Cận cảnh di tích thành Điện Hải trước cuộc 'đại tu bổ' chưa từng có

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
02/04/2020 11:59 GMT+7

Sau giai đoạn 1 với hầu hết kinh phí dành cho việc giải tỏa, di dời 80 hộ dân sinh sống quanh chân thành Điện Hải, trong giai đoạn 2, TP.Đà Nẵng sẽ tiến hành cuộc 'đại tu bổ' lớn chưa từng có.

Sở Văn hóa Thể thao TP.Đà Nẵng cho biết sau khi nhận được sự nhất trí từ cuộc họp HĐND TP.Đà Nẵng vào giữa tháng 3 vừa qua, Sở đã tiến hành các thủ tục cần thiết để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải (P.Thạch Thang, Q.Hải Châu).
Với tổng mức đầu tư là 84 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP, dự án được đánh giá sẽ thực hiện cuộc “đại tu bổ” chưa từng có khi tiến hành hạ giải Bảo tàng Đà Nẵng vốn xâm hại thô bạo di tích quốc gia đặc biệt này.

Tháng 5.2018, sau nhiều năm bị vùi lấp do chiến tranh và ảnh hưởng của việc người dân xây dựng nhà ở chồng lấn, đoạn thành, hào phía tây và nam thành Điện Hải đã phát lộ

Ảnh: Hoàng Sơn

Theo Sở Văn hóa Thể thao TP, dự án được đầu tư với mục tiêu bảo tồn tối đa các thành phần, dấu vết cấu thành di tích gốc, tái tạo một phần không gian cảnh quan và thành phần kiến trúc gốc trong khu vực thành nội. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019-2022.
Dự án cũng sẽ bổ sung một số thành phần kiến trúc mới nhằm làm rõ hơn giá trị gốc của di tích, tôn vinh và phát huy giá trị của di tích trong cuộc sống đương đại.

Trong giai đoạn 2 dự án, thành Điện Hải sẽ được tu bổ toàn diện, được đánh giá là cuộc đại trùng tu chưa từng có

Ảnh: Hoàng Sơn

Theo đó, quy mô đầu tư của dự án bao gồm hạ giải, di dời các thành phần công trình không phù hợp, tiến hành giám sát khảo cổ học.
Tiếp đó, dự án sẽ phục dựng các hạng mục như cổng thành phía đông, cổng và cầu phía tây, kỳ đài, nhà để súng; sắp đặt, bảo quản và bổ sung các khẩu thần công; tu bổ các bờ tường thành; làm sạch, bảo quản toàn bộ bề mặt trong và ngoài tường thành; tôn tạo tượng đài danh tướng Nguyễn Tri Phương; xây dựng miếu thờ, nhà trưng bày, nhà nghỉ chân, nhà bảo vệ; hệ thống bia biển chỉ dẫn, giới thiệu; hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi kèm.

Tuy là di tích quốc gia đặc biệt, nhưng thành Điện Hải đã bị xâm hại nghiêm trọng

Ảnh: Hoàng Sơn

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến thời điểm hiện tại, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, xung quanh di tích thành Điện Hải ở phía tây và phía bắc đã trở nên thông thoáng nhờ những công viên được xây dựng trên nền những nhà dân trước đây xâm lấn vào di tích.
Hộ thành hào đã được xây dựng xong và đã cho nước vào bên trong hào. Xung quanh di tích quốc gia đặc biệt được giải phóng nên hình dáng thành với kiến trúc Vauban của phương Tây được phục hồi nguyên vẹn.

Sau giai đoạn 1 dự án, thành hào xung quanh thành Điện Hải đã được tu bổ xong và cho nước vào

Ảnh: Hoàng Sơn

Tuy nhiên, các phần kiến trúc bên trong thành cổ vẫn còn ngổn ngang, đặc biệt là tòa nhà bảo tàng trông rất xung đột với cảnh quan. Người dân lẫn du khách khi tham quan khó có thể hình dung thành Điện Hải với tuổi đời gần 200 năm có những gì bởi không có các kiến trúc tái hiện.

