WHO sẽ kiểm tra phòng thí nghiệm Vũ Hán, yêu cầu Trung Quốc minh bạch hơn trong nghiên cứu nguồn gốc Covid-19

18/07/2021 06:29 GMT+7

Trong cuộc họp kín với các nước thành viên hôm 16.7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus công bố 5 ưu tiên cho giai đoạn điều tra tiếp theo về nguồn gốc đại dịch Covid-19.

Trong số đó có ưu tiên “kiểm tra các phòng thí nghiệm và tổ chức nghiên cứu có liên quan hoạt động trong khu vực đã phát hiện các ca nhiễm trên người ban đầu vào tháng 12.2019”.
Ông Tedros cũng đề nghị các điều tra viên tập trung “nghiên cứu các khu vực địa lý ưu tiên có dấu hiệu cho thấy sự lây nhiễm sớm nhất của SARS-CoV-2”.
Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh sẽ yêu cầu Trung Quốc minh bạch hơn khi các nhà khoa học tìm kiếm nguồn gốc Covid-19. Ông cũng thừa nhận rằng còn quá sớm để loại trừ giả thuyết virus gây Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Viện virus học Vũ Hán là tâm điểm nghi ngờ của giả thuyết virus gây Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Reuters

Tổng giám đốc WHO cũng kêu gọi điều tra thêm các chợ động vật trong và xung quanh thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), nơi phát hiện những ca Covid-19 đầu tiên.
WHO đang đối mặt với sức ép nặng nề phải tiến hành điều tra mới, kỹ lưỡng hơn về căn bệnh đã khiến hơn 4 triệu người thiệt mạng trên toàn thế giới.
WHO chỉ có thể điều đội ngũ chuyên gia quốc tế, độc lập đến Vũ Hán vào tháng 1.2021 - hơn 1 năm sau khi Covid-19 lần đầu xuất hiện tại đây hồi cuối năm 2019 - để hỗ trợ các chuyên gia Trung Quốc điều tra nguồn gốc Covid-19.
Báo cáo chung của các chuyên gia này được công bố hồi cuối tháng 3.2021 nhưng không đưa ra kết luận chắc chắn về việc virus lây cho con người thế nào. Thay vào đó, báo cáo xếp hạng các giả thuyết. Giả thuyết có khả năng xảy ra nhất là virus gây Covid-19 lây nhiễm cho người từ dơi, qua một loài động vật trung gian. Còn giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm được đánh giá là “cực khó có khả năng xảy ra".

Một chuyên gia của WHO rời Vũ Hán khi kết thúc quá trình điều tra nguồn gốc Covid-19 giai đoạn 1 hồi đầu năm 2021.

Reuters

Cuộc điều tra này bị chỉ trích vì chưa đủ minh bạch và quyền tiếp cận dữ liệu, cũng như không đánh giá sâu về thuyết rò rỉ.
Ngày 15.7, ông Tedros cho rằng đã có nỗ lực thúc đẩy việc sớm loại trừ giả thuyết virus gây Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bác bỏ tuyên bố trên, nhấn mạnh kết luận điều tra hồi tháng 3.2021 rằng giả thuyết rò rỉ là “cực kì khó xảy ra" và cảnh báo “vấn đề này không nên bị chính trị hóa".
Ông Triệu cũng phủ nhận cáo buộc Trung Quốc không chia sẻ dữ liệu thô cần thiết trong giai đoạn điều tra ban đầu.
Trong tuyên bố ngày 16.7, ông Tedros đã cảm ơn Trung Quốc và nhiều quốc gia khác “đã nhắn nhủ tôi và tôi đồng ý rằng việc tìm kiếm nguồn gốc đại dịch là vấn đề khoa học, phải tránh xa khỏi chính trị".
“Chúng tôi hy vọng Trung Quốc ủng hộ giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, chia sẻ mọi dữ liệu liên quan với tinh thần minh bạch", Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh. Sau cuộc điều tra đầu tiên ở Trung Quốc, chính phủ nước này đã thúc đẩy tập trung nghiên cứu giai đoạn 2 ở nơi khác.

Tổng giám đốc WHO: "Còn sớm" để loại trừ khả năng virus Covid-19 "xổng" từ phòng thí nghiệm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.