Từ tháng 4.2020 đến tháng 10.2020, hệ thống y khoa Hoàn Mỹ (TP.HCM) đã nghiên cứu stress và ứng phó stress của 926 điều dưỡng các khoa Hồi sức tích cực, Hậu phẫu, Cấp cứu và các khoa nội trú khác.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố liên quan đến stress của điều dưỡng, gồm: Chăm sóc người bệnh, mâu thuẫn với bác sĩ, thiếu sự chuẩn bị, thiếu sự hỗ trợ, mâu thuẫn điều dưỡng, quá tải công việc, không chắc chắn trong điều trị.
1. Thấy người bệnh đau đớn
Về nhóm các tác nhân gây stress liên quan đến chăm sóc người bệnh: Theo kết quả nghiên cứu, các yếu tố gây áp lực cao nhất trong nhóm này bao gồm việc điều dưỡng nhìn thấy sự chịu đựng về bệnh tật, thực hiện các thủ thuật hay kỹ thuật gây đau đớn cho bệnh nhân.
Điều này cho thấy diễn tiến xấu của bệnh nhân có ảnh hưởng lớn đến tâm lý của điều dưỡng. Do đó, nghiên cứu cho rằng nhân viên điều dưỡng cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống cấp cứu xảy ra.
2. Mâu thuẫn với bác sĩ
Nhóm nhân tố gây stress liên quan đến mâu thuẫn với bác sĩ: Nghiên cứu cho thấy áp lực tạo ra bởi nhóm này có mức thấp. Nguyên nhân gây stress chủ yếu là do sự phê bình của bác sĩ.
Theo nghiên cứu, nghệ thuật phê bình trong giao tiếp là một kỹ năng quan trọng trong môi trường làm việc, nếu có kỹ năng tốt trong phê bình thì sẽ mang ý nghĩa đóng góp và xây dựng, và ngược lại có thể gây tiêu cực cho người bị phê bình. Do đó, nhân viên y tế cần được tập huấn về kỹ năng phê bình và lắng nghe về phê bình để không gây căng thẳng trong quá trình làm việc.
3. Thiếu sự chuẩn bị
Nhóm tác nhân gây stress liên quan đến thiếu sự chuẩn bị: Theo nghiên cứu này, các tác nhân đều ở mức độ và tần suất thấp. Mức độ stress chủ yếu là do không tìm được câu trả lời thỏa đáng để trả lời cho người bệnh.
Do vậy, cần nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn và kỹ năng tư vấn cho bệnh nhân là điều cần thiết cho điều dưỡng hiện nay. Và nhà quản lý cần xây dựng chương trình định hướng cho nhân viên mới và tập huấn các kỹ năng chăm sóc cho nhân viên.
4. Bị điều chuyển khoa
Về nhóm tác nhân gây stress liên quan đến mâu thuẫn điều dưỡng, có hai yếu tố: Bị cấp trên phê bình và được phân công đến hỗ trợ các khoa khác do thiếu nhân sự gây stress chủ yếu cho điều dưỡng.
Nghiên cứu đề xuất nhà quản lý điều dưỡng cần nâng cao kỹ năng khen thưởng và kỹ năng phản hồi đối với nhân viên điều dưỡng. Ngoài ra, nhà quản lý điều dưỡng cần lập kế hoạch đào tạo nhân sự và luân chuyển điều dưỡng phù hợp với nguồn nhân lực tại bệnh viện.
5. Quá tải công việc
Về nhóm tác nhân gây stress liên quan tới quá tải công việc: Quá nhiều công việc không liên quan đến chăm sóc như công việc giấy tờ và gặp sự cố máy tính khi đang làm việc là 2 yếu tố gây quá tải công việc với mức độ cao nhất. Nghiên cứu đề xuất đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế và hệ thống bệnh án điện tử.
6. Thiếu thông tin đầy đủ từ bác sĩ
Về nhóm tác nhân gây stress liên quan đến việc không chắc chắn trong điều trị: Nhóm này bao gồm 5 tác nhân có khả năng gây ra stress cho điều dưỡng. Trong đó, yếu tố thiếu thông tin đầy đủ của bác sĩ về tình trạng sức khỏe của người bệnh tạo áp lực với điều dưỡng ở mức cao nhất. Do vậy, điều dưỡng cần nâng cao tính phối hợp trong chăm sóc, đi buồng cùng bác sĩ thăm khám bệnh nhân và trao đổi thông tin.
Về nhóm tác nhân gây stress liên quan đến thiếu sự hỗ trợ trong công việc: Các tác nhân đều ở mức độ và tần suất thấp.
Điều dưỡng ứng phó với stress ra sao?
Theo nghiên cứu, các phương pháp ứng phó với stress được điều dưỡng sử dụng chủ yếu là tìm hỗ trợ xã hội; giải quyết vấn đề có kế hoạch; tự kiểm soát. Kết quả nghiên cứu cho thấy các phương pháp ứng phó stress được điều dưỡng sử dụng theo chiều hướng tích cực.
Tuy nhiên, để những giải pháp ứng phó stress của điều dưỡng mang tính bền vững, về lâu dài nhà quản lý điều dưỡng cần xây dựng chiến lược phòng ngừa và giải pháp stress cho đội ngũ điều dưỡng tại bệnh viện.
Stress là gì?
Stress là phản ứng sinh lý của cơ thể nhằm đáp ứng với thể chất hoặc tâm lý là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người bị stress được xem như không khỏe mạnh, làm việc không có hiệu quả và nguy cơ bị tai nạn cao. Stress sẽ tác động nghiêm trọng đến việc cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng và hiệu quả của việc cung cấp dịch vụ y tế, nhất là với người điều dưỡng trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.
Đối mặt với stress, các cá nhân phát triển cách ứng phó khác nhau, liên quan đến yếu tố cá nhân, nhu cầu tình huống và nguồn lực sẵn có và nhằm mục đích khôi phục sự cân bằng của cơ thể được gây ra bởi tác nhân gây stress.
|
Bình luận (0)