Vì sao có nhà máy rác 329 tỉ, Cà Mau vẫn cần chi 19 tỉ làm bãi rác tạm?

02/11/2019 10:59 GMT+7

TP.Cà Mau có nhà máy xử lý rác được đầu tư 329 tỉ đồng, nhưng UBND tỉnh Cà Mau vẫn chỉ đạo khẩn trương hoàn thành bãi chôn rác dự phòng và cần hơn 19 tỉ đồng xây dựng bãi rác tạm. Vì sao có nghịch lý này?

Ngày 1.11, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cùng đoàn kiểm tra đến kiểm tra, tình hình hoạt động của Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau, nhằm tìm hướng tháo gỡ những khó khăn mà Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau gặp phải trong thời gian qua.

Xử lý... nhỏ giọt

Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Tiến Dũng, đại diện Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau, cho biết hiện dây chuyền của nhà máy đang rất xuống cấp. Rác sau khi được tiếp nhận qua trạm cân, thực hiện khử mùi, hệ thống trục đánh tơi, tách nước rỉ rác, rác chỉ chạy qua ống sinh hóa và tách lọc phân chuyển vào nhà kho của nhà máy để chứa.
Trung bình, mỗi ngày nhà máy tiếp nhận hơn 200 tấn nhưng chỉ phân loại thủ công được khoảng 40 tấn, 160 tấn còn lại được xử lý thông qua phương pháp đốt. Tuy nhiên, công suất của lò đốt hiện không đảm bảo khi trung bình mỗi giờ chỉ đốt được khoảng 3 - 4 tấn rác. Hiện lượng phân bón hữu cơ được nhà máy sản xuất ra đều bị tồn đọng vì không có đầu ra.
Ông Nguyễn Tiến Dũng cũng thông tin thêm, hiện lượng nước thải của nhà máy thải ra được cho chảy vào hồ xử lý nước thải. Tuy nhiên, lượng nước này rất lớn, khi gặp trời mưa thì toàn bộ nhà máy đều bị ngập.

Rác được chứa trong khuôn viên nhà máy

ẢNH: HỒNG LƯƠNG

Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau có nhiều hạng mục không phép

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết qua công tác kiểm tra của ngành chức năng, trong danh mục 39 quy định, thì nhà máy không thực hiện nhiều hạng mục, có hạng mục thực hiện nhưng không đúng với thiết kế cơ sở, và rất nhiều hạng mục thực hiện không có phép.

Ông Nguyễn Tiến Dũng thừa nhận, và cho rằng đang cố gắng khắc phục trong thời gian sớm nhất. “Hiện, nhà máy có 3 việc cần phải làm ngay, thứ nhất là nâng cấp công suất lò đốt. Thứ hai là đầu tư thêm máy móc phân loại, tách phế liệu trong rác. Thứ ba là nâng cấp hệ thống xử lý nguồn nước thải", ông Dũng nói.

Tại buổi làm việc, ông Dũng cũng "than", từ tháng 5.2019 đến nay, nhà máy không nhận được phí hỗ trợ xử lý rác nên nhà máy đang gặp nhiều khó khăn.

Một khâu xử lý rác ở Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau

ẢNH: HỒNG LƯƠNG

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Hải khẳng định: "Riêng về kinh phí hỗ trợ xử lý cho nhà máy chính là tiền ngân sách nhà nước, để nhà máy nhận được hỗ trợ phải theo quy định. Do đó, phải kiểm tra lại toàn bộ quy trình xử lý. Nhà máy phải kiện toàn lại toàn bộ hoạt động, mới nhận được hỗ trợ”.

“Với một nhà máy xử lý rác thải có công suất như thế mà có đến 25 ha diện tích được giao là quá lớn cho nên công tác sắp xếp, thực hiện các hạng mục cần phải tính toán lại trên cơ sở tiết kiệm chi phí vận hành của nhà máy, vừa tiết kiệm diện tích đất”, ông Nguyễn Tiến Hải lưu ý.

Cần 19,3 tỉ xây dựng bãi rác tạm

Một diễn biến khác, UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản chỉ đạo về việc kinh phí bảo vệ môi trường tại các bãi rác tạm trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, Sở Tài chính Cà Mau có văn bản cáo báo cáo UBND tỉnh Cà Mau cần kinh phí đầu tư xây dựng bãi rác tạm trên địa bàn các huyện với số tiền hơn19 tỉ đồng. Số kinh phí này để xây dựng các bãi chôn lấp rác trên địa bàn H.Cái Nước (4,8 tỉ), H.Phú Tân (3 tỉ), H.Đầm Dơi (2,5 tỉ) và H.Năm Căn 9 tỉ. Còn các H.U Minh, H.Trần Văn Thời, H.Ngọc Hiển chưa chọn được địa điểm phù hợp xây dựng bãi rác tạm.

