Vì sao sinh viên tìm hiểu về sức khỏe tình dục qua mạng xã hội?

03/11/2022 09:40 GMT+7

Khi giáo dục giới tính khó có thể được tiếp cận từ nhà trường, gia đình, học sinh và sinh viên có xu hướng tự tìm hiểu sức khỏe tình dục qua mạng xã hội để hiểu hơn về cơ thể và bảo vệ bản thân.

Khó tiếp cận từ gia đình, trường học

Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi tháng 4 công bố báo cáo cho thấy tỷ lệ người Việt Nam quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng lên so với trước đây, từ 1,48% năm 2013 lên 3,51% năm 2019.

Tuy nhiên, vấn đề giáo dục giới tính, cụ thể quan hệ tình dục an toàn cùng các biện pháp tránh thai, đến nay được xem là một chủ đề nhạy cảm, nhất là ở trong gia đình. “Bản thân mình cũng như những bạn đồng trang lứa rất ngại nếu muốn hỏi cha mẹ về những vấn đề này nên tự tìm hiểu qua các phương tiện khác”, Nguyễn Hoài Thùy Linh (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế-Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ.

Vì sao sinh viên tìm hiểu về sức khỏe tình dục qua mạng xã hội? - Ảnh 1.

Kênh She Talk chia sẻ kiến thức giáo dục giới tính qua video hoạt hình

NVCC

Còn theo Trần Bảo Hân (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM), lý do khiến các bạn trẻ hiện nay còn e dè trong việc tìm hiểu về vấn đề quan hệ tình dục an toàn được cho là bắt nguồn từ chuẩn mực của người lớn trong gia đình. “Chẳng hạn, trong một số gia đình, nếu con cái hỏi quá nhiều về chuyện quan hệ tình dục có tâm lý tội lỗi, lo ngại bị cha mẹ ông bà quở trách không lo học hành. Điều này góp phần dẫn đến nguy cơ bạn trẻ không được trang bị kiến thức đầy đủ để tự bảo vệ bản thân”, Bảo Hân tâm sự.

Thực tế cho thấy giáo dục giới tính, cụ thể là kiến thức về quan hệ tình dục an toàn, khó có thể được tiếp cận thông qua kênh giao tiếp trực tiếp ở gia đình, trường học. Do đó, mạng xã hội đã xuất hiện nhiều blog, kênh, diễn đàn có nội dung chia sẻ kiến thức về giáo dục giới tính.

Mạng ảo, kiến thức thật

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Sexuality Research and Social Policy, khoảng 84% thanh niên xem mạng xã hội là phương tiện thích hợp để tìm hiểu về sức khỏe tình dục, trong đó Facebook là nền tảng được ưa chuộng nhất. Chẳng hạn, Nguyễn Vũ Thùy Trang (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Văn Lang) chia sẻ cô cùng những người bạn đồng lứa thường lựa chọn tiếp cận kiến thức giáo dục giới tính qua các kênh chia sẻ nhiều câu chuyện và bài học thực tế trên mạng xã hội.

Theo Thùy Trang, các bài đăng về giáo dục giới tính trên mạng xã hội được đầu tư bắt mắt về mặt nội dung lẫn hình ảnh là một trong những lý do nhiều bạn trẻ tìm hiểu qua phương tiện này.

Tuy nhiên, nhiều thông tin trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng hoàn toàn. “Để có thể tìm kiếm được những kênh uy tín đòi hỏi cần có sự chắt lọc và vốn hiểu biết của các bạn trẻ. Điều này cho thấy việc giáo dục giới tính cần phải chú ý và tập trung từ sớm”, Phạm Lâm Trung Hiếu (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) chia sẻ.

Nam sinh viên cho rằng tiêu chí chọn kênh giáo dục giới tính uy tín đó là lượt tương tác, nội dung phong phú và nếu chủ kênh là người học về khối ngành y dược-sức khỏe, bác sĩ, tư vấn viên thì thông tin sẽ có độ kiểm chứng cao hơn.

Vì sao sinh viên tìm hiểu về sức khỏe tình dục qua mạng xã hội? - Ảnh 2.

