Kết nối nghệ sĩ quốc tế từ xa

Ngọc An
Ngọc An
22/04/2021 06:51 GMT+7

Dịch Covid-19 khiến việc dịch chuyển của những nghệ sĩ quốc tế đến VN trở nên khó khăn và gần như bất khả thi, nhưng từ đây nhiều ý tưởng về việc kết hợp từ xa đã được nghĩ đến.

 

Sự hỗ trợ của công nghệ

Nhân vật con quỷ trong vở Chuyện người lính, vừa được công diễn trên sân khấu Viện Pháp tại Hà Nội, không xuất hiện trên sân khấu. Thay vào đó, khán giả có thể nhìn thấy nhân vật qua hình ảnh minh họa cùng giọng nói biểu cảm đã được “biến hóa” cùng DJ. Nghệ sĩ Marcelino Martin Valiente từ Na Uy là người diễn thoại cho nhân vật con quỷ, đồng thời đảm nhận vai trò giám đốc nghệ thuật của vở diễn.

Đây là cơ hội giới thiệu tới khán giả VN những điều mới mẻ cũng như tạo động lực cho các nghệ sĩ ở các quốc gia khác tiếp tục hoạt động nghệ thuật
trong thời gian dịch bệnh

Nghệ sĩ Lưu Đức Anh

“Ngay từ năm ngoái, khi tình hình dịch bệnh khiến những chương trình mời nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh, chúng tôi đã nghĩ đến việc dựng một vở diễn vừa có đủ sức hấp dẫn, vừa có thể kết hợp với nghệ sĩ quốc tế trong khoảng thời gian khó khăn này. Ý tưởng đầu tiên của dự án lần này bắt đầu từ anh Honna Tetsuji, nhạc trưởng và cũng là giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam (Việt NamSO)”, ông Trịnh Tùng Linh, Phó giám đốc Việt NamSO, cho biết.
Nghệ sĩ Marcelino Martin Valiente chia sẻ từ Na Uy: “Đây là lần đầu tiên tôi chỉ đạo một vở diễn từ xa”. Ông cho hay chưa từng làm việc với nghệ sĩ Việt Nam cũng như tiếp xúc với khán giả Việt Nam, tuy nhiên với ông, đó không phải là khó khăn, bởi ông đã quen việc cộng tác với những nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Chỉ có điều là ông phải mất công nhiều hơn khi dàn dựng. Giám đốc nghệ thuật của Chuyện người lính nói: “Tôi phải chuẩn bị mọi việc công phu hơn như lường trước cả những tình huống có thể xảy ra. Thậm chí, tôi phải viết hết mọi thứ muốn chỉ đạo ra giấy, để mọi việc có thể diễn ra chính xác. Việc làm việc từ xa đòi hỏi tôi phải có sự tin tưởng với diễn viên, nhạc công Việt Nam”.
Cùng trong tháng 4 này, buổi hòa nhạc Frankfurt ở Hà Nội, Hà Nội ở Frankfurt diễn ra tại Viện Goethe (Hà Nội) theo cách gần như “chưa từng có tiền lệ” ở khán phòng này: 2 nghệ sĩ từ Đức cùng hòa tấu với những nghệ sĩ Việt Nam, cũng như những nghệ sĩ ở nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (Lưu Đức Anh, Phó Đức Hoàng, Dương Hồng Thạch, Yuki Urushihara...). Các nghệ sĩ Đức và Việt Nam đã biểu diễn những tác phẩm sáng tác trong thế kỷ 20 của các nhà soạn Werner Heider, Sandeep Bhagwati, Terry Riley, Pauline Oliveros, Mathias Spahlinger và Frederic Rzewsky.
“Việc lựa chọn tác phẩm để chơi ở khoảng cách xa về mặt địa lý không phải dễ. Bởi thông thường, những tác phẩm âm nhạc cần chơi trong một khán phòng để hòa nhịp, hòa âm cùng nhau. Chúng tôi lựa chọn những tác phẩm đương đại, hiện đại được sáng tác vào thế kỷ 20 mang nhiều tính tự do, không xác định chính xác cao độ, hay thời lượng bản nhạc cũng như các nhạc cụ chơi trong đó”, nghệ sĩ cello Lucas Fels chia sẻ từ Đức. “Đường truyền rất tốt nên tất cả nghệ sĩ đều có thể làm việc được dễ dàng. Tôi nghĩ đây là cơ hội giới thiệu tới khán giả Việt Nam những điều mới mẻ cũng như tạo động lực cho các nghệ sĩ ở các quốc gia khác tiếp tục hoạt động nghệ thuật trong thời gian dịch bệnh”, nghệ sĩ Lưu Đức Anh bày tỏ.

