Ở các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, phim cổ trang được sản xuất với tỷ trọng cao và để lại dấu ấn lớn với khán giả qua những phim kiếm hiệp, lịch sử, cung đấu, tình sử... Trong khi đó, Việt Nam thì khác, số lượng phim cổ trang được sản xuất còn rất khiêm tốn, lác đác vài phim trong nhiều năm.
Hiện tại, khi các phim hài, tình cảm lãng mạn hay hành động, kinh dị, phim remake (làm lại) đã dần trở nên bão hòa, thì dòng phim cổ trang bắt đầu được các nhà làm phim Việt quan tâm. Nếu như năm ngoái, khán giả bất ngờ khi đạo diễn Đỗ Đức Thịnh và Hãng phim Thiên Phúc làm phim Trạng Quỳnh - nhân vật được yêu thích trong văn hóa dân gian, thì năm nay danh sách phim cổ trang khá dài, đặc biệt là những bộ phim lấy cảm hứng từ những giai thoại đậm màu huyền sử và các nhân vật nổi tiếng trong dân gian.
Sắp tới sẽ có một số bộ phim chuyển thể từ những câu chuyện cổ tích, truyện tranh, văn học nổi tiếng gắn liền với tuổi thơ của người Việt ra rạp. Trạng Tí do Ngô Thanh Vân sản xuất, Phan Gia Nhật Linh đạo diễn vừa công bố trailer, hé lộ nhiều hơn về các nhân vật chính. Qua những hình ảnh đầu tiên về phim, bộ tứ Tí - Sửu - Dần - Mẹo mặc các trang phục dân dã, mái đầu ba vá, đúng với tạo hình nhân vật trong truyện tranh Thần đồng đất Việt. Nội dung phim lấy bối cảnh thời Hậu Lê, nhưng những sự kiện xảy ra không trùng lặp với thực tế mà góp nhặt nhiều sự kiện, điển tích khác nhau của lịch sử Việt Nam. Phim sẽ khởi chiếu vào ngày 1.5.
Khoảng cuối tháng 11.2019, cộng đồng mạng xôn xao trước thông tin tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du sẽ được chuyển thể lên màn ảnh rộng. Mới đây, nhà sản xuất Mai Thu Huyền lên tiếng xác nhận sẽ làm đạo diễn dự án này. Đây là dự án điện ảnh cô ấp ủ 10 năm qua. Phim sẽ chính thức bấm máy vào đầu tháng 4 và ra mắt khán giả vào cuối năm nay.
Nhà sản xuất - diễn viên Trương Ngọc Ánh cũng hé lộ teaser poster của bộ phim cổ trang - lịch sử có tên Trưng Vương (tựa tiếng Anh: She-Kings) nói về cuộc đời lẫy lừng của hai vị nữ vương nổi tiếng trong sử Việt là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Trương Ngọc Ánh sẽ đảm nhận vai trò đồng sản xuất, cùng Janet Ngô. Trước Trưng Vương, Trương Ngọc Ánh cũng đã thông tin sẽ kết hợp với đạo diễn Victor Vũ thực hiện bộ phim Sơn Tinh Thủy Tinh: Chuyện chưa kể.
Nhiều rủi ro
Các nhà sản xuất đều cho biết, làm phim cổ trang là dấn thân vào một hành trình đầy vất vả và rủi ro, bởi chi phí đầu tư phim cổ trang cao hơn rất nhiều so với phim đề tài hiện đại, từ bối cảnh, tạo hình nhân vật, thiết kế mỹ thuật, kỹ xảo hậu kỳ… Hầu hết các bộ phim cổ trang đều có kinh phí cao và rất khó khăn khi phải quay trong điều kiện Việt Nam không có phim trường. Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết: “Để làm một bộ phim cổ trang cho ra chất, không thể đầu tư dưới 1 triệu USD - tức hơn 23 tỉ đồng, dù toàn bộ ê kíp chúng tôi đã biết “liệu cơm gắp mắm” rồi! Đã thế phim cổ trang còn có nhiều rủi ro hơn các phim hiện đại khác vì phim chiếu ra hay bị soi đủ thứ, từ trang phục, bối cảnh, lời thoại…”.
Thêm vào đó, một số các phim cổ trang đã chiếu rạp vài năm trước có doanh thu không đủ bù chi phí sản xuất, khiến các nhà đầu tư không khỏi lo lắng về “khẩu vị” khán giả đối với phim cổ trang Việt. Thiên mệnh anh hùng (đạo diễn Victor Vũ) dù được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng chỉ thu được khoảng 25 tỉ đồng khiến nhà sản xuất công bố phim lỗ hơn 10 tỉ đồng, bởi kinh phí thực hiện phim lên đến 25 tỉ đồng. Bộ phim cổ trang - giả tưởng Lửa Phật (đạo diễn Dustin Nguyễn) được đầu tư 15 tỉ đồng nhưng doanh thu chỉ khoảng 10 tỉ đồng…
Dù vậy, các nhà làm phim Việt Nam vẫn nỗ lực “vượt khó” để cho ra mắt các bộ phim cổ trang mới. Đạo diễn Đức Thịnh cho biết, khi làm Trạng Quỳnh, ngoài việc chú trọng xây dựng nhân vật Trạng Quỳnh thì anh và ê kíp tập trung đầu tư cho bối cảnh cổ trang mới lạ của phim. “Trạng Quỳnh là phim hài dân gian, khác hoàn toàn với phim lịch sử, nên không cần phải chính xác về sự kiện, phục trang và thời gian”, anh nói.
Diễn viên - nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cho biết sẽ có những sáng tạo mới trong bộ phim về Hai Bà Trưng: “Dù đã làm việc với nhiều giáo sư sử học Việt Nam để tạo nên một bộ phim chỉn chu từ kiến trúc, trang phục, bối cảnh và câu chuyện liên quan đến Hai Bà Trưng, nhưng chúng tôi vẫn mong khán giả hiểu cho bộ phim sẽ có những sáng tạo mới, chẳng hạn về trang phục, không thể giống hoàn toàn với tư liệu lịch sử".
“Khán giả đã quen xem những bộ phim cổ trang được đầu tư lớn với dàn diễn viên chuyên nghiệp, trang phục bắt mắt, kỹ xảo hoành tráng từ các nền điện ảnh lớn. Vì thế, khán giả khó có thể chấp nhận những bộ phim cổ trang chất lượng kém, kỹ xảo nửa vời, trang phục còn tệ hơn sân khấu như phim 3D Cung tâm kế, Táo quậy chiếu rạp hồi đầu năm 2019”, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt nhận xét.
|
Bình luận (0)