Vì sao chưa thể công bố hết dịch ?

15/05/2020 06:40 GMT+7

Đến hôm nay 15.5, Việt Nam đã qua 28 ngày liên tiếp không phát hiện ca bệnh Covid-19 mới lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc công bố hết dịch vẫn đang được cân nhắc thận trọng.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện nay rất thấp, tuy nhiên dịch Covid-19 vẫn rất khó lường, tiềm ẩn nguy cơ từ các chuyến bay đón công dân VN, đón các chuyên gia vào Việt Nam.

Vẫn còn nguy cơ từ bên ngoài

Đáng lưu ý, tại một số ổ dịch, có khoảng 50% ca mắc Covid-19 không có triệu chứng bệnh (sốt, ho, khó thở...) mà chỉ được phát hiện khi xét nghiệm.
Theo PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), trong nước vẫn có thể có ca bệnh nhiễm vi rút nhưng không có triệu chứng. Do đó, tuyệt đối không được chủ quan. “Trong nước cơ bản kiểm soát dịch lây trong cộng đồng nhưng chưa thể khẳng định đã hết ca bệnh. Như Trung Quốc, Hàn Quốc đã ghi nhận ca bệnh trong cộng đồng xuất hiện trở lại”, ông Phu lưu ý.

Nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện rất thấp nhưng VN phải ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng để khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Còn theo Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, “nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng hiện rất thấp nhưng VN phải ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng để khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức”.

Việt Nam thêm 24 ca mắc mới Covid-19 là hành khách về từ Nga

Các chuyên gia cho hay, Việt Nam đang duy trì các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, chưa công bố hết dịch. Việc công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc nhằm áp dụng một số biện pháp mà trong tình trạng không công bố dịch không thực hiện được, huy động được các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Hoạt động kinh tế - xã hội đang dần trở lại bình thường

Ảnh: Tấn Đạt

Đẩy mạnh giao thương online

Dù đã kiểm soát dịch bệnh, các hoạt động đã dần trở lại bình thường, nhưng khó khăn hiện nay của VN là các thị trường, bạn hàng, đối tác lớn nhất của Việt Nam, như Mỹ, Nhật Bản, EU... đều đang vất vả với dịch bệnh.

“Hà hơi thổi ngạt”

Lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, thực hiện yêu cầu của Chính phủ về việc giao Bộ Công thương hướng dẫn các DN về sản xuất an toàn, cơ quan này đã có văn bản hướng dẫn các DN thực hiện các nội quy về giãn cách cả trong lẫn ngoài giờ sản xuất như giờ ăn, sinh hoạt chung. “DN còn lo hơn mình. Vấn đề lớn với DN giờ là các chính sách “hà hơi thổi ngạt”, “khoan sức dân”, như: chính sách thuế, tín dụng và hỗ trợ thị trường, khi mà thị trường bên ngoài chưa hồi phục”, vị này nói.
Tại báo cáo đánh giá về tác động của đại dịch Covid-19 vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội dẫn đánh giá của Liên Hiệp Quốc cho biết: “Đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra một cuộc khủng hoảng y tế mà còn là một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội nghiêm trọng chưa từng có; kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng nhất từ sau Đại suy thoái 1929 - 1932, vượt xa khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 cả về phạm vi và độ sâu suy thoái”.
Là một nền kinh tế mở với quy mô xuất nhập khẩu gấp đôi quy mô GDP, VN không thể tránh được ảnh hưởng nghiêm trọng, dù được The Economist xếp thứ 12/66 quốc gia “an toàn” nhất về nợ và các chỉ số tài chính quốc gia, cũng như được các định chế tài chính thế giới như IMF, ADB... đánh giá là một trong những quốc gia có tăng trưởng cao nhất thế giới.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc chuyển trở lại bình thường là yêu cầu lớn nhất trong hoạt động kinh tế lúc này. Do đó, cùng với khai thông thị trường thì điều kiện nào để doanh nghiệp (DN) sản xuất duy trì được hoạt động bình thường là yếu tố rất quan trọng. “Nếu đưa trở lại bình thường thì dệt may cần gì, điện tử cần gì, cần ở mức độ thế nào? Đây cũng là lúc phải định vị lại vị thế, vai trò của các thị trường, cả trong và ngoài nước, cũng như lưu ý xem mô hình hợp tác với các nước bên ngoài có cần phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Chưa nên công bố hết dịch

