Vắc xin ngừa Covid-19 vừa về Việt Nam công hiệu ra sao?
24/02/2021 23:39 GMT+7
Ngày 24.2, máy bay chở theo 117.600 liều vắc xin Covid-19 của công ty AstraZeneca (Anh) đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM, sẵn sàng được tiêm cho nhân viên y tế , cán bộ tham gia phòng chống dịch trong thời gian tới. Vậy vắc xin này có hiệu quả ra sao?
Tự động phát
Vắc xin của hãng AstraZeneca đã được Bộ Y tế chính thức phê duyệt có điều kiện hôm 1.2 và đến hôm 15.2 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp, tức là có thể được phân phối để hỗ trợ các nước đang phát triển trên toàn cầu.
Vắc xin do công ty AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford nghiên cứu, được tạo ra từ một phiên bản suy yếu của virus cảm lạnh thông thường (được gọi là adenovirus) từ tinh tinh. Nó đã được sửa đổi để trông giống virus SARS-CoV-2 hơn - dù không thể gây bệnh.
|
Sau khi được tiêm, vắc xin sẽ dạy cho hệ thống miễn dịch của cơ thể cách chống lại virus thực sự. Các đợt thử nghiệm cho thấy sau khi tiêm vắc xin này chưa có người bị phát bệnh Covid-19 nặng, cần nhập viện điều trị.
Không như vắc xin của hãng Pfizer, phải được giữ ở nhiệt độ cực lạnh (-70 độ C), vắc xin do hãng AstraZeneca sản xuất có thể được bảo quản trong tủ lạnh bình thường.
|
Nhiều thử nghiệm cho thấy vắc xin Pfizer có hiệu quả 95%, trong khi vắc xin AstraZeneca đạt hiệu quả 62% sau khi tiêm hai liều tiêu chuẩn. Nhưng việc so sánh trực tiếp các kết quả là rất khó vì có sự khác biệt trong cách thực hiện các thử nghiệm.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy một liều vắc xin AstraZeneca mang lại khả năng bảo vệ 76% trong ba tháng và con số này tăng lên 82% sau liều thứ hai. Hiện vẫn chưa thể biết chính xác khả năng bảo vệ kéo dài của bất kỳ loại vắc xin ngừa Covid-19 nào. Và có thể người dân sẽ cần tiêm phòng vắc xin Covid-19 hàng năm như nhiều bệnh khác.
Bình luận (0)