Tự chủ tài chính - nhà hát có thành gánh hát?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
16/07/2019 06:15 GMT+7

“Nếu các đơn vị nghệ thuật công lập phải tự chủ tài chính hoàn toàn vào năm 2020 như lộ trình đã đặt ra, các nhà hát sẽ thành gánh hát ngay”, một nhà quản lý nghệ thuật biểu diễn chia sẻ.

Rời bỏ và tinh giản

Những buổi họp báo giới thiệu chương trình của Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) gần đây đã có thông tin của… nhà tài trợ. Họ là những ngân hàng, hãng hàng không và nhiều doanh nghiệp khác bỏ tiền hỗ trợ nhà hát dựng vở. Tên nhà tài trợ trên vải phủ lưng ghế nhà hát hoặc trong những lời giới thiệu chương trình cũng là một cách nhà hát có thể tri ân. “Nhờ đó, chúng tôi có thể có vé tặng khán giả, hoặc giảm giá vé cho chương trình”, NSƯT Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, nói. Năng động là thế, giỏi nghề là vậy, song việc tự chủ với nhà hát này vẫn vô cùng khó khăn. Đã có người xin rời nhà hát để kiếm công việc khác, lo cho kinh tế gia đình.
Việc tự chủ với Nhà hát Tuồng VN còn xa vời hơn. Mỗi buổi diễn hiện tại, tiền thu về thậm chí không đủ chi cho đêm diễn nếu hạch toán lương diễn viên, lương kỹ thuật, tiền điện, tiền phông màn. Chính vì thế, khi lớp diễn viên đàn anh cứ thêm tuổi dần lên thì đàn em lại không muốn về nhà hát. Mới đây, nhà hát “ngắm nghía” được hơn ba chục người từ đề án đào tạo đội ngũ diễn viên nhạc công cho nghệ thuật truyền thống của Bộ VH-TT-DL giai đoạn 2014 - 2018, thì sau đó 9 người đã bỏ đi. “Thu nhập quá thấp so với mặt bằng. Tôi nghĩ số không ở lại có thể còn tăng”, NSND Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng VN, chia sẻ.
Trước đó, Liên đoàn Xiếc VN cũng “chảy máu” nghệ sĩ khi đồng loạt 12 nghệ sĩ tham gia vở diễn Làng tôi làm đơn xin nghỉ. Những nghệ sĩ này khi lưu diễn ở nước ngoài cùng Làng tôi - tác phẩm hợp tác giữa liên đoàn và Lune Production - được hưởng 80 euro/suất diễn. Với 400 suất diễn vào thời điểm đó, mỗi người có trong tay gần 1 tỉ đồng - điều mà nếu chỉ diễn ở liên đoàn, họ không bao giờ có được. “Một tháng làm việc cho đối tác nước ngoài bằng cả năm làm việc ở VN. Thế nên, những lý do xin nghỉ chỉ là có để đưa ra, còn thực chất là các nghệ sĩ muốn đầu quân về chỗ khác”, ông Phạm Xuân Quang, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc VN, khi đó chia sẻ với báo chí.
“Không tự chủ được. Nếu 2020 mà nhà nước cắt hoàn toàn chi phí để các đoàn công lập phải tự chủ thì các nhà hát sẽ thành gánh hát. Nhà hát không còn là nhà hát quốc gia với chương trình nghệ thuật ở đẳng cấp cao hoặc có bản sắc và khuynh hướng nghệ thuật tầm vóc như đã từng có”, một nhà quản lý nghệ thuật biểu diễn nói. Theo ông, các đơn vị nghệ thuật công lập vẫn cần có hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, họ sẽ phải cơ cấu lại về chức năng, đội ngũ nghệ sĩ theo hướng tinh giản bớt đi.
Phải có một cuộc cải cách sân khấu thực sự. Từ những năm 1990, tôi đã nói ngay cả các đoàn ca múa cũng giải tán chứ mỗi tỉnh một đoàn thì làm sao nuôi được
Đặng Hoành Loan, nhà nghiên cứu nghệ thuật
Về việc tự chủ và tinh giản này, nhà nghiên cứu nghệ thuật Đặng Hoành Loan cho rằng, nó đã quá cần kíp với sân khấu, đặc biệt là sân khấu nghệ thuật truyền thống. “Phải giảm các nhà hát, thành lập các nhà hát trung tâm và đó là nhà hát cổ truyền. Xem cái nào tinh nhất để có một nhà hát khu vực. Ví dụ, xác định Thái Bình là vùng chèo trung tâm thì sẽ có nhà hát chèo ở đó. Nhà nước hỗ trợ để đó thực sự là chèo cổ thì mới hút được quan tâm. Có nghĩa là phải có một cuộc cải cách sân khấu thực sự. Từ những năm 1990, tôi đã nói ngay cả các đoàn ca múa cũng giải tán chứ mỗi tỉnh một đoàn thì làm sao nuôi được”, ông Loan nói.

Đặt hàng và kết hợp với du lịch

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cũng nhắc đến việc cần đầu tư và kết hợp với du lịch. “Ngành du lịch phải có trách nhiệm tuyên truyền văn hóa đấy. Nhưng hiện nay du lịch chưa có trách nhiệm tuyên truyền. Họ chỉ khai thác văn hóa kiểu “xẻ thịt” tự nhiên. Chúng ta nếu muốn hỗ trợ văn hóa truyền thống thì phải giữ màu sắc của nó. Người xem sẽ xem cái chất đó. Khách nước ngoài đi du lịch cũng xem thế. Và cái này nhà nước có thể đầu tư, đặt hàng”, ông Loan nói.
Một quản lý ngành nghệ thuật biểu diễn cho rằng: “Đặt hàng tác phẩm là một trong những lối thoát. Ít nhất nó sẽ có tác phẩm có quy mô, tiêu chí nghệ thuật, định hướng tốt. Nhưng tư duy đặt hàng vở diễn sẽ phải khác đi. Nó phải bám vào đời sống chứ không chỉ thuần túy là cách mạng, lịch sử, quá níu vào một khung cảnh nào đó. Chúng ta thấy thiếu đời sống của người Việt bây giờ, gia đình người Việt bây giờ trong tác phẩm - thì phải làm những đề tài gắn bó đời sống. Và cũng không loại trừ việc xã hội hóa chất xám để dựng tác phẩm”.
Còn nhớ, những tác phẩm thành công của Liên đoàn Xiếc VN trong chục năm gần đây đều có dấu ấn của hợp tác, đặt hàng. Mới nhất, Sông trăng đã diễn nửa năm nay tại Đức. Quan trọng nhất, Sông trăng chính là một tác phẩm nhà nước đặt hàng. “Không có nhà nước đặt hàng thì Liên đoàn Xiếc VN khó có được vở diễn lớn như Sông trăng… Nếu không được nhà nước đặt hàng thì nghệ sĩ sẽ chỉ đầu tư vào các tiết mục xiếc mang tính cá nhân nhỏ lẻ để dễ đi kiếm tiền, chạy show bên ngoài”, ông Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN, chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.