Trao đổi với Thanh Niên, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đánh giá cả nước đã qua 28 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, đã có 90% bệnh nhân (BN) được điều trị khỏi nhưng trong nước vẫn có BN Covid-19 đang điều trị tại một số cơ sở y tế. Hiện tại, vẫn còn các ca bệnh cần theo dõi thêm 14 ngày và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 dù đã được công bố khỏi bệnh. Ngoài ra, còn có các chuyến bay đón người từ nước ngoài về, các chuyên gia đến làm việc, do đó vẫn có thể ghi nhận ca mắc là các trường hợp nhập cảnh.
“Như vậy, chúng ta vẫn có ca bệnh; công tác y tế dự phòng, điều trị, hệ thống phòng, chống dịch bao gồm các khu vực cách ly y tế trong nước vẫn đang cần phải duy trì; vẫn cần phải áp dụng các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch Covid-19 do ca bệnh xâm nhập. Nếu công bố hết dịch, người dân sẽ hiểu là không cần áp dụng các biện pháp phòng chống, hệ thống y tế không cần duy trì các hoạt động trực chống dịch như đã và đang áp dụng. Do đó tôi cho rằng, hiện tại, chúng ta chưa nên công bố hết dịch Covid-19”, ông Nga nêu ý kiến.
Theo Quyết định số 07/2020 ngày 26.2.2020 của Thủ tướng Chính phủ,  thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới 28 ngày là căn cứ để công bố hết dịch bệnh Covid-19.    
Liên Châu (ghi)
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho hay, để khai mở thị trường trong bối cảnh dịch bệnh, thời gian qua và trong vòng các tháng tới đây, việc xúc tiến thương mại qua kênh online sẽ tiếp tục được đẩy mạnh bởi hiệu quả mang lại không hề nhỏ và cho thấy rất phù hợp khi nhiều nước vẫn còn dịch. Vị này dẫn chứng, mới đây nhất, cơ quan này liên tục có các buổi giao thương trực tuyến rất thành công, như cùng tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) thu hút 150 DN tham gia, đạt được các cam kết lên tới gần 4 triệu USD. Ngoài ra, một hội nghị tương tự với tỉnh Tứ Xuyên, thu hút 200 DN hai phía.
“Trong tháng 5 năm nay, chúng tôi sẽ có cuộc xúc tiến đầu tư lớn qua mạng với thị trường Ấn Độ. Cuối tháng là hội thảo online thúc đẩy xuất khẩu giày dép sang Mỹ với sự phối hợp Hiệp hội Các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ. Hội thảo và kết nối giao thương này dự kiến có trên 130 cơ quan, DN Việt và 60 - 80 nhà nhập khẩu, phân phối, bán lẻ giày dép nước bạn. Đây là cơ hội để thúc đẩy các mặt hàng giày dép, túi xách vào thị trường Mỹ thời hậu Covid-19”, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho hay.
Vì sao chưa thể công bố hết dịch ?

Dỡ bỏ cách ly thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, H.Thường Tín, Hà Nội) lúc 0 giờ ngày 14.5

Ảnh: Trần Thắng

Thị trường 100 triệu dân Việt Nam sẽ là “trụ đỡ”

Do các quốc gia hiện đều đang ở thế tự cô lập để chống dịch, các chuyên gia cho rằng tiêu dùng trong nước chính là trụ đỡ. Quý 1 năm nay, các chỉ số kinh tế chưa cho thấy mức độ ảnh hưởng rõ ràng, nhưng tình hình sẽ ngày càng khó khăn hơn ở những tháng cuối năm, khi nền kinh tế “ngấm” tác động của đại dịch.
Giao thông, du lịch, thậm chí ngành sản xuất, cũng sẽ phải trông đợi vào thị trường trong nước trước. Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), dịch bệnh cũng đã bộc lộ rõ một số điểm yếu khi DN quay về thị trường nội địa, đó là chất lượng phân phối qua các ứng dụng hiện đại chưa cao, khó cạnh tranh với các đối tác lớn nước ngoài. Cho nên, giờ là lúc thích hợp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại qua internet, điện thoại, mạng xã hội, đa kênh phân phối; cũng như tăng cường liên kết hợp tác với nhà sản xuất, khách hàng với nhau.

Tìm nguồn cho tạng và nguồn tài trợ để ghép phổi cho BN91 đang nguy kịch

Ngoài ra, theo ông Đông, trong khi chúng ta trở lại sản xuất bình thường mà nhiều nước vẫn có dịch thì cũng là cơ hội để chúng ta tăng tính kết nối hàng hóa Việt, nhất là các sản phẩm thiết yếu, như nông thủy sản vào các siêu thị nước ngoài, nhất là các nhà bán lẻ lớn đã có chi nhánh, hệ thống ở Việt Nam. “Khi đó, rất cần chính sách tạo thuận lợi cho DN cung ứng thông qua phân luồng vận tải. Tuy nhiên, chúng ta không quên triển khai kích thích tiêu dùng trong nước, hoàn thiện cơ chế, đầu tư hạ tầng thương mại cho vùng sâu vùng xa”, ông Đông nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.