Vì sao nhiều người ‘đỏ lửa’ làm bánh trôi bánh chay ăn tết hàn thực?

01/04/2022 14:05 GMT+7

Tết hàn thực là gì, những tỉnh thành nào có phong tục này, vì sao trong ngày này nhiều nhà 'đỏ lửa' làm bánh trôi bánh chay? Đó là thắc mắc của không ít người trẻ.

Bánh trôi bánh chay ngũ sắc đón tết hàn thực của người trẻ

hà ly

Vào ngày 1.4 (tức 1.3 âm lịch), không khí chuẩn bị đón tết hàn thực đã khá rộn ràng ở nhiều địa phương.

Tết hàn thực xuất phát từ đâu? Anh Dương Tiến Đoàn, nghiên cứu sinh ĐH Sư phạm Hà Bắc (Trung Quốc), cho biết: “Tại Trung Quốc, tết hàn thực được tính theo cách: sau ngày đông chí 105 ngày hoặc trước tiết thanh minh 1 - 2 ngày”.

“Ngày tết hàn thực của Trung Quốc xuất phát từ câu chuyện đời vua Tấn Văn Công thời Xuân Thu. Chàng trai Giới Tử Thôi có công giúp vua lấy lại được đất nước. Vua muốn mời Giới Tử Thôi làm quan nhưng Giới Tử Thôi và mẹ vào núi ở, không chịu ra làm quan. Vua nghĩ là đốt ngọn núi thì chàng trai này sẽ phải ra nhưng cuối cùng Giới Tử Thôi và mẹ chết cháy trong rừng chứ kiên quyết không ra để làm quan. Thương tiếc Giới Tử Thôi, nhà vua ban lệnh trong dân chúng trong 3 ngày không được nổi lửa nấu gì, chỉ ăn những món ăn lạnh. Sau này trở thành tết hàn thực - một lễ tiết trong dân gian”, anh Đoàn cho hay.

Theo anh Đoàn, hiện người dân Trung Quốc không cúng bái trong ngày này, nhưng ăn những món ăn truyền thống.

Tục lệ ăn tết hàn thực ảnh hưởng tới miền Bắc ở Việt Nam và một số cộng đồng người gốc Hoa trên thế giới. Nhiều địa phương ăn tết hàn thực vào ngày 3.3 âm lịch.

Người dân Hà Nội xếp hàng mua bánh trôi nước dịp tết hàn thực

dương lan

Ở Hà Nội, từ mùng 1.3 âm lịch, không khí đón tết hàn thực đã có thể cảm nhận rõ rệt ở các con hẻm và ngõ chợ. Bánh trôi, bánh chay được bày bán nhiều trong ngày này để khách có thể ăn ngay tại quán hoặc mua về cúng.

Bánh trôi được làm từ bột nếp, nhân đường phên (mật mía), luộc chín rồi vớt ra để nguội trên đĩa. Trong khi bánh chay cũng làm từ bột nếp nhưng nặn viên lớn hơn, bên trong có nhân đậu xanh, đường, cơm dừa. Bánh được thả trong nồi nước đường, gừng sóng sánh màu nâu cánh gián ăn vừa ngọt vừa thơm.

Trước và trong ngày tết hàn thực, nhiều tiệm cũng bán bột nếp đã nhồi sẵn, kèm đường phên được xắt hạt lựu, đậu xanh đã sên cùng cơm dừa và đường, phục vụ cho những người muốn tự tay nặn bánh trôi, bánh chay để nấu ở nhà.

Tới chợ Nghĩa Tân, chợ Hôm và phần lớn các chợ khác của Hà Nội trong ngày tết hàn thực đều thấy nhiều người mua bánh trôi bánh chay từ sáng tinh mơ ngày 3.3 âm lịch. Thậm chí, nhiều quán chè nổi tiếng với món bánh trôi, bánh chay như quán chè Mười Sáu (16 Ngô Thì Nhậm, Q.Hai Bà Trưng) thì người ta xếp hàng dài từ 6 giờ sáng để mua bánh mang về.

Bánh trôi bánh chay được biến tấu theo kiểu hiện đại của giới trẻ

hà ly

Những năm trở lại đây, giới trẻ có nhiều biến tấu cho món bánh trôi bánh chay trong ngày tết hàn thực, mọi người có xu hướng trộn bột nếp với nước ép của các loại rau củ quả để bánh trôi bánh chay có nhiều màu sắc bắt mắt hơn.

Nhiều người không biết tết hàn thực là gì

Song ngay ở miền Bắc, không phải địa phương nào cũng có ngày tết hàn thực. Còn trong nhiều cộng đồng người Hoa đang sinh sống ở khắp nơi khắp Việt Nam, không phải ai cũng biết ngày tết hàn thực và làm những món ăn lạnh.

Như nghiên cứu sinh Dương Tiến Đoàn cho hay quê anh ở Vĩnh Phúc, bà con nơi đây không ăn bánh trôi bánh chay trong ngày 3.3 âm lịch, cũng như không có ngày tết hàn thực.

Còn chị Lê Thị Thương (33 tuổi, trú hẻm 283 Bông Sao, P.5, Q.8, TP.HCM) sinh ra trong một gia đình gốc Hoa nhưng không đón tết hàn thực cũng như làm các món ăn nguội trong ngày 3.3 âm lịch. “Ông bà tôi cũng không nhắc tới tết hàn thực bao giờ, nên con cháu ít biết”, chị Thương nói.

Không phải nơi nào ở Việt Nam cũng ăn tết hàn thực với bánh trôi bánh chay

lÊ NHÀN

“Chúng tôi quan trọng ngày tiết thanh minh, năm nay sẽ diễn ra vào ngày 5.3 âm lịch. Ngày này, cả nhà chúng tôi sẽ về quê dọn mồ mả cho ông bà tổ tiên, thắp nhang, tưởng nhớ ông bà, cũng như cho con cháu hiểu biết hơn về cội nguồn của mình”, chị Thương chia sẻ.

Tại miền Trung, nhiều người trẻ cũng cho biết khái niệm “tết hàn thực” rất lạ. Chẳng hạn, khi được hỏi về ngày tết hàn thực mùng 3.3 âm lịch, Nguyễn Văn Quang (20 tuổi, sinh viên năm 3 Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế, TP.Huế) cho hay: “Đây là lần đầu tiên tôi nghe về tết hàn thực. Mọi người ở Huế không ăn hay cúng bánh trôi, bánh chay trong ngày này”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.