Sinh viên tham gia hoạt động hướng dẫn sử dụng bao cao su trong chương trình Talkshow “Talkshow Gen Z hiện đại, không ngại chia sẻ bản thân”

Đoàn-Hội Ngữ văn Nga trường đh khoa học xã hội và nhân văn tp.hcm

Thiếu kiến thức về giới tính là thiệt thòi lớn cho bạn trẻ

Cuộc khảo sát cấp quốc gia của Úc năm 2019 từng chỉ ra rằng 15% nữ sinh viên và 48% nam sinh viên (độ tuổi 18-22) thậm chí chưa từng học hay tìm hiểu về vấn đề sinh sản, và gần 50% cả nam lẫn nữ sinh chưa tìm hiểu về các biện pháp tránh thai. Bên cạnh đó, cuộc khảo sát chỉ ra rằng tỷ lệ nữ sinh viên thường tự học kiến thức sức khỏe tình dục (thông qua bạn bè, mạng xã hội, phim khiêu dâm) cao gấp đôi so với nam sinh viên.

Ở Việt Nam, một số nghiên cứu tương tự cũng được thực hiện trên quy mô nhỏ nên không mang tính đại diện toàn quốc. Dù vậy, không ít các trang confessions (tạm gọi thay lời muốn nói) cùng diễn đàn sinh viên thường đăng tải những câu chuyện “lỡ dại” quan hệ tình dục không an toàn, lo ngại bị mang thai, không biết cách dùng thuốc tránh thai khẩn cấp hay bị bạn trai từ bỏ vì lỡ mang thai.

Điều này cho thấy sinh viên vẫn còn thiếu kiến thức về quan hệ tình dục an toàn. Chẳng hạn, Thu Huyền (20 tuổi), sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ đến khi học đại học, mới thật sự quan tâm đến vấn đề tình dục an toàn và tìm kiếm thông tin thông qua fanpage về giáo dục giới tính mạng xã hội.

Đứng trước các nhu cầu về giáo dục giới tính cho người trẻ, một số học giả trẻ tuổi trong và ngoài nước đã có những sáng kiến tận dụng mạng xã hội để làm kênh giáo dục hiệu quả. Trong số đó có chị Hà Phạm (31 tuổi), thành viên và đối tác của Diễn đàn giáo dục giới tính Anh (Sex Education Forum UK) đã sáng lập fanpage “She Talks”, với mong muốn chia sẻ những kiến thức ở nước ngoài cho bạn trẻ Việt Nam.

“She Talks” là một trong những kênh về giáo dục giới tính thông qua video hoạt hình cho các bạn trẻ từ 14 tuổi trên Facebook, kèm theo blog với chuyên mục "Hỏi nhẹ & Đáp khẽ" nhằm giúp giải đáp các thắc mắc về đời sống tình dục và giới tính nói chung.

Lý giải vì sao bạn trẻ thích dùng mạng xã hội để tìm hiểu về những chủ đề xoay quanh tình dục hay giới tính, chị Hà cho rằng nguyên nhân đến từ công tác giáo dục giới tính tại Việt Nam vẫn chưa thật sự được chú trọng. Cả người học lẫn người dạy chưa có tâm lý sẵn sàng để xem đây là một môn học công khai.

Theo chị Hà, một số website không rõ nguồn gốc đưa ra nhiều thông tin tiêu cực, gây hoang mang cho các bạn khi gặp phải sự cố. Chị Hà chia sẻ: “Việc thiếu kiến thức về giáo dục giới tính và tình dục là một thiệt thòi lớn của các bạn trẻ”

Vì sao sinh viên tìm hiểu về sức khỏe tình dục qua mạng xã hội? - Ảnh 3.

Chị Hà Phạm (ảnh) cho biết ở Anh, nam và nữ đều học giáo dục giới tính từ sớm và không chia lớp theo giới tính

NVCC

“Học về giới tính hay tình dục qua mạng xã hội vẫn tốt nếu như biết cách lựa chọn được những kênh thông tin phù hợp. Nhưng quan trọng hơn, nếu như các trường học có thể thiết kế chương trình học thú vị và phù hợp để các bạn hứng thú học như học các môn văn hóa, sẽ giúp bạn trẻ hiểu cơ thể mình hơn để tránh rủi ro không đáng có”, chị Hà tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.