Trên sao Hỏa, robot tự hành Trung Quốc sẽ làm gì?

15/05/2021 23:39 GMT+7

Trung Quốc đã phóng thành công tàu tự hành lên sao Hoả, trở thành nước thứ hai trong lịch sử nhân loại đưa thành công xe tự hành lên hành tinh đỏ này.

Hôm 15.5, xe tự hành Chúc Dung (Zhurong), được đặt tên theo một vị thần lửa trong thần thoại Trung Quốc, đã được thành công lên sao Hoả.
Địa điểm đáp theo đúng kế hoạch là đồng bằng Utopia Planitia, theo Tân Hoa Xã.
Robot tự hành Chúc Dung gồm 6 bánh, nặng khoảng 240 kg, chạy bằng năng lượng mặt trời, và được trang bị 6 dụng cụ khoa học. Từ một tàu đổ bộ, xe tự hành này sẽ bắt đầu triển khai một sứ mệnh không gian kéo dài 3 tháng nhằm tìm kiếm các dấu hiệu hoặc bằng chứng về sự sống cổ trên bề mặt sao Hoả. 

Robot tự hành Chúc Dung gồm 6 bánh, nặng khoảng 240 kg.

Chụp màn hình SciTechDaily

Tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 của Trung Quốc sẽ chuyển tiếp tín hiệu đến xe tự hành trong thời gian triển khai sứ mệnh, sau đó thực hiện một cuộc khảo sát toàn diện hành tinh này trong một năm sao Hoả (687 ngày). Tàu Thiên Vấn 1 đã dành ra 3 tháng quay quanh quỹ đạo sao Hoả để rà soát lại khu vực hạ cánh trước khi cho đổ bộ xe tự hành Chúc Dung lên bề mặt hành tinh này.
Tàu Thiên Vấn 1 đã được phóng lên bằng tên lửa Trường Chinh 5 từ Trung tâm phóng tàu Văn Xương, đảo Hải Nam (Trung Quốc) hôm 23.7.2020 và đã đến được quỹ đạo sao Hoả sau 7 tháng.
Thiên Vấn 1 đã gửi về một tấm ảnh chụp sao Hoả từ khoảng cách 1 triệu km so với trái đất.
Trước khi xe tự hành Chúc Dung đổ bộ, đội ngũ phát triển tàu Thiên Vấn 1 chia sẻ rằng con tàu này “sẽ đi vào quỹ đạo, thả khoang đáp đưa một xe tự hành xuống sao Hỏa, tất cả đều trong lần thử đầu tiên, và sẽ phối hợp quan sát với tàu quỹ đạo.”
“Chưa từng có sứ mệnh không gian nào được triển khai theo cách này,” theo nhóm nghiên cứu.

Tàu Thiên Vấn 1 đã được phóng lên bằng tên lửa Trường Chinh 5.

Chụp màn hình Global Times

Tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 là một trong 3 sứ mệnh sứ mệnh sao Hoả được triển khai vào mùa hè năm ngoái, cùng với tàu thám hiểm Perseverance của NASA đã đổ bộ xuống sao Hoả vào tháng 2 vừa rồi, và cùng thời điểm đó, tàu vũ trụ Hope của UAE cũng đã đi vào và quay quanh quỹ đạo sao Hoả.
Khác với Mỹ và Trung Quốc, tàu vũ trụ của UAE dự tính không đổ bộ lên bề mặt sao Hoả mà chỉ nghiên cứu hành tinh này từ quỹ đạo.
Cả ba sứ mệnh đều được triển khai cùng thời điểm do vị trí giữa trái đất và sao Hoả thẳng hàng ở cùng một phía với mặt trời, khiến cho hành trình du hành đến sao Hoả trở nên thuận lợi hơn.
Tàu Thiên Vấn 1 kỳ vọng sẽ thu thập được những thông tin quan trọng về mẫu đất của sao Hoả, cấu trúc địa chất, môi trường, khí quyển, và để tìm kiếm dấu hiệu tồn tại của nước.
Chương trình không gian đầy tham vọng của Trung Quốc đã gây xôn xao dư luận vào cuối tuần trước khi mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B đã rơi không kiểm soát xuống Ấn Độ Dương. Sau đó, NASA đã chỉ trích nước này đã thất bại trong việc “đáp ứng các tiêu chuẩn trách nhiệm liên quan đến mảnh vỡ vũ trụ.”
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.