Vận dụng kinh tế biển để phát triển miền Trung

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
21/08/2019 06:37 GMT+7

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, không nên xem nhiệm vụ phát triển kinh tế miền Trung là “việc riêng” hay “việc nhà” của 14 tỉnh, thành miền Trung.

Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung tổ chức ngày 20.8, tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì có sự tham gia của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng hơn 700 đại biểu, lãnh đạo 14 tỉnh, thành miền Trung.
Cho rằng miền Trung có thể ví như vai trò của cột sống đối với cơ thể người, như chiếc đòn gánh nên hai đầu quá nặng mà đòn gánh yếu thì sẽ gãy, vì thế theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, không nên xem nhiệm vụ phát triển kinh tế miền Trung là “việc riêng” hay “việc nhà” của 14 tỉnh, thành miền Trung. Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, địa phương thẳng thắn chỉ ra các nút thắt, để tìm ra giải pháp sát thực, hiệu quả hơn để tháo gỡ ách tắc, giải phóng sức phát triển cho miền Trung trong giai đoạn mới, gắn kết và cùng chia sẻ thịnh vượng giữa các địa phương và người dân trong vùng cũng như cả nước…

Nhiều “nút thắt” cản trở phát triển

Miền Trung thì phải bàn tiến chứ không bàn lui, kể cả việc liên kết lẫn nhau và liên kết với các tỉnh Tây nguyên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Theo Bộ KH-ĐT, miền Trung có 14 tỉnh, thành (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) với quy mô dân số khoảng 20,2 triệu người (chiếm 21% tổng dân số cả nước), diện tích tự nhiên chiếm 28,9% cả nước. Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đóng vai trò chiến lược trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển VN. Tuy có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng hiện các tỉnh miền Trung phát triển chưa tương xứng do có nhiều khó khăn, tồn tại.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng có 8 điểm thắt nút khiến miền Trung chậm phát triển, gồm: Xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương ở miền Trung thấp; động lực tăng trưởng của vùng còn yếu; xuất khẩu tăng cao nhưng tỷ trọng còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (chỉ chiếm khoảng 4,76% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước); vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng; thu ngân sách chưa bền vững; hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu; nguy cơ thiếu nước ngọt, nhiễm mặn, hạn hán và tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn cao; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu của các tỉnh miền Trung

Ảnh: Hoàng Trọng

Trong khi đó, tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng, Trưởng nhóm Tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung, cho rằng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trải rộng và địa hình phức tạp đã cản trở tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đặc biệt là kết nối giao thông đường bộ. Các tỉnh, thành trong vùng vẫn phát triển theo tư duy kinh tế địa phương và đã xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng vì sự thiếu liên kết trong phát triển, mà nguyên nhân chủ yếu là do tiềm năng, thế mạnh của các địa phương khá tương đồng. Trong khi vùng kinh tế trọng điểm phía bắc có Hà Nội hay vùng kinh tế trọng điểm phía nam có TP.HCM đóng vai trò hạt nhân phát triển vùng, thì vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa có địa bàn nào phát triển thật sự mạnh nhằm tạo được sức lan tỏa chung.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường thừa nhận, nhiều hoạt động liên kết kinh tế tại các tỉnh miền Trung mang tính lâu dài vẫn chủ yếu nằm dưới dạng văn bản hợp tác (biên bản hay thỏa thuận hợp tác) mà ít được triển khai trên thực tế. Việc phối hợp về phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành phố chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, hay phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng và quy hoạch ngành theo vùng hiện chưa thực sự là công cụ hữu hiệu trong định hướng, điều phối, phân bổ ngân sách, thu hút đầu tư, cấp tín dụng, quản trị không gian kinh tế, cấp giấy phép đầu tư trong phát triển kinh tế - xã hội vùng, đặc biệt là thực hiện vai trò ràng buộc liên kết nội vùng”, ông Cường nhấn mạnh.
Ngoài những “nút thắt” nói trên, Thủ tướng còn chỉ ra một số khó khăn, tồn tại khiến miền Trung phát triển chậm như: Động lực tăng trưởng nói chung của miền Trung, trong đó vai trò của công nghiệp còn yếu và thiếu bền vững, nhiều địa phương vẫn chưa rõ đường hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển ngành… Các thể chế cho phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung nói riêng cũng như cho sự phát triển toàn vùng nói chung đang dần được hình thành nhưng còn nhiều thiếu vắng và chưa đồng bộ, đặc biệt là thể chế phân cấp quản lý kinh tế, thể chế liên kết vùng.

Cấp bách xây dựng hạ tầng giao thông

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương miền Trung cần thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm để sớm trở thành địa bàn có trình độ kinh tế - xã hội phát triển cao, bền vững của đất nước.
Thủ tướng cho rằng cần phải vận dụng kinh tế biển vào miền Trung, trong đó phải tập trung vào 5 trụ cột. Cụ thể, ngư nghiệp phải tập trung nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản, đây là một thế mạnh không phải vùng nào cũng có. Du lịch cần tập trung phát triển du lịch biển, đảo và khai thác thế mạnh của du lịch vùng tây của các tỉnh miền Trung. Cảng biển phát triển gắn liền với các dịch vụ logistics. Phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác.
Theo Thủ tướng, để miền Trung phát triển, cần có sự liên kết vùng và thể chế phát triển vùng. Trong đó, vấn đề quy hoạch chiến lược phát triển miền Trung cần rõ hơn, sớm có thể chế thuận lợi cho phát triển khu vực, kể cả vấn đề phân lại vùng hợp lý hơn. Xây dựng môi trường kinh doanh trong khu vực có tính cạnh tranh hơn. Miền Trung phải thực sự là "đất lành, chim đậu" của các nhà đầu tư. Trong quá trình phát triển, từng địa phương phải quan tâm tới ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng và mặn xâm nhập.
Để giúp vùng kinh tế miền Trung phát triển, Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng đảm bảo chất lượng theo hướng tích hợp các quy hoạch được quy định tại luật Quy hoạch, hướng dẫn chuyển tiếp thực hiện các quy hoạch hiện hành, xác định các khó khăn, vướng mắc để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Đề xuất nguồn lực để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cấp bách, nhất là hệ thống đường ven biển, đường lên Tây nguyên và các công trình trọng điểm của vùng, các dự án khắc phục khô hạn, bảo vệ nguồn nước ngọt, đảm bảo phát triển bền vững.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ TN-MT, Bộ Công thương, Bộ KH-CN, Bộ GD-ĐT… thực hiện các giải pháp để hỗ trợ cho miền Trung phát triển.
“Miền Trung thì phải bàn tiến chứ không bàn lui, kể cả việc liên kết lẫn nhau và liên kết với các tỉnh Tây nguyên”, Thủ tướng nêu rõ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.