Vở diễn Chuyện người lính do nghệ sĩ Marcelino Martin Valiente đang ở Na Uy đảm nhận vai trò giám đốc nghệ thuật

Ảnh: Hồng Nguyễn

Thể nghiệm cái mới

Theo nghệ sĩ clarinet đến từ Đức Nina Janßen Deinzertheo, nhìn một cách tích cực, những khó khăn do dịch Covid-19 đã giúp hình thành dự án âm nhạc để cô cũng như những nghệ sĩ khác được thể nghiệm chơi nhạc trực tuyến trong đêm Frankfurt ở Hà Nội, Hà Nội ở Frankfurt. “Những tác phẩm âm nhạc đương đại, hiện đại có nhiều quãng để nghệ sĩ sáng tạo, biểu đạt phong cách cũng như văn hóa của mình. Tôi phấn khích vì tò mò quá trình chơi nhạc này sẽ mang đến cảm hứng thế nào cho mọi người”, nữ nghệ sĩ hào hứng nói.
Thực tế, việc lựa chọn những tác phẩm âm nhạc thế kỷ 20 không chỉ phù hợp với việc chơi nhạc “không ở trong cùng một khán phòng” mà còn giúp khán giả tiếp cận với thể loại âm nhạc mới. “Chúng ta đã nghe âm nhạc giai đoạn cổ điển, lãng mạn từ hàng chục năm nay rồi. Trong khi đó, chúng ta đang ở thế kỷ 21 và chứng kiến âm nhạc thế kỷ 20 có nhiều biến đổi sâu sắc cùng với những biến động lớn của xã hội, thế giới”, nghệ sĩ Phó Đức Hoàng bày tỏ. Chính việc biểu diễn những tác phẩm ở thời kỳ này trong chương trình, theo nghệ sĩ Lưu Đức Anh, sẽ giúp khán giả tiếp cận với mảng âm nhạc có sự “biến hóa khủng khiếp” từ ý tưởng cũng như những kỹ thuật biểu diễn mới lạ, chẳng hạn như không chỉ nhìn thấy những ngón tay chơi nhạc mà có thể thấy cả nhiều bộ phận khác trên cơ thể cùng chơi nhạc.
Không ít chương trình đang được thực hiện theo cách hợp tác từ xa cùng nghệ sĩ đang ở nước ngoài, có thể kể đến như vở diễn Thán 2 của nghệ sĩ Nguyễn Duy Thành (sẽ diễn ra vào tháng 5 tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội) có sự tham gia làm âm nhạc của nhạc sĩ Lương Huệ Trinh từ Pháp.
Dù vậy, việc hợp tác từ xa cũng cho thấy một số khó khăn. “Thực sự khi chỉ đạo vở diễn từ xa, tôi phải tự bớt đi nhiều sự khó tính của mình”, nghệ sĩ Marcelino Martin Valiente nói và chia sẻ thêm: “Nhạc trưởng, nhạc công, diễn viên tại Việt Nam có thể tiếp xúc với nhau. Trong khi, tôi chỉ có một mình. Điều đó khiến tôi phải tự động viên mình rất nhiều về mặt tinh thần, giữ động lực để làm việc. Với tôi, khoảng cách là điều gì đó không dễ chịu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.