Trường học ngày càng nhiều nguy cơ mất an toàn

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
19/09/2019 07:08 GMT+7

Các ông bố, bà mẹ khó tưởng tượng rằng đã trao gửi con đến tận tay những người có trách nhiệm ở nhà trường, thậm chí đưa con vào tận lớp học... mà trong ngày lại nhận được tin báo con tai nạn, thậm chí tử vong trong chính ngôi trường đó. An toàn trường học phải chăng đang bị xem nhẹ?

Những tai nạn được báo trước

Chỉ sau một thời gian ngắn xảy ra vụ việc tại Trường Gateway (Hà Nội), dư luận lại bàng hoàng với sự việc cháu bé 3 tuổi ở Bắc Ninh nghi bị bỏ quên trong xe đưa đón từ sáng sớm đến chiều, suýt nguy hiểm đến tính mạng.
Nhưng nỗi lo an toàn trường học không phải chỉ có lo tai nạn trong quá trình đưa đón học sinh (HS), mà còn nguy cơ thương tích ngay trong lớp học.
Năm 2018, đang trong lớp học, 3 HS lớp 12 Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) bất ngờ bị mảng vữa trần lớp học rơi trúng đầu, phải nhập viện cấp cứu. Đây không phải là lần đầu tiên Trường THPT Trần Nhân Tông có sự cố về cơ sở vật chất, ảnh hưởng đến HS, giáo viên trong giờ học. Trước đó, ngày 20.10.2017, đang trong giờ học, HS và thầy cô giáo Trường THPT Trần Nhân Tông cũng chứng kiến nhiều mảng vữa trần tại nhiều lớp học bị vỡ, rơi xuống sàn.
Trường THPT Kim Liên, một trường công lập tiếng tăm bậc nhất của Hà Nội, cũng từng xảy ra tình trạng tương tự, khi cơ sở vật chất xuống cấp quá lâu mà không được khắc phục. Quạt trần, vữa trần lớp học rơi trúng đầu HS đã khiến thầy trò không ít lần hoảng loạn, HS thì phải nhập viện cấp cứu…
Cả hai trường này đều đã được cảnh báo về nguy cơ mất an toàn do cơ sở vật chất xuống cấp trước khi xảy ra những vụ tai nạn đáng tiếc. Thế nhưng lý do chờ “dự án”, chờ phê duyệt, chờ kinh phí… khiến cho tai nạn được báo trước ấy thực sự xảy ra, lúc đó những cơ quan có trách nhiệm mới đến kiểm tra, chỉ đạo, lên phương án di dời HS và cải tạo, xây mới các trường học. Đến năm học này, cả hai trường đã được cải tạo, xây mới khang trang.

Cả nước hiện có gần 75% phòng học kiên cố. Mầm non có tỷ lệ phòng kiên cố thấp nhất, chỉ gần 65%; vùng Tây nguyên chỉ 44%...

Báo cáo của Bộ GD-ĐT năm 2019

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn những trường mà phụ huynh và nhà trường lo lắng bởi “tử thần” luôn rình rập. Trường THPT Trương Định (Q.Hoàng Mai) là một ví dụ. Năm nay, trường này tuyển sinh và đón năm học mới với nơm nớp nỗi lo tai nạn, thương tích có thể xảy đến bất cứ lúc nào, do trường xuống cấp. Một lãnh đạo của trường này cho biết trường được xây dựng từ năm 1973, hệ thống phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng; mái dột, các khối nhà lún, nứt, một khối nhà học đã nghiêng; hành lang bê tông dài khoảng 50 m nối 2 đơn nguyên phòng học bị nứt toác, chưa biết đổ sập lúc nào. Mấy năm gần đây, mặc dù tình trạng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng nhưng trường vẫn phải tuyển sinh, thầy và trò vẫn phải hằng ngày lên lớp. Nhiều khu vực cũng đã được gia cố và gắn các biển cảnh báo nguy hiểm, phong tỏa… để HS không lại gần, và trên thực tế đã xảy ra tình trạng sập trần, đổ lan can ở những khu vực được cảnh báo nguy hiểm này.
Trường học ngày càng nhiều nguy cơ mất an toàn1

Trường THPT Trần Nhân Tông xuống cấp, gây tai nạn cho 3 học sinh thời điểm năm 2018

