Là học sinh trường làng, chưa bao giờ biết học thêm là gì, nhưng lớn lên với mong muốn được đi du học, nên 27 tuổi, chàng trai ấy mới tập tành rèn luyện tiếng Anh. Chỉ vài năm sau đó, anh đã trở thành tác giả của những nghiên cứu được đăng trên các tạp chí quốc tế hàng đầu trong ngành.
Đó là câu chuyện của tiến sĩ trẻ Phạm Tấn Nhật, giảng viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM.
Hướng đến công trình nghiên cứu chất lượng cao
Kể về quá trình từ cậu bé trường làng (xã Vĩnh Hưng, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) vươn ra thế giới, anh Nhật cho biết từ nhỏ chỉ sống với ông bà, không ở chung với ba mẹ, anh phải hoàn toàn tự học. Năm lớp 1 do học quá yếu không thể lên lớp mà anh phải học lại thêm một năm lớp 1 nữa. Lớn lên, khả năng học của anh dần được cải thiện và anh thi đậu vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Ra trường đi làm, với vốn tiếng Anh ít ỏi, anh không ngại ngần tìm cách cải thiện để xin được học bổng đi du học.
|
“Mình muốn thay đổi môi trường, muốn xem môi trường phương Tây như thế nào. Thế là mình đến Cộng hòa Czech với vốn tiếng Anh ít ỏi. Để cải thiện tiếng Anh, hằng ngày mình đọc các bài báo, các công trình nghiên cứu quốc tế. Ngày nào cũng đọc và đọc rất nhiều, nhờ đó khả năng tiếng Anh của mình cải thiện vượt bậc, đồng thời có thêm lượng kiến thức chuyên ngành. Đó cũng là xuất phát điểm cho những công trình nghiên cứu chất lượng của mình ra đời”, anh Nhật nhớ lại.
Đầu năm thứ 2 trong chương trình học tiến sĩ, anh đã có công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí trong ngành quản trị kinh doanh và du lịch. “Khi bài báo được đăng thì cảm xúc lúc đó hạnh phúc không thể diễn tả được. Với vốn tiếng Anh không đâu vào đâu trước đó, có bao giờ mình dám mơ đến một bài báo đăng trên tạp chí quốc tế số một trong ngành đâu, thật sự chưa bao giờ. Nên sau khi có bài đăng, mình bắt đầu hướng đến những công trình nghiên cứu chất lượng cao”, anh Nhật hạnh phúc chia sẻ.
Mong muốn được chia sẻ tri thức
Anh Nhật cho hay, cũng nhờ giáo sư của anh rất thoải mái, nên anh không bị gò bó với bất cứ điều gì trong quá trình làm nghiên cứu. Vì thế, anh tự do mở rộng kết nối với các nhóm nghiên cứu trên thế giới như ở Anh, Pháp, Pakistan…
Điều mà mình muốn chính là các tạp chí chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học xã hội phải có tên của người Việt Nam trên đóPhạm Tấn Nhật (Giảng viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM) |
“Khi mình làm việc với các nhóm nghiên cứu từ khắp nơi thì mình có thêm nhiều kiến thức mới, ý tưởng mới. Điều đó giúp mình rất nhiều để phát triển những nghiên cứu chất lượng cao. Đây cũng là kinh nghiệm mà mình muốn truyền đạt cho những bạn trẻ để có thể phát triển khả năng nghiên cứu của mình tốt hơn”, anh Nhật nói.
|
Điều đặc biệt, mặc dù mở rộng kết nối với nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới nhưng chàng tiến sĩ trẻ vẫn rất chú trọng để kết nối và thành lập các nhóm nghiên cứu tại Việt Nam. “Điều mà mình muốn chính là các tạp chí chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học xã hội phải có tên của người Việt Nam trên đó”, anh Nhật tâm huyết.
Anh Nhật cho biết lúc đầu mục đích đi du học là để đáp ứng yêu cầu của các trường đại học hiện tại là có bằng tiến sĩ, nhưng sau khi học xong thì anh thấy rằng bằng tiến sĩ không phải là mục đích cuối cùng của làm nghiên cứu.
“Không phải ngẫu nhiên mà mình đi xây dựng các nhóm nghiên cứu tại Việt Nam, vì mình nhận thấy trong nước có nhiều người trẻ rất tiềm năng. Mình muốn khơi dậy điều đó, muốn để các bạn trong nước làm các công trình nghiên cứu có thể đăng được trên các tạp chí chất lượng cao trên thế giới, muốn cho người ta biết rằng ở Việt Nam vẫn làm nghiên cứu được”, anh Nhật chia sẻ.
Là một tiến sĩ trẻ có nhiều thành tích nổi bật trong ngành quản trị kinh doanh, anh Nhật hy vọng sẽ hỗ trợ nhiều hơn dành cho các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội. Vì theo anh, hiện nay những nghiên cứu trong lĩnh vực này ít được quan tâm. Chính vì thế các dự án của lĩnh vực này cũng ít đi.
“Có thể do mức độ tác động xã hội trong lĩnh vực này không rõ ràng bằng khoa học tự nhiên. Về mặt ngắn hạn mình sẽ không thấy rõ, nhưng về vấn đề dài hạn sẽ thấy rõ hơn những tác động. Đó là lý do vì sao các nước phương Tây rất quan trọng các vấn đề khoa học xã hội, các nước càng giàu thì khoa học xã hội lại càng phát triển là bởi vì họ quan tâm vào từng khía cạnh nhỏ, ngay cả hành vi của những em bé, của những người đi ngoài đường… Và chính những điều đó, quyết định rất quan trọng cho sự phát triển của xã hội”, anh Nhật chia sẻ.
Từ năm 2019 - 2020, khi đang hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Cộng hòa Czech, anh đã có 9 bài báo đăng trên những tạp chí uy tín được xếp vào danh mục SSCI/SCIE với tổng IF (2019) > 40. Trong đó có 4 bài xếp hạng A* (tất cả là tác giả chính) và 3 bài xếp hạng A (2/3 bài là tác giả chính) (theo ABDC - là bảng xếp hạng uy tín hàng đầu thế giới trong ngành kinh tế, tài chính và quản trị kinh doanh). Ngoài ra, anh còn có 7 bài báo đăng trên các hội thảo quốc tế tại châu Âu và Việt Nam.
Anh còn có 2 công trình tiêu biểu: Nghiên cứu thứ nhất công bố trên tạp chí Tourism Management (tác giả số 1, IF = 7.431, A* - ABDC, xếp hạng số 1 trong ngành quản trị khách sạn và du lịch - theo WoS và Scopus). Dựa theo số lượng trích dẫn, là bài báo có ảnh hưởng nhất trong năm 2019 và 2020 trên tạp chí Tourism Management; Nghiên cứu thứ hai công bố trên tạp chí International Journal of Hospitality Management (tác giả số 1, IF = 6.701, A* - ABDC, xếp hạng số 3 trong ngành quản trị khách sạn và du lịch - theo WoS). Dựa theo số lượng trích dẫn, là bài báo có ảnh hưởng nhất trong năm 2020 trên tạp chí International Journal of Hospitality Management. Đặc biệt, bài báo này được nhà xuất bản Elsevier ghi nhận là bài báo có sức ảnh hưởng nhất trên mạng xã hội trong số những bài báo trên tạp chí này trong năm 2019 - 2020.
|
Bình luận (0)