùng thì có nêu ra một số lý do để từ chối như không được qua một trường lớp nào về công tác huấn luyện bóng đá và do tôi thích nghề đá bóng, chứ… chưa thích nghề huấn luyện. Hơn thế 30 năm trước đây và có thể đến bây giờ vai trò trợ lý HLV trong đội bóng nhiều lúc không được coi trọng, dễ bị các cấp trên xen vào chuyên môn. Một huấn luyện viên mà không có "vị thế" nhất định trong xã hội cũng khó lòng hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế tôi sẵn sàng làm cầu nối để chỉ huy anh em cầu thủ trên sân, còn "ra ngoài sân" thì tuyệt đối "không xen vào".   

Ông Thăng rành mạch: "Nói thật, thời còn thi đấu tôi chẳng ngán tiền đạo nào cả, tùy trận đấu để chú ý và để tâm đến những mũi nhọn nào nhằm tập trung cùng toàn đội bảo vệ mành lưới của đội mình mà thôi. Chẳng hạn như ở phía Bắc trong thời tôi thi đấu thì có Cao Cường (CLB Quân đội) là mẫu tiền đạo toàn diện, nguy hiểm và khó lường; Từ Như Hiển (Công an Hà Nội) có que trái dẻo, nhiều cú đá không cần lấy trớn dễ gây bất ngờ.

Phía Nam có Võ Thành Sơn  (Sở Công nghiệp) giải quyết rất giỏi các đường bóng chẹt bị 4 – 5 cầu thủ đeo bám và có các ngón độc đáo như ngả bàn đèn cùng hứng ngực để đá vô lê ngược; Thành gù (Hải Quan) thì sút và dùng đầu tốt . Nhìn chung, cầu thủ phía Bắc chơi bài bản theo trường lớp, tính tập thể cao nên cần tính đồng đội nhiều mới dễ thành công hơn. Còn phía Nam có vẻ chú trọng khai thác thêm nhiều tính độc đáo, những "chiêu độc" của từng cá nhân để dễ gây đột biến, tạo nhiều bàn thắng có giá trị bất ngờ. Tôi thích kiểu khai thác này".   

Lê Đình Thăng (phía sau) cùng các đồng đội một thời Tư Lê, Lưu Kim Hoàng, Dương Văn Thà, Trần Văn Xinh tham gia giải festival bóng đá lão tướng

Châu Huy

 

Nghỉ thi đấu, ông Thăng được Ban giám đốc Cảng Sài Gòn bố trí cho làm ở bộ phận lai dắt tàu ở Cảng nhưng do cảm thấy sức khỏe không tốt, không phù hợp với công việc thường xuyên phải thức khuya nên không nhận. Ông gặp lãnh đạo đề đạt nguyện vọng muốn được đi học để tham gia công việc khác trong đơn vị, nhưng không được chấp nhận. Hoàn cảnh gia đình ông lúc đó lại rất khó khăn, ông là lao động chính nghỉ đá bóng xem như “trắng tay”. Ông lại không đủ năm làm việc nên không có lương hưu. Nhưng không còn cách nào khác, ông phải rời Cảng để sau đó làm đủ thứ việc kiếm sống. Có lúc nhiều khán giả hâm mộ Cảng Sài Gòn nhìn thấy ông tất tả chạy giao hàng cho các quán sạp, ngồi ráp xe đạp trong một cửa hàng nhỏ, phụ bán giày dép và các việc lao động thủ công khác.

Công việc linh tinh và lặt vặt này theo ông gần 10 năm cho đến năm 1996 thì ông nhận lời hướng dẫn các đội phong trào và tổ chức thi đấu cho các sân chơi bóng đá đủ mọi lứa tuổi ở quận 8. Ông nói: “Tôi không có bằng cấp nên chưa bao giờ tự xem mình là Huấn luyện viên cả. Tôi chỉ đem kinh nghiệm cùng những câu chuyện trong cuộc đời của mình để trao đổi, động viên chỉ dạy lại cho các bạn trẻ, giúp họ nuôi dưỡng niềm đam mê và thể hiện nhiệt huyết với bóng đá. Khi đó người đến sân Q.8 tập rất đông, biến sân này thành sân chơi phong trào của mọi lứa tuổi, khi nào cũng hừng hực tình yêu và ngọn lửa với bóng đá. Đó cũng là giai đoạn mà tôi rất vui khi sống lại với niềm đam mê của mình. Ngoài tập luyện, tôi cũng xỏ giày ra chơi vài trận để duy trì thể lực”

Cụu trung vệ Lê Đình Thăng và vợ

Châu Huy

Gần 4 năm trở lại đây do cảm thấy tuổi đã cao nên ông Lê Đình Thăng đã quyết định nghỉ hết mọi công việc liên quan đến bóng đá để ở nhà phụ việc gia đình: chăm sóc và chở 3 cháu đi học ở lứa tuổi mầm non và phổ thông. Ông có 3 con: con gái đầu Lê Thị Thanh Trúc sinh 1976 được cựu Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn Trần Văn On cho vào làm việc đã gần 20 năm, hiện công tác ở bộ phận kế toán Xí nghiệp lai dắt tàu biển Cảng Sài Gòn, hai con trai sinh đôi (một làm ngành Công nghệ thông tin, một làm ở Xí nghiệp may của Đức).

Tất cả 3 con đều có nhà riêng ở gần sát nhà của vợ chồng ông Thăng, nhà xa nhất chí cách nhà ông khoảng 20 mét ở đường Đoàn Văn Bơ (Q 4). Cuộc sống của những người thân gần nhau, quây quần bên nhau nên gia đình ông Thăng rất thuận lợi, chăm sóc cho nhau kịp thời và ấm cúng. Ông Thăng nói: "Cuộc sống chúng tôi bây giờ thanh thản, chưa thật dư dã nhưng biết tiết kiệm nên đã bớt khó khăn nhiều rồi".

Ông Lê Đình Thăng cùng PV Thanh Niên

Châu Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.