ẢNH: GIA CHÍNH

Nhiều văn bản chỉ nằm trên... giấy

Báo cáo của Bộ GD-ĐT năm 2019 cho thấy, cả nước hiện có gần 75% phòng học kiên cố. Mầm non có tỷ lệ phòng kiên cố thấp nhất, chỉ gần 65%; vùng Tây nguyên chỉ 44%... Điều này đồng nghĩa, những trường lớp tạm đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho HS.
Rà soát lại các văn bản cho thấy, Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan không thiếu cơ sở pháp lý cho việc đảm bảo an toàn trường học. Hệ thống tiêu chuẩn thiết kế trong các công trình giáo dục của ngành xây dựng, trong đó quy định rất rõ về độ cao phòng học, cầu thang, lan can, số tầng, phải dùng vật liệu gì, khe hở ra sao… để đảm bảo HS không bị tai nạn, thương tích do bị ngã, bị rơi từ trên cao xuống…
Bộ này cũng đã ban hành thông tư quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trong trường phổ thông. Trong đó nêu rõ yêu cầu khắc phục các nguy cơ thương tích trong trường học, thường gặp như tai nạn giao thông, ngã, đuối nước, bỏng, điện giật, cháy nổ, ngộ độc, vật sắc nhọn đâm, cắt, bạo lực… Thậm chí, thông tư này còn đặt ra quy định cấp chứng nhận về trường học được công nhận đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích khi 80% nội dung các tiêu chí trường học an toàn được đánh giá là đạt; không có HS bị tử vong hay thương tích nặng phải nằm viện do tai nạn, thương tích xảy ra trong trường.
Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ mỗi đầu năm học mới của Bộ GD-ĐT về cơ sở vật chất trường học cũng đều nêu rõ: “Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình đã hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp”.
Sau vụ việc xảy ra ở Trường Gateway, bộ này cũng ban hành công văn yêu cầu tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho HS khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng ô tô… Chỉ thị ban hành năm 2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục cũng yêu cầu kiên quyết loại bỏ công trình không đảm bảo chất lượng, không an toàn đối với HS và nhà giáo; bố trí kinh phí để cải tạo, sửa chữa các công trình đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn, xây mới các công trình còn thiếu…
Tuy nhiên, không đâu xa, những trường học tại Hà Nội, đặc biệt là khu vực phố cổ, phố cũ..., không ít trường đã có tuổi đời lên tới 40 - 50 năm chỉ sửa chữa, vá víu tạm bợ, vẫn đang tiếp tục hoạt động. Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện về cơ sở vật chất trường học của Bộ dường như chưa sâu sát đến những chi tiết nhỏ nhưng lại có thể nguy hiểm cho HS, mà chủ yếu chỉ kiểm tra thực trạng đủ hay thiếu trường lớp học, trang thiết bị dạy học cần mua sắm, bổ sung.. ra sao. Bằng chứng là rất hiếm những cảnh báo từ Bộ GD-ĐT về việc có bao nhiêu cơ sở giáo dục vi phạm hoặc chưa đảm bảo quy chuẩn về an toàn qua mỗi đợt thanh, kiểm tra; nguyên nhân là gì… (còn tiếp)
Văn bản hướng dẫn cả việc bảo vệ tâm lý học sinh
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết hằng năm, ngay từ đầu năm học, Sở có những văn bản chỉ đạo về việc thực hiện công tác an toàn trong môi trường học đường.
Trong đó có những nội dung yêu cầu các trường phải thực hiện như: về cơ sở vật chất thì thường xuyên kiểm tra trang thiết bị bên trong lớp học, phòng chức năng, nhà thi đấu, sân tập và khu vực hành lang, cầu thang, khuôn viên nhà trường…, đảm bảo không xảy ra tình trạng trang thiết bị rơi, gãy, gây nguy hiểm. Tiến hành cắt, tỉa cây xanh trong khuôn viên nhà trường để đề phòng cây ngã, đổ; kiểm tra cột thu lôi phòng chống sét.
Ngoài ra, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, toàn bộ hệ thống điện trong nhà trường, tại các phòng học, phòng chức năng để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho HS, giáo viên, nhân viên khi sử dụng.
Bên cạnh đó, theo bà Thu, an toàn với HS còn là đảm bảo vệ sinh thực phẩm, chẳng hạn đảm bảo về nguồn nguyên vật liệu, quy trình chế biến theo những quy định của ngành y tế, ban an toàn vệ sinh thực phẩm… Đặc biệt, tinh thần, tâm lý của HS cũng phải được bảo vệ thông qua việc nhà trường xây dựng các biện pháp nhằm thực hiện công tác phòng, chống bạo lực học đường...
Bích Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.