Tiêm đủ 2 mũi vắc xin, tài xế vẫn phải test 3 ngày/lần
Trong 2 ngày 27 và 28.9, ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An, đối thoại với gần 1.000 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc hiện nay và tìm cách tháo gỡ.
Đại diện Công ty TNHH MTV công nghiệp HuaFu (Công ty HuaFu - 100% vốn đầu tư Trung Quốc, tọa lạc KCN Thuận Đạo, H.Bến Lức), cho biết từ ngày 12.7 đến nay, công ty thực hiện 3 tại chỗ nên phải cắt giảm từ 2.700 lao động xuống còn 580 người ở lại nhà máy.
|
“Để không bị gián đoạn trong việc thực hiện hợp đồng với đối tác, chúng tôi đã tổ chức 3 tại chỗ trong hơn 3 tháng qua. Lượng công nhân chỉ còn chưa được 1/3 so với bình thường nhưng chi phí sản xuất tăng lên trong tháng 7 là 119.000 USD, tháng 8 lên 127.000 USD, tháng 9 là 159.000 USD. Trong khi đó, doanh thu giảm trong tháng 7 là 1.527.000 USD, tháng 8 và 9 giảm hơn 3 triệu USD. Điều này gây bất lợi rất lớn cho sức khỏe về tài chính lâu dài doanh”, đại diện Công ty HuaFu chia sẻ đồng thời cho biết khó khăn nữa hiện nay là chi phí test nhanh định kỳ cho công nhân và xét nghiệm PCR cho từng người khi quay trở lại làm việc là rất lớn.
“Trong kế hoạch phục hồi sản xuất, chúng tôi thưởng cho chuyền, tổ nào trong tháng không dính Covid-19 nhưng vẫn khó thu hút đủ lượng người lao động trở lại nhà máy vì rất nhiều lý do”, đại diện HuaFu băn khoăn. Và đó cũng là tình trạng chung của các DN thực hiện 3 tại chỗ và đang phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện hiện nay trên bàn tỉnh Long An.
Theo đại diện chủ đầu tư hạ tầng KCN Phú An Thạnh, trong 29 DN tại KCN Phú An Thạnh, chỉ có một vài doanh nghiệp áp dụng 3 tại chỗ với tổng cộng 1.300 công nhân. Hiện, một số DN đã vận hành lại được 50% lượng công nhân, nhưng sản phẩm vẫn chỉ đạt khoảng 30% so với bình thường. Lỗ lã của các DN 3 tại chỗ cũng không so sách được với các DN nghỉ trong thời gian diễn ra dịch vì họ gần như phải làm lại từ đầu.
|
Khó khăn nhất mà các DN gặp phải hiện nay việc thu hút lại người lao động. Bởi, một phần họ đã về quê không trở lại được Long An, một phần chỉ mới tiêm 1 mũi vắc xin Covid-19 không đi sang huyện khác được. Đáng nói, điều khiến các DN bức xúc nhất chính là tài xế đã được tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19 vẫn phải test nhanh định kỳ 3 ngày/lần, vừa tốn chi phí, vừa ảnh hưởng sức khỏe… Quy định về điều kiện đi lại giữa các tỉnh không giống nhau nên hàng hóa vẫn rất khó lưu thông.
“Từ đầu dịch tới nay, các tài xế đã phải test ít nhất 20 lần rồi. Nay Long An công nhận thẻ xanh Covid mà họ vẫn phải bị ngoái mũi với tần số như cũ là phi lý. Tôi kiến nghị tỉnh Long An nên nới ra 7 hay đẹp hơn 10 ngày mới test lại thì còn tạm chấp nhận được”, ông Võ Thanh Tú, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Long An, kiến nghị.
Doanh nghiệp hoạt động trước, hậu kiểm sau
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, thừa nhận rằng trong hơn 3 tháng qua, chính quyền tỉnh Long An đã ra nhiều văn bản với tần số “chóng mặt” khiến cho DN và người lao động không có thời gian xoay sở, chuẩn bị. Ông Út mong nhận được sự chia sẻ của các DN, người dân và người lao động vì tỉnh là một trong các địa phương tâm dịch của cả nước, cao điểm có gần 1.000 ca mắc/ngày đã khiến chính quyền các cấp có lúc lúng túng.
“Hiện nay, tỉnh đã có 1.300 DN đăng ký hoạt động trở lại, trong đó 900 DN đã đi vào hoạt động, còn lại đang chờ tỉnh thẩm định kế hoạch phòng chống dịch Covid-19. Tôi nói luôn là nếu tới ngày 1.10 mà ngành chức năng không kịp thẩm định thì DN chủ động hoạt động, hậu kiểm sau”, ông Nguyễn Văn Út thông tin.
|
Ông Nguyễn Văn Được cũng nhấn mạnh : “Chủ trương của tỉnh là chuyển từ trạng thái Zero Covid-19 sang sống chung với Covid-19. Các DN tự thực hiện kiểm soát Covid-19 bằng kế hoạch của mình và tự chịu trách nhiệm trước Nhà nước. Sắp tới, Nhà nước chỉ tham gia trong hoạt động kiểm soát dịch nếu DN có đề nghị. Nếu có xảy ra ổ dịch, các DN chỉ cần xử lý cách ly, điều trị đối với F0, F1 và khử khuẩn khu vực đó, xong vẫn cứ động sản xuất bình thường. Đương nhiên là DN phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi cố tình giấu dịch, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng”, ông Được nói.
Theo ông Được, chủ trương xuyên suốt của tỉnh Long An là ưu tiên tối đa cho người lao động tại các DN đóng trên địa bàn. “Lô vắc xin Covid-19 đầu tiên mà tỉnh Long An nhận được là 200.000 liều và chúng tôi đã nỗ lực tiêm cho công nhân trước, trong khi chưa tiêm cho người dân địa phương. Đối với người lao động đã về quê, Long An cũng đang chuẩn bị để tiêm khi họ quay lại. Do đó, các DN và người lao động hãy an tâm đồng hành với tỉnh Long An”, ông Được khẳng định.
|
Theo kế hoạch gần nhất của Long An, để từng bước đầu phục hồi sản xuất kinh doanh, tỉnh chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn từ 15.9 đến 15.10, giai đoạn 2 từ 16.10 đến 31.12, giai đoạn cuối sẽ sơ kết 2 giai đoạn đầu và định hướng cho năm sau. Mỗi ngày, tỉnh Long An vẫn còn khoảng 200 ca nhiễm mới trong các khu cách ly tập trung và đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
|
Ông Được cũng thông tin, hiện UBND TP.HCM đang phối hợp với đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh lân cận trong khu vực để thống nhất phương án cho người lao động, chuyên gia, chủ DN trở lại địa bàn Long An. Các đối tượng này đang kẹt lại tại TP.HCM…thì DN cứ trao đổi với Sở GTVT, đơn vị này sẽ hỗ trợ tối đa chứ không phải chờ.
Về một số bất cập khác còn tồn tại như có thẻ xanh Covid-19 vẫn test định kỳ 3 lần/ngày khi tham gia di chuyển...lãnh đạo tỉnh Long An sẽ tiếp tục kiến nghị với T.Ư để sớm giải quyết. Những công nhân lao động chưa nhận được tiền hỗ trợ cần sớm liên hệ với UBND cấp xã hoặc chủ DN tập hợp gửi danh sách đến Phòng LĐ-TB-XH cấp huyện để tiếp tục giải quyết.
Bình luận (0)