Góp phần ổn định khu vực châu Á - Thái Bình DươngKể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao trở lại từ giữa thập niên 1990, quan hệ Việt - Mỹ ngày càng tốt hơn. Hai nước cùng chia sẻ nhiều lợi ích chung như các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, an ninh… và bao gồm cả lợi ích chung của người dân hai bên.
Quan hệ hợp tác Việt - Mỹ không chỉ tốt cho hai nước mà còn đem lại lợi ích chung cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương, luôn có lợi ích ngoại giao, kinh tế và an ninh mạnh mẽ ở khu vực này.
Quan hệ Việt - Mỹ tốt sẽ góp phần ổn định khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó được thúc đẩy thông qua các sáng kiến và cơ hội ngoại giao nhất quán, mở rộng cơ hội thương mại song phương, thắt chặt quan hệ hợp tác quân sự, thấu hiểu lợi ích lẫn nhau, tăng cường phối hợp ở các lĩnh vực giáo dục, giới trẻ… cũng như sự tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng lợi ích chung ở châu Á - Thái Bình Dương.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel
(Cựu binh Mỹ tại Việt Nam từ năm 1967 - 1968)
|
Không còn nhìn nhau qua lăng kính ý thức hệQuan hệ Việt - Mỹ trong những năm qua càng ngày càng phát triển, đặc biệt là trong lãnh vực an ninh ở khu vực Biển Đông. Việt Nam là nước có bờ biển dài nhất trong khu vực Biển Đông, nên những thách thức và đe dọa trong khu vực này đều ảnh hưởng Việt Nam nhiều hơn những nước ven biển khác. Mặt khác, khu vực Biển Đông cực kỳ quan trọng đối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở châu Á cũng như ở các nơi khác trong các lĩnh vực an ninh, chuyên chở hàng hóa, phát triển kinh tế… Vì thế, Mỹ cần có sự hợp tác của Việt Nam để cùng nhau bảo vệ lợi ích chung. Cho nên, quan hệ Việt - Mỹ sẽ được tiếp tục củng cố trong thời gian tới.
Ngoài vấn đề lợi ích chung trong lĩnh vực an ninh cho toàn khu vực như vừa đề cập ở trên, thì hai nước cũng đã hiểu nhau hơn qua chiến tranh và sự hy sinh của cả hai phía. Việt Nam và Mỹ không còn nhìn nhau qua lăng kính ý thức hệ nữa.
Quan hệ tốt giữa Việt Nam và Mỹ sẽ giúp bảo vệ an ninh trong khu vực. Thiếu an ninh thì sẽ không thể phát triển tốt kinh tế và tài nguyên của khu vực được. Một ví dụ là vấn đề thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông của Việt Nam và Malaysia trong những năm gần đây đã không phát triển được vì bị Trung Quốc quấy nhiễu. Quan hệ Việt - Mỹ nếu càng thắt chặt hơn sẽ càng nâng cao sự tin cậy của các nước trong khu vực đối với Mỹ.
GS Ngô Vĩnh Long
(Chuyên ngành sử học Đông Á, Đại học Maine, Mỹ) |
Cùng ứng phó các thách thức trong khu vựcTrước tiên, có thể khẳng định quan hệ Việt - Mỹ đang rất tốt và sẽ còn tốt hơn nữa. Thế hệ người Mỹ liên quan cuộc chiến cách đây 45 năm dần không còn. Thế hệ sau thì ngày càng có nhiều người làm việc với Việt Nam và có cảm nhận rất tích cực về Việt Nam. Vì thế, về cơ bản thái độ của số đông người Mỹ là có thiện cảm với Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng người Mỹ làm việc với Việt Nam cần phải tăng nữa để có thể tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Bên cạnh đó, số lượt người Mỹ đến Việt Nam ngày càng nhiều nhưng vẫn chưa cao nếu tính trên tổng dân số Mỹ. Từ tiềm năng này, Việt Nam có thể phát triển trở thành điểm đến cho người Mỹ, nhất là khi số đông dân Mỹ không thích du lịch đến Trung Quốc.
Về kinh doanh thì nhiều tập đoàn của Mỹ đang rút dần chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Đây cũng chính là cơ hội mới để hai bên hợp tác, Việt Nam có thể thu hút các doanh nghiệp Mỹ đến đặt nhà máy, đầu tư…
Về quan hệ an ninh - chính trị, Washington đang theo đuổi chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để ứng phó các thách thức mới trong khu vực, cụ thể là sự trỗi dậy của Trung Quốc kèm theo các hành vi đáng quan ngại. Việt Nam và Mỹ có thể tăng cường hợp tác để nâng cao quan hệ này.
TS John Hamre
(Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ) |
Kiến tạo sự tin tưởngThời gian đầu tăng cường quan hệ, Việt Nam và Mỹ đã kiến tạo sự tin tưởng lẫn nhau bằng cách cùng phối hợp xử lý các di sản từ thời chiến tranh như cùng tìm kiếm lính Mỹ mất tích, rà phá bom mìn… Ngày nay, hai nước tiến đến hợp tác sâu rộng về kinh tế, quan hệ quân sự cũng được thắt chặt. Hợp tác Việt - Mỹ góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương. Năm nay, ưu thế đó còn có thể phát huy mạnh hơn khi Việt Nam là chủ tịch luân phiên của ASEAN. Hai bên có thể tham vấn để cùng nhau giải quyết vấn đề Biển Đông trước các hành vi đáng quan ngại.
Ông Murray Hiebert
(Chuyên gia về Đông Nam Á tại CSIS, cựu nhà báo có nhiều năm theo dõi tình hình Đông Dương) |
Bình luận (0)