Đưa văn hóa dân gian vào nhạc trẻ

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
16/09/2019 08:17 GMT+7

Nhiều ca sĩ chọn hướng đưa văn hóa dân gian vào sản phẩm âm nhạc của mình, tạo nên làn gió mới cho nhạc trẻ Việt thời gian gần đây và nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả.

Bên cạnh những ca khúc, music video sôi động, trẻ trung, mang màu sắc hiện đại, gần đây nhiều MV của các ca sĩ trẻ biết cách kết hợp âm nhạc với sự đa dạng của văn hóa VN trong phần xây dựng hình ảnh làm nội dung câu chuyện.

Sáng tạo tươi mới trên nền dân gian

Những chất liệu văn học, văn hóa truyền thống đã nằm đâu đó trong mỗi con người Việt, những sáng tạo với những góc nhìn khác của người trẻ được lấy cảm hứng từ những chất liệu ấy sẽ dễ đi vào lòng người

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh

Hoàng Thùy Linh đã không lựa chọn hướng đi an toàn khi “ngược dòng” làm một album gồm các ca khúc mang bản sắc dân tộc và hình tượng văn học, trong đó có hai ca khúc nổi tiếng, đang gây sốt cộng đồng mạng là Để Mị nói cho mà nghe và Tứ Phủ. Trước đó, cô cũng “bén duyên” với chất liệu văn hóa VN qua ca khúc mang đậm âm hưởng dân gian Bánh trôi nước của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, đưa hình tượng Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương vào âm nhạc đương đại.
Hoàng Thùy Linh tự tin: “Trở lại mạnh mẽ với hình ảnh ca sĩ gắn liền với những ca khúc có màu sắc văn hóa dân gian chính là vũ khí giúp âm nhạc của tôi trở nên đặc biệt trong một rừng ca sĩ trẻ hiện nay. Lượt xem lên đến gần 60 triệu view của MV càng khiến tôi bất ngờ”.
Đưa văn hóa dân gian vào nhạc trẻ

Bích Phương trong Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau

Lý giải cho sự thành công này, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho biết: “Một tác phẩm hay sẽ xoay quanh 3 yếu tố là chân - thiện - mỹ và Để Mị nói cho mà nghe dung hòa được cả ba. “Chân” và “thiện” chính là mượn hình tượng văn học để truyền tải thông điệp sống tích cực, cổ vũ người trẻ dám thể hiện bản thân mình. Và “mỹ” là những hình ảnh trẻ trung, đậm bản sắc vùng cao Tây Bắc trong một MV hấp dẫn, duyên dáng với vũ đạo bắt mắt”.
Thật vậy, ngoài âm nhạc phảng phất âm hưởng dân gian Tây Bắc, đan xen với nhạc điện tử và rap hiện đại, nội dung kịch bản của MV còn tái hiện các nhân vật trong văn học như nàng Mị, chị Dậu, anh Tràng, lão Hạc, Chí Phèo, Thị Nở... với một “kết cục” mới: không còn khổ sở mà viên mãn hạnh phúc. Còn Tứ Phủ cũng được đánh giá là đột phá khi mang tín ngưỡng thờ Mẫu vào MV một cách trực tiếp thông qua tạo hình, vũ đạo và nội dung bài hát.
Ca sĩ Bích Phương cũng có kiểu khai thác, lồng ghép văn hóa Việt khéo léo vào sản phẩm âm nhạc của mình và tạo hiệu ứng lan truyền rộng rãi. Dự án âm nhạc Việt Nam - Việt Nam của Bích Phương với Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau là một MV độc đáo, tái hiện một đám cưới Tây Bắc với đủ đầy các nghi lễ thú vị, những chiếc váy thổ cẩm sặc sỡ, những nụ cười đồng bào dân tộc, những di sản văn hóa vùng cao...
Bùa yêu cũng do 3 nhà sản xuất âm nhạc gồm Tiên Cookie, Phạm Thanh Hà, DươngK thực hiện cho Bích Phương không chỉ sở hữu giai điệu “bắt tai” khi kết hợp các âm thanh từ nhạc cụ dân tộc, mà đưa những hình ảnh dân gian quen thuộc vào MV như trò chơi ô ăn quan, trầu têm cánh phượng, những khung thêu đủ màu sắc, tà áo dài cách tân và một thoáng văn hóa hầu đồng của người Việt.
Còn ca sĩ Thu Phương thì có Xẩm phố thu, hiện hữu tinh thần nhạc nhẹ trong nghệ thuật xẩm, gắn kết hai đối tượng khán giả của xẩm và khán giả nghe nhạc của mình.