Cổng phía nam thành Điện Hải là phần được phục dựng nên trong giai đoạn 2 dự án sẽ nghiên cứu để phù hợp với cảnh quan chung

Ảnh: Hoàng Sơn

Theo ghi nhận, trước thông tin dự án giai đoạn 2 sẽ được triển khai với hàng loạt hạng mục, người dân địa phương rất phấn khởi và kỳ vọng sau hoàn thành, di tích thành Điện Hải sẽ trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cũng như sẽ trở thành điểm đến du lịch của TP.
Dưới đây là một số hình ảnh di tích thành Điện Hải chuẩn bị bước vào cuộc “đại tu bổ” chưa từng có:

Cổng thành phía đông sẽ được phục dựng đúng với những mô tả trong lịch sử chứ không phải là một cổng thành đơn giản như hiện nay

Ảnh: Hoàng Sơn

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.Đà Nẵng cho biết phía bắc thành Điện Hải từng bị nhiều đơn vị “nhòm ngó” để xây dựng bãi giữ xe nhưng ngành văn hóa đã quyết liệt đấu tranh để làm công viên

Ảnh: Hoàng Sơn

Trước khi được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, thành Điện Hải đã bị xâm hại nghiêm trọng, trong đó có cả việc xây dựng Trung tâm Hành chính TP

Ảnh: Hoàng Sơn

Khu vực cổng phía đông hiện nay là cổng chính vào thành cổ

Ảnh: Hoàng Sơn

Trong giai đoạn 1 của dự án, hộ thành hào xung quanh thành Điện Hải đã được thi công hoàn thành

Ảnh: Hoàng Sơn

Khu vực này là mặt tây thành Điện Hải. Đây từng là nơi các hộ dân xây dựng nhà cửa “đè” lên nền móng cổ của di tích

Ảnh: Hoàng Sơn

Bốn mặt thành cổ đã được giải phóng hoàn toàn. Tuy nhiên, sau giai đoạn 1, các tường thành vẫn cần phải trùng tu tiếp với các công việc làm sạch bề mặt

Ảnh: Hoàng Sơn

Đáng chú ý, năm 2018, đơn vị đào thám sát đã phát hiện phần móng gạch nối tường hào và tường thành phía tây được cho là phần cầu dẫn của cổng thành thứ 3 bị vùi lấp trong chiến tranh

Ảnh: Hoàng Sơn

Phần móng này có chiều dài 14,2m, rộng 4,2m có cấu tạo hai bên xếp bằng đá ong, đá cuội, một phần nền xây bằng gạch vồ

Ảnh: Hoàng Sơn

Do bị người dân xâm hại nên không thể khai quật cổng thành thứ 3 ở phía tây. Trong nhiều năm liền, cổng thành này vẫn chỉ là những phỏng đoán. Đến nay sự tồn tại của cổng thành này đã được khẳng định nên ngành chức năng đã chừa lại để phục dựng cầu và cổng

Ảnh: Hoàng Sơn

Trong giai đoạn 2 của dự án, nhiều hạng mục sẽ được tôn tạo, phục dựng

Ảnh: Hoàng Sơn

Trong đó, có việc sắp đặt, bảo quản và bổ sung các khẩu thần công. Đây là những khẩu thần công từng nổ những phát đầu tiên vào chiến hạm của thực dân Pháp khi vào vịnh Đà Nẵng, bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam

Ảnh: Hoàng Sơn

Sau khi di dời Bảo tàng Đà Nẵng về địa chỉ 42 Bạch Đằng, cơ sở cùng hạ tàng cũ của bảo tàng này sẽ được hạ giải hoàn toàn để nhường chỗ cho những kiến trúc mới phù hợp hơn

Ảnh: Hoàng Sơn

Cùng với việc sắp xếp các công trình, các hiện vật không liên quan đến những ngày đầu kháng Pháp sẽ được chuyển đến chỗ mới

Ảnh: Hoàng Sơn

Tượng đài danh tướng Nguyễn Tri Phương cũng sẽ được tu bổ và chuyển đến vị trí thích hợp trong không gian chung thành Điện Hải

Ảnh: Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.