Vẫn chưa cưỡng chế được trạm dừng chân trái phép ở 'Mã Pí Lèng Bình Thuận'

Quế Hà
Quế Hà
29/10/2019 17:26 GMT+7

Sáng 29.10, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức giao ban báo chí tháng 10. Đại diện UBND H.Bắc Bình cho biết việc cưỡng chế các trạm dừng chân trái phép trên QL28B chậm, là do làm sai thủ tục .

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND H.Bắc Bình, thực hiện chỉ đạo tại công văn hỏa tốc của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về việc cưỡng chế, tháo dỡ các điểm dừng chân xây dựng trái phép trên đất rừng, lấn chiếm hành lang ở QL28B (thuộc hai xã Phan Lâm và Phan Sơn, H.Bắc Bình), việc cưỡng chế này phải tổ chức xong trong tháng 9. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa làm xong là vì các thủ tục xử lý như biên bản, vị trí vi phạm, quyết định xử phạt được thực hiện không đúng theo trình tự quy định của pháp luật.
“Các hồ sơ này đã xin ý kiến Sở Tư pháp, thậm chí cả Viện KSND và TAND tỉnh, họ đều nói làm không đúng trình tự nên huyện không thể ra quyết định cưỡng chế được", ông Tâm báo cáo tại hội nghị.
Theo ông Tâm, toàn bộ hồ sơ phải xử lý, đo đạc, làm lại từng trường hợp theo đúng quy định của pháp luật, trước khi ban hành quyết định cưỡng chế.

Xử phạt sai, phải làm lại thủ tục xử phạt

Theo rà soát của UBND H.Bắc Bình, có tất cả 6 trường hợp đều là người dân từ Lâm Đồng sang khu vực đèo Đại Ninh (thuộc hai xã Phan Sơn và Phan Lâm) lấn chiếm đất rừng, đất hành lang QL28B để xây dựng trạm dừng chân, quán xá trái phép.
Thứ nhất là trường hợp ông Trần Văn Lệ (37 tuổi, xã Đà Loan, H.Đức Trọng, Lâm Đồng) chiếm đất trong khuôn viên nhà máy thủy điện Đại Ninh (Km 38+600, thuộc xã Phan Lâm) với diện tích 635 m2. Chủ tịch UBND H.Bắc Bình đã xử phạt ông này 17,5 triệu đồng, buộc tháo dỡ. Trong khi chuẩn bị thủ tục cưỡng chế, thì Sở Tư pháp phát hiện việc ban hành quyết định xử phạt sai thủ tục nên phải làm lại.
Trường hợp thứ hai là ông Phạm Văn Tiên (42 tuổi, xã Ninh Loan, H.Đức Trọng) chiếm đất rừng ở Tiểu khu 73B thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy (do Sở NN-PTNT Bình Thuận quản lý) với diện tích tới 2.200 m2, tại km 47+300, thuộc xã Phan Lâm. Tháng 4.2019, UBND H.Bắc Bình đã xử phạt 4.000.000 đồng, buộc tháo dỡ công trình vi phạm, dù đã nộp phạt nhưng ông này không tháo dỡ công trình vi phạm.

Phó chủ tịch UBND H.Bắc Bình Nguyễn Văn Tâm báo cáo tại cuộc giao ban báo chí do ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức

Ảnh: Tiến Thắng

Trường hợp thứ ba là ông Bùi Văn Hậu (48 tuổi, trú xã Ninh Loan, H.Đức Trọng), chủ trạm dừng chân Hoàng Yến. Trạm dừng chân Hoàng Yến xây trên hành lang an toàn QL28B, vị trí tại Km 47+300, thuộc xã Phan Lâm, H.Bắc Bình. UBND H.Bắc Bình đã ra quyết định xử phạt 17.500.000 đồng và buộc tháo dỡ trạm dừng chân này. Tuy nhiên, người vi phạm chỉ nộp tiền phạt mà không tháo dỡ. Hiện nay công trình này đang xây dựng thêm kiên cố bằng bê tông cốt thép, tổng cộng diện tích tới 685 m2/6 hạng mục công trình xây dựng trái phép, nên UBND huyện đang chỉ đạo phải đo đạc thống kê lại.
Trường hợp ông Trần Thành Công (44 tuổi, trú xã Đà Loan, H.Đức Trọng), lấn chiếm 1.700 m2 đất rừng tại tiểu khu 58 của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, tại vị trí km 49+800, thuộc đại phận xã Phan Sơn. UBND xã Phan Sơn đã tiến hành xử phạt 4.000.000 đồng, nhưng hiện nay phát hiện việc xử phạt vượt thẩm quyền, phải hủy bỏ quyết định vượt thẩm quyền, sau đó làm lại thủ tục xử phạt.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Huệ (42 tuổi, trú xã Đà Loan, H.Đức Trọng) lấn chiếm đất nông nghiệp của xã Phan Sơn quản lý là 1.247 m2 và 323 m2 đất rừng phòng hộ Sông Lũy để xây dựng công trình kiên cố tại Km 49+800. Hiện đã ra quyết định xử phạt và buộc tháo dỡ công trình nhưng người vi phạm chưa thực hiện.

"Mã Pí Lèng Bình Thuận" khó cưỡng chế 

Đặc biệt là trường hợp ông Trần Văn Chiến (69 tuổi, trú xã Đà Loan, H.Đức Trọng), chủ trạm dừng chân Như Anh, đây là trạm dừng chân được ví như Mã Pì Lèng ở Hà Giang vì được xây dựng tại vị trí cực kì hiểm trở trên đỉnh đèo Đại Ninh (Km 48+650, QL28B).
Trạm dừng chân này lấn chiếm hàng trăm mét hành lang QL28B và đất rừng thuộc xã Phan Lâm. Tuy nhiên, khi kiểm tra xử phạt thì lại do UBND xã Phan Sơn ra quyết định (do địa bàn quá rộng lớn, hai xã Phan Lâm và Phan Sơn không phân biệt được ranh giới do mình quản lý).

Công trình của ông Chiến nằm ở đỉnh đèo Đại Ninh cực kì hiểm trở, được khách du lịch ví như Mã Pí Lèng ở Bình Thuận vẫn chưa bị cưỡng chế

Ảnh: Q.H

Do vậy quyết định xử phạt là không đúng địa chỉ. Hiện nay UBND H.Bắc Bình phải trả lại tiền phạt cho ông Chiến, sau đó để xã Phan Lâm lập thủ tục lại xử phạt từ đầu.
Đáng chú ý, theo UBND H.Bắc Bình, ông Chiến cung cấp giấy chứng nhận thương binh, do Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lâm Đồng cấp năm 2016, là thương binh loại A, thương tật hạng 1/4 tới 89%, hỏng một mắt và ảnh hưởng thần kinh, do vậy không thể cưỡng chế được.
Phó chủ tịch UBND H.Bắc Bình Nguyễn Văn Tâm cho biết huyện đã báo cáo tỉnh Bình Thuận, và xin kéo dài thời hạn cưỡng chế các công trình này sang đến hết tháng 12.2019.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.