Việt Nam học cách thu thêm tiền như tác giả Trò chơi con mực

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
11/11/2022 07:20 GMT+7

Nếu bộ phim Trò chơi con mực kiếm được doanh thu lớn hơn dự kiến sau 10 năm phim được phát thì người sáng tạo nội dung có thể yêu cầu thêm tiền.

Phí bồi thường bổ sung

Phí bồi thường bổ sung là nội dung pháp lý được bổ sung vào luật bản quyền của Hàn Quốc vào tháng 1.2021. Theo đó, tác giả của tác phẩm có thể yêu cầu phí bồi thường bổ sung đối với tác phẩm đã bán. Thông tin này được đưa ra tại Diễn đàn bản quyền VN - Hàn Quốc ngày 9.11 tại Hà Nội. Tại đây, phía Hàn Quốc chia sẻ nhiều kinh nghiệm về bản quyền, đặc biệt là trong tình hình khai thác bản quyền nội dung sáng tạo ngày càng đa dạng với sự tham gia của đa nền tảng cũng như siêu trí tuệ.

Đồ thể thao xanh lá cùng nhiều trang phục, phụ kiện khác liên quan đến phim Trò chơi con mực được các cơ sở ở Trung Quốc hối hả sản xuất để phục vụ nhu cầu của khán giả quốc tế

TL

Bà Kim So-jung (Phòng Hợp tác thương mại và văn hóa, Bộ VH-TT-DL Hàn Quốc) cho biết phí bồi thường bổ sung này được quy định để các nhà sáng tạo gốc đỡ thiệt thòi. Cụ thể là nhằm bảo vệ quyền của nhà sáng tạo gốc đã chuyển quyền sở hữu tác phẩm, do không dự kiến trước được phần thu nhập hoặc lợi nhuận phát sinh nhiều hơn. Khi đó, 10 năm sau kể từ khi chuyển quyền sở hữu tác phẩm, nhà sáng tạo gốc có thể yêu cầu chủ mới bổ sung tiền từ khai thác tác phẩm đó.

Có thể lấy ví dụ người sáng tạo nội dung bộ phim Trò chơi con mực với một giá nhất định, tuy nhiên Netflix lại thu được rất nhiều tiền từ bộ phim này khi trình chiếu và bán sản phẩm liên quan, nhiều hơn dự kiến lúc mua bán ban đầu rất nhiều. Khi đó, người sáng tạo có thể yêu cầu bổ sung thêm tiền sau 10 năm. Một bức tranh của họa sĩ ban đầu bán giá bình thường, tuy nhiên khi thị trường thay đổi và giá tranh lên rất cao, kèm theo việc khai thác các sản phẩm từ tranh đó, thì họa sĩ có thể yêu cầu bồi thường sau 10 năm bán. “Trò chơi con mực đã chuyển cho Netflix, phim vẫn phát sóng, vẫn thu nhiều lợi nhuận thì sẽ vẫn thu bổ sung, nó nằm ngoài nội dung hợp đồng”, GS Jin Keun-jeong (Trường đại học Gangwon) biết tại hội thảo.

Theo một chuyên gia, nếu VN có điều luật này thì có thể giải quyết được nhiều vụ việc. Chẳng hạn, nhiều nhạc sĩ đã bán bản quyền toàn bộ tác phẩm của mình cho đơn vị khai thác với giá rẻ. Sau đó vài năm, khi phát hiện tác quyền âm nhạc của mình rất cao thì đã muộn rồi. Nếu VN có quy định giống Hàn Quốc, sau 10 năm bán cả “gói” tác phẩm, nhạc sĩ có thể đưa ra yêu cầu bồi thường bổ sung.

Hành lang cho AI, cho thu tiền và miễn phí

GS Jin Keun-jeong cũng cho biết Hàn Quốc có luật bản quyền từ rất sớm. Lúc đầu nhiều người lo lắng nếu luật chặt chẽ sẽ gây khó cho việc truyền bá văn hóa phẩm ra nước ngoài vì tất cả sẽ chỉ tập trung vào việc trả phí. Nhưng sau 20 năm, mọi người nhận thấy luật giúp bảo vệ tác giả sáng tạo và không hề bó hẹp sự lan rộng của tác phẩm. GS Jin Keun-jeong còn cho rằng phạt vi phạm bản quyền càng nặng càng giúp phát triển sáng tạo.

Theo các chuyên gia, ở Hàn Quốc cũng như ở VN, khi internet cũng như khoa học kỹ thuật phát triển sẽ khiến nảy sinh các vấn đề bản quyền đa dạng và cách tiếp cận giải quyết cũng cần phải tính toán hơn. Ở Hàn Quốc, đã có nhiều tác phẩm do trí tuệ nhân tạo (AI) sáng tác. “Luật áp dụng với con người, thế thì vấn đề trí tuệ nhân tạo xử lý thế nào? Nếu AI hỗ trợ phát triển giúp con người tạo ra tác phẩm thì cũng phải cho AI quyền sở hữu trí tuệ. AI cũng trở thành đối tượng nằm trong chính sách luật này. Chúng tôi cũng có án lệ về quyền sở hữu của AI với tác phẩm văn học nghệ thuật”, GS Jin Keun-jeong nói.

GS người Hàn Quốc lấy ví dụ để thấy bổ sung thêm luật liên quan vô cùng quan trọng với bản quyền. Tại Hàn Quốc, nơi ca sĩ không chỉ biểu diễn tại chỗ mà còn biểu diễn trên những nền tảng ảo thì bản quyền của những chương trình nửa thực nửa ảo đó được tính toán thế nào? “Chúng ta cũng có vấn đề siêu trí tuệ, siêu kết nối, siêu hội tụ. Hàn Quốc là một trong những quốc gia có thế mạnh IT, đây là vấn đề đau đầu cho quản lý bản quyền. Đó không phải vấn đề riêng của Hàn Quốc”, GS Jin Keun-jeong nói.

Một kinh nghiệm được bà Kim So-jung đưa ra là liên tục tổ chức tuyên truyền về vi phạm bản quyền cho người trẻ trong điều kiện ngày càng nhiều vụ vi phạm bản quyền xuyên biên giới, các vi phạm ngày càng thông minh hơn. Các chương trình này thậm chí còn được đưa vào từ bậc tiểu học.

Bên cạnh việc “siết”, nhà quản lý Hàn Quốc cũng quan tâm đến vấn đề “mở”. Bà Kim So-jung cho biết nước này đã thiết lập các kho dữ liệu miễn phí để người cần có thể sử dụng được. Họ cũng chủ động mở rộng phạm vi sử dụng tác phẩm có bản quyền là sách vở dùng trong giảng dạy, cung cấp nội dung giáo dục dành cho đào tạo trực tuyến (hình ảnh, nguồn âm thanh, phông chữ…). Đây cũng là điều VN có thể chủ động áp dụng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.