Thiết bị của Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau 

ẢNH: HỒNG LƯƠNG

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Cà Mau, đây là dự án có mức đầu tư lớn, nguồn vốn sự nghiệp không đảm bảo để bố trí vốn. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát, tính toán, đề xuất từng trường hợp cụ thể để triển khai thực hiện theo quy định đầu tư xây dựng cơ bản.
Đồng thời, UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau khẩn trương triển khai hoàn thành bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh dự phòng.
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau cho biết là trong thời gian chờ xây dựng hoàn thành bãi chôn lấp rác dự phòng. Nếu có sự cố cần xử lý rác sinh hoạt (bên ngoài nhà máy rác - PV), thì công ty tiếp tục xử lý chôn lấp tại bãi rác tạm như đã thực hiện năm 2018. Và khả năng tiếp nhận khoảng 3 tháng.
Trước đó, trả lời PV Thanh Niên qua điện thoại về tình hình hoạt động của Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau, ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau, cho biết: "Hiện tại Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau đang tiếp nhận rác bình thường, nhưng đứng trước nguy cơ đóng cửa là có. Chúng tôi đang chờ ý kiến của UBND tỉnh. Bởi nhà máy rác chứa rác chứ không xử lý kể từ khi hoạt động trở lại vào tháng 2.2019".
Tháng 9 vừa qua, Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau xin đào 2 hố trong khuôn viên nhà máy để chôn lấp rác, nhưng UBND tỉnh Cà Mau từ chối đề nghị này.

Nhà máy xử lý rác với quá nhiều ưu đãi

Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau do Công ty TNHH Xây dựng - thương mại - dịch vụ Công Lý làm chủ đầu tư, có công suất xử lý 200 tấn/ngày đêm. Hiện tại, đây là nhà máy xử lý rác thải duy nhất ở tỉnh Cà Mau với vốn đầu tư trên 329 tỉ đồng. 

Theo hồ sơ, nhà máy ra đời năm 2010, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực xử lý môi trường. Cụ thể, được nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư (khoảng hơn 163 tỉ đồng), ưu đãi vay vốn ngân hàng (tổng cộng 215 tỉ đồng); chưa kể những ưu đãi khác về đất đai, thuế...
Ngoài ra, trong khoảng 7 năm hoạt động (từ năm 2012 đến nay), nhà máy được tỉnh hỗ trợ về nhiều mặt. Năm 2015, nhà máy bảo trì lần đầu. Tuy đăng ký bảo trì trong 2 tháng, nhưng 6 tháng mới hoàn thành và mượn quỹ đất khoảng 2,5 ha để trữ rác trong lúc bảo trì. Đến nay, phần rác tồn vẫn chưa xử lý xong; hàng ngàn tấn rác vẫn còn trong và ngoài khuôn viên nhà máy... 

Trước đó, năm 2012, khi nhà máy hoàn thành, tỉnh Cà Mau đã cho ứng 20 tỉ đồng tiền xử lý rác. Cuối năm 2016, tỉnh lại cho ứng 25 tỉ đồng để bảo trì nhà máy. Khi chưa trả hết tiền tạm ứng, cuối tháng 7.2018, nhà máy lại xin ngưng tiếp nhận rác trong 3 tháng để bảo trì, nhưng hơn 6 tháng sau mới hoạt động trở lại.

Tháng 8.2019,  ông Tô Công Lý, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - thương mại - dịch vụ Công Lý, bị Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an bắt tạm giam để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Như Thanh Niên đã thông tin, vào giữa năm 2019, Công ty TNHH Xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý có tờ trình UBND tỉnh Cà Mau xem xét hỗ trợ chi phí chôn cất cho thai nhi; đồng thời kiểm tra, kiểm soát rác từ đầu nguồn để giảm thiểu việc thai nhi theo xe rác vào nhà máy.
Theo nội dung tờ trình, Nhà máy xử lý rác thải TP.Cà Mau phát hiện hơn 300 xác thai nhi khi xử lý rác thải từ khi đi vào hoạt động. Công ty Công Lý cho biết nhà máy đã phải thực hiện chôn cất các thai nhi trên trong khuôn viên nhà máy, và đến nay quỹ đất đầy, không còn chỗ chôn cất; mà hỏa thiêu thì đơn vị không có kinh phí.
Sau đó, qua kiểm tra, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản khẳng định việc Công ty Công Lý khai báo từ khi hoạt động (năm 2012) đến nay đã phát hiện hơn 300 xác thai nhi bị bỏ rơi nằm lẫn trong rác, và nhà máy đã chôn cất các thai nhi trong khuôn viên nhà máy, là chưa có cơ sở. Đồng thời, yêu cầu rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay việc cung cấp thông tin không chính xác...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.