Triển lãm nghệ thuật ECO-SUS: Nghệ sĩ ưu tư về sinh thái và phát triển bền vững

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
09/04/2021 20:00 GMT+7

Các tác phẩm tại triển lãm nghệ thuật ECO-SUS đều sử dụng hình thức tạo hình của nghệ thuật đương đại, lấy cảm hứng từ vùng đất Bình Định và ICISE, nơi vinh dự đón tiếp 15 người đoạt giải Nobel.

Chiều 8.4, Triển lãm nghệ thuật ECO-SUS có chủ đề Phát triển bền vững đã khai mạc tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE- ở TP.Quy Nhơn, Bình Định). Đây là hoạt động trong Chương trình Trường học mùa đông về Phát triển bền vững tại ICISE với sự tham dự của 100 bạn trẻ ưu tú (được lựa chọn từ 640 ứng viên xuất sắc nhất cả nước).
ECO-SUS là dự án nghệ thuật của 12 nghệ sĩ trong và ngoài nước. Trong đó có 10 nghệ sĩ thị giác, gồm: Phạm Thái Bình, Trịnh Minh Tiến, Vương Văn Thạo, Nguyễn Trần Ưu Đàm, Nguyễn Thế Sơn, Phạm Khắc Quang, Vũ Xuân Đông, Vũ Kim Thư, Lê Đăng Ninh, Phan Quang cùng nghệ sĩ Diego Cortizas Del Valle (nghệ sĩ thời trang) và nghệ sĩ Trí Minh (nghệ sĩ âm nhạc thể nghiệm). Triển lãm này được giám tuyển bởi 2 nghệ sĩ Thế Sơn và Ưu Đàm.
Tại lễ khai mạc, khán giả đã được thưởng thức các tác phẩm lan tỏa và tham vọng ECO-ĐI của nghệ sĩ Ưu Đàm trên cát biển Quy Nhơn để thay đổi nhận thức toàn thế giới về rác thải, Tour xem tác phẩm tạo hình do nghệ sĩ Thế Sơn dẫn dắt…

Nhiều người tham dự các hoạt động của Triển lãm nghệ thuật ECO-SUS tại bãi biển Quy Nhơn

ẢNH: BTC

Điểm nhấn của lễ khai mạc sự kiện này là Chương trình biểu diễn thời trang Chula của nghệ sĩ Diego Cortizas Del Valle đến từ Tây Ban Nha với sự tham gia biểu diễn của các sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn. Theo đó, các tác phẩm thời trang được trình diễn trên nền nhạc điện tử kết hợp với trống trận Bình Định do nghệ sĩ Trí Minh dàn dựng.

Chương trình biểu diễn thời trang Chula của nghệ sĩ Diego Cortizas Del Valle  

ẢNH: BTC

Nghệ sĩ âm nhạc thể nghiệm Trí Minh tại buổi trình diễn thời trang

ẢNH: BTC

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết đa số tác phẩm trong dự án ECO-SUS được lấy cảm hứng từ vùng đất Bình Định, từ không gian kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên đặc biệt cuốn hút của ICISE, nơi vinh dự đón tiếp 15 người đoạt giải Nobel của thế giới, nhiều nhất châu Á tính đến hiện tại. Các tác phẩm ở đây đều sử dụng hình thức tạo hình của nghệ thuật đương đại, từ sắp đặt, hội họa, nhiếp ảnh, video art… như là một nỗ lực của các nghệ sĩ muốn tiếp tục đối thoại với những yếu tố như thiên nhiên sinh thái và phát triển bền vững tại ICISE.
“Khi làm giám tuyển cho triển lãm, tôi cũng cố gắng dẫn dắt mọi người bắt đầu một cuộc đối thoại dài hơi giữa nghệ thuật và khoa học. Khoa học muốn truy tìm những chân lý thì nghệ thuật cũng đi tìm sự thật trong đời sống xã hội. Hai con đường đó có thể đi song song thì đây có thể là điểm gặp gỡ khá thú vị giữa khoa học và nghệ thuật, điều chưa bao giờ xảy ra trong khoa học cũng như trong lịch sử phát triển nghệ thuật ở Việt Nam”, nghệ sĩ Thế Sơn nói.
Triển lãm nghệ thuật ECO-SUS sẽ kéo dài đến ngày 8.8.
 

Con người là tác nhân hủy hoại môi trường

Trong dự án ECO-SUS, nghệ sĩ Ưu Đàm trình bày tác phẩm nổi tiếng Rồng Rắn Lên như một tác phẩm hoàn chỉnh với 8 phần: từ tác phẩm Vũ Điệu của những kỵ sĩ máy, tới Rồng Rắn Lên, một chuỗi 7 hộp đèn từ Serpent's Tails, video I SUCK U SUCK, tác phẩm điêu khắc Thánh Gióng Đương Đại, tác phẩm Elephant In The Room (Con voi trong phòng) và ECO-ĐI được sắp đặt theo ý niệm từ đặt vấn đề đến phương hướng giải quyết.

Nghệ sĩ Ưu Đàm trình bày về tác phẩm ECO-ĐI tại bãi biển Quy Nhơn

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Theo nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm, các tác phẩm nghệ thuật này đặt ra vấn đề là môi trường không phải bị hủy hoại bởi plastic (nhựa dẻo) mà do con người thải plastic ra ngoài. “Plastic không có tội mà là ân nhân của loài người, là phát minh vĩ đại, nó không tự nhiên chạy ra ngoài làm ô nhiễm môi trường mà bị con người đối xử không công bằng: sau khi sử dụng plastic xong, con người vứt nó ra ngoài, đổ tội cho nó”, nghệ sĩ Ưu Đàm nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.