Sáng 21.10, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019… tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV.
Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với kết quả đạt được, trong đó nhấn mạnh, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, nhất là tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi, năm 2019 nước ta vẫn đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (7 chỉ tiêu ước đạt và 5 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch). Kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát dưới 3%, bội chi ngân sách 3,4% GDP. Chính sách tiền tệ được điều hành hiệu quả, giữ ổn định thị trường ngoại tệ; dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng mạnh.
Công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, năng động, quyết liệt, hiệu quả, chú trọng vào xử lý những vấn đề lớn, dài hạn; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ những rào cản cho phát triển, khích lệ đổi mới sáng tạo trong xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
|
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn về tăng trưởng kinh tế. Trong đó, phân tích rõ động lực, chất lượng của tăng trưởng để phát huy cho các năm sau; đánh giá thực trạng và tác động của khoa học, công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế. Có ý kiến đề nghị phân tích về tổng thu nhập quốc gia (GNI) để đánh giá đầy đủ về tính tự chủ của nền kinh tế.
Về hoạt động doanh nghiệp, đề nghị phân tích rõ việc tăng lên của số lượng doanh nghiệp chờ giải thể và doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký; việc thực hiện cơ cấu lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm; công tác quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, cơ chế quản lý, giám sát và thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước còn bất cập; công tác phối hợp và phân công trách nhiệm quản lý nhà nước giữa Ủy ban Quản lý vốn với các bộ, ngành còn chưa rõ ràng, nhất là trong quản lý nguồn vốn đầu tư.
Đối với môi trường kinh doanh, mặc dù điều kiện kinh doanh đã cắt giảm, vượt mục tiêu đề ra, tuy nhiên vẫn còn những quan ngại cho rằng điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp. Một số chính sách trong luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn cần chờ nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể.
Về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Uỷ ban Kinh tế đánh giá, nhiều giải pháp bảo vệ môi trường được triển khai, nhất là việc không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa. Tuy vậy, còn tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan sự cố cháy nổ, nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt, sự chậm trễ trong công bố thông tin, chưa chủ động đánh giá và có biện pháp kịp thời khắc phục. Còn hiện tượng xả thải vào nguồn nước; ô nhiễm không khí, bụi mịn tại một số thành phố lớn. Đề nghị làm rõ về mức độ hoàn thành và hiệu quả thực tiễn của các nhóm giải pháp, việc huy động nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hàng triệu người dân bị ảnh hưởng vụ ô nhiễm nước Sông ĐàTrước đó, vụ đổ chất thải là dầu bẩn làm ô nhiễm nguồn nước Sông Đà khiến dư luận vô cùng bức xúc. Vụ việc bắt đầu từ ngày 10.10, khi người dân ở các khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai… của TP.Hà Nội phản ánh nước sinh hoạt có mùi hóa chất nồng nặc, khó chịu. Đây là những địa bàn người dân sử dụng nước sinh hoạt do Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà sản xuất.
Ngày 16.10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường để điều tra hành vi đổ trộm dầu nhớt thải tại khu vực đầu nguồn nước. Vị trí bị đổ dầu thải là ở xóm Mon (xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình), cách Nhà máy nước mặt sông Đà khoảng 5 km. Cơ quan công an đã bắt 3 đối tượng đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà để phục vụ công tác điều tra. Vụ việc làm hàng triệu người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
|
Bình luận (0)