Khả năng thành công cao

Những cách làm của các ca sĩ trẻ hiện nay là minh chứng rõ ràng nhất cho việc: nghệ sĩ Việt nếu biết tận dụng những giá trị văn hóa cổ truyền với một tư duy đúng đắn, thì khả năng thành công sẽ rất cao.
DTAP - nhóm nhà sản xuất của ca khúc Để Mị nói cho mà nghe do ca sĩ Hoàng Thùy Linh thể hiện, gồm 3 chàng trai còn rất trẻ với tuổi đời từ 21 - 23: Thịnh Kainz, sinh năm 1996; Kata Trần sinh năm 1997 và Tùng Cedrus sinh năm 1998. Ý tưởng để sáng tác ca khúc này là từ câu nói mà nhiều bạn trẻ hay viết trên Facebook: “Mị còn trẻ, Mị muốn đi chơi” - một cách nói vui về nhân vật Mị trong tác phẩm văn học Vợ chồng A Phủ. Nhóm DTAP chia sẻ: “Ai cũng đã biết đến nhân vật Mị rồi, việc tạo nên một sản phẩm mới mẻ và thu hút là không dễ. Chính suy nghĩ vì sao Mị phải chịu cảnh bó buộc, chờ A Phủ đến cầm tay mới dám vùng lên mà không tự giành lại công bằng cho mình đã thôi thúc chúng tôi viết nên ca khúc để cổ vũ phụ nữ dù ở thời đại nào cũng có quyền tự quyết định cuộc sống của mình mà không cần chờ ai đó đến giải thoát”.
Nhóm nhạc sĩ trẻ này hiện đang là thực tập sinh - “đệ tử” của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, quyết định sẽ chọn đưa văn hóa dân gian vào các sáng tác của mình sau này. Hiện tại, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong cho biết mô hình sản xuất âm nhạc theo nhóm đã thành công và chất liệu dân gian trong âm nhạc của họ được khán giả đón nhận. Từ đây đến cuối năm, nhóm sẽ tiếp tục hợp tác cùng Hoàng Thùy Linh để thực hiện một chuỗi dự án âm nhạc lồng ghép chất liệu văn hóa dân gian và sẽ lần lượt phát hành các sản phẩm này.
Đây là hướng đi nhiều thử thách và đáng khích lệ giữa dòng chảy âm nhạc nhiều màu sắc mà không ít người cho rằng “lai căng” như hiện nay, trước làn sóng tấn công mạnh mẽ của nhạc Hàn, Hoa, Âu - Mỹ... hay các dòng nhạc thời thượng. Sử dụng bản sắc dân tộc để đưa vào âm nhạc hiện đại chắc chắn sẽ khó bị lẫn tạp với bất kỳ nền văn hóa nào khác.
“Tuy nhiên, để tiếp cận với giới trẻ, không thể bê nguyên âm nhạc truyền thống, mà phải làm mới, mang cho nó một không khí mới của thời đại hôm nay; chẳng hạn có thể đi theo hướng ca khúc nhạc trẻ nhưng hòa âm phối khí kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc và nhạc điện tử để gần gũi hơn với khán giả trẻ”, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh chia sẻ. Anh cũng khẳng định: “Tôi tin những chất liệu văn học, văn hóa truyền thống đã nằm đâu đó trong mỗi con người Việt, những sáng tạo với những góc nhìn khác của người trẻ được lấy cảm hứng từ những chất liệu ấy sẽ dễ đi vào lòng người”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.