Thu trên 1.200 chiếc túi “mượn” thương hiệu Gucci, Chanel, LV...
Nhận được nguồn tin báo từ đường dây nóng 0945.131.911 về việc làm giả các thương hiệu túi xách nổi tiếng thế giới, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra. Cụ thể, đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) thực hiện kiểm tra cơ sở kinh doanh Điểm Hương tại địa chỉ Thôn Thao Chính, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên, Hà Nội vào ngày 22.10. Tại đây, đoàn kiểm tra đã thu giữ 195 sản phẩm (trong đó có 165 chiếc túi và 30 chiếc ví) có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu Gucci, Louis Vuiton, Moschino, Dior, Charles & Keith, YSL, Chanel.
Tại cửa hàng này, mỗi chiếc túi được đổ buôn với giá từ 30.000-40.000 đồng/chiếc. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là chợ, cửa hàng ở các tỉnh lẻ. Đối tượng mặt hàng hướng đến là sinh viên và những người có thu nhập thấp.
Theo chủ cơ sở này, các sản phẩm được bày bán ở cửa hàng khá phù hợp với giá tiền và nhu cầu của tiểu thương đổ buôn. “Mỗi ngày tôi xuất đi hàng trăm sản phẩm cho các tiểu thương ở khắp mọi nơi”, chủ cơ sở thừa nhận.
|
Tiếp theo, đoàn kiểm tra tại cơ sở kinh doanh túi ví Long Hương cũng tạm giữ 1.008 chiếc túi xách giả mạo nhãn hiệu LV, Chanel, Gucci, Charles& Keith, Dior. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến số lượng hàng hóa trên. Cửa hàng cũng không niêm yết giá trên sản phẩm dù cửa hàng có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Không chỉ đổ hàng trực tiếp, cửa hàng bán hàng online dưới hình thức truyền hình, quảng bá trực tiếp sản phẩm (livetream). Những đơn hàng khách đặt thông qua buổi livetream được cửa hàng đóng gói và gửi qua đường bưu điện...
Việc các sản phẩm nhái, giả hàng hiệu nổi tiếng được sản xuất từ Trung Quốc hay tại Việt Nam đưa ra thị trường được phát hiện thời gian qua khá nhiều. Mới đây, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn cũng phát hiện xe ô tô vận chuyển nhiều hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam từ khu vực biên giới cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn chạy qua địa bàn huyện Hữu Lũng. Sau khi kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường thu giữ hơn 450 túi xách nhái các nhãn hiệu Louis Vuitton, Chanel, Gucci và Hermes. Toàn bộ hơn 450 sản phẩm trên do Trung Quốc sản xuất và không có hóa đơn chứng từ...
Thay tên, lách luật
Tại các cửa hàng được kiểm tra nói trên, một lượng lớn túi xách mang tên “Charles & Kelth” không nằm trong diện tịch thu do người sản xuất đã cố tình lái chữ “i” thành chữ “l” trong từ “Keith” để không vi phạm bản quyền thương hiệu túi xách Charles & Keith của nhà sáng lập người Singapore.
|
Chính vì vậy, lực lượng quản lý thị trường còn nhiều lúng túng trong việc có hay không sẽ tịch thu sản phẩm trên. Theo ông Dương Ngọc Viện, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong quá trình tác nghiệp tại các tụ điểm nóng như “tiểu khu Thao Chính”, đội gặp nhiều khó khăn bởi chỉ riêng lực lượng quản lý thị trường không thể kết luận các mặt hàng được bày bán tại cửa hàng là “hàng giả”, “hàng nhái” hay “hàng vi phạm sở hữu trí tuệ”.
Ngoài ra, tại các cửa hàng, một lượng lớn túi xách chưa gắn nhãn được chất thành đống lớn. Đại diện Đội Quản lý thị trường số 14 cho biết, hiện chủ cửa hàng rất tinh, họ không gắn tem, mác ngay vào sản phẩm mà chờ khi có đơn hàng, theo yêu cầu của khách các chủ cửa hàng mới gắn mác các thương hiệu. Sản phẩm sau khi gắn mác sẽ được xuất đi ngay để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Bên cạnh việc bán hàng nhái, hàng giả công khai, những người sản xuất, buôn bán hàng nhái hàng dỏm cũng thường xuyên sử dụng chiêu trò thay tên như trên. Chẳng hạn thay 1-2 chữ cái trong tên sản phẩm để thành tên na ná các thương hiệu nổi tiếng. Dễ thấy nhất là các sản phẩm được bán qua mạng, trên các chợ điện tử. Chẳng hạn ngày 26.10 khi vào trang Shopee, người viết ngay lập tức thấy quảng cáo túi đeo hông Gucci với hình ảnh thật giá bán chỉ 299.000 đồng nhưng được người bán giới thiệu là “Túi GGI đeo hông”. Hay đôi giày LV được thêm chữ BB phía trước và được rao bán giá 300.000 đồng...
|
Theo chiến dịch thanh, kiểm tra nhiều mặt hàng kinh doanh trên thương mại điện tử từ tháng 10.2019 và kéo dài đến hết năm 2020 của Bộ Công thương, các sản phẩm cần kiểm tra gồm trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, rượu, quần áo, giày dép...
Đối tượng kiểm tra là các doanh nghiệp, cá nhân là chủ sở hữu website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng hoặc kinh doanh trên website, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có dấu hiệu lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Mục đích chính của đợt kiểm tra này nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý triệt để tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử đến hết năm 2020.
Đồng thời cơ quan quản lý thị trường sẽ xem xét, xử lý chuyển giao hồ sơ vụ việc cho cơ quan chức năng tiến hành tố tụng hình sự theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, có tính chất, quy mô, số lượng lớn, mang tính đường dây, ổ nhóm, tái phạm nhiều lần.
Bình luận (0)