Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về hợp tác sắp tới của Việt Nam và ADB, đặc biệt sau một giai đoạn khá khó khăn trong giải ngân vì vướng trần nợ công, Chủ tịch ADB cho biết: Việt Nam vẫn là một khách hàng rất quan trọng với định chế tài chính này.
“Tôi thường xuyên có trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hiện có vướng mắc từ trần nợ công 65% GDP mà Quốc hội Việt Nam đã ấn định, bao gồm cả vay trong nước và vay nước ngoài; nhưng với tốc độ phát triển của kinh tế của Việt Nam hiện nay thì vẫn còn dư địa cho các khoản vay, và chúng tôi rất vui được tiếp tục hỗ trợ tích cực cho Việt Nam”, ông Takehiko Nakao nói.
Cũng theo ông Nakao, dù Việt Nam đã tốt nghiệp vay ưu đãi và chuyển sang vay thương mại, nhưng tỷ lệ các khoản vay thương mại vẫn thấp so với vay ưu đãi. ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng, vận tải, hạ tầng...
Chia sẻ về những bài học phát triển mà Việt Nam và Fiji - quốc gia chủ nhà của Hội nghị thường niên năm nay, có thể học hỏi lẫn nhau, dù có khoảng cách rất xa xôi, ông Naoko cho biết Fiji là quốc gia có 40% GDP đến từ du lịch. Việt Nam cũng thu hút một lượng du khách rất lớn, cả trong nước và quốc tế. Do đó, làm sao để phát triển một ngành công nghiệp du lịch bền vững, thân thiện với môi trường là một việc rất quan trọng mà hai bên có thể chia sẻ lẫn nhau.
|
Theo báo cáo mới nhất từ ADB, cho đến hết 2018, các khoản vay của Việt Nam với ADB (bao gồm cả vay ưu đãi, vay thương mại, viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật) là khoảng 16,7 tỉ USD, với tổng cộng 544 dự án.
Trong số này, chiếm phần lớn nhất là các dự án về giao thông (hơn 5,68 tỉ USD, 34% tổng số khoản vay).
Riêng năm 2018, tổng số vốn cam kết, giải ngân và hỗ trợ kỹ thuật là 881,8 triệu USD.
Từ 2007 - 2018, thông qua đánh giá độc lập 44 dự án, ADB tính toán tỷ lệ thành công của các dự án ở Việt Nam là 79,5%, trong đó năm có tỷ lệ thành công thấp nhất là 2013 với 50% dự án thành công (qua đánh giá 4 dự án của năm này).
Nhận định về thách thức trong hợp tác giữa 2 bên, ADB cho biết, trần nợ công tiếp tục ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án của ADB tại Việt Nam. Ngoài ra, thách thức khác bao gồm các thủ tục kéo dài và phức tạp của Chính phủ trong quá trình thực hiện dự án.
Để giải quyết vấn đề này, ADB và thành viên của nhóm 6 ngân hàng đang khuyến khích các nhà lập pháp và chính phủ tăng cường lập kế hoạch đầu tư trung hạn, hài hòa phân bổ ngân sách hỗ trợ phát triển chính thức với nhu cầu giải ngân, tăng cường năng lực mua sắm và bảo vệ sự tuân thủ.
ADB đang hợp tác với các đối tác để thúc đẩy sử dụng rộng rãi hệ thống mua sắm điện tử của chính phủ, bao gồm cả các công trình và hàng hóa được tài trợ bởi ADB. Bên cạnh đó, định chế tài chính này cũng đang hợp tác với chính phủ và các đối tác phát triển để huy động tài trợ cho việc chuẩn bị thiết kế kỹ thuật chi tiết sớm trong chu kỳ dự án để tăng cường sự sẵn sàng.
|
Chiến lược hợp tác quốc gia của ADB với Việt Nam (CPS) giai đoạn 2016-2020 đặt nền tảng là thúc đẩy tạo việc làm và khả năng cạnh tranh, tăng tính toàn diện của cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ, và cải thiện tính bền vững của môi trường và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Các ưu tiên của CPS được liên kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ trong giai đoạn này, phù hợp với các ưu tiên hoạt động trong Chiến lược năm 2030 của ADB.
Với việc từ 1.1.2019, Việt Nam sẽ phải vay thương mại với lãi suất cao hơn, ADB cho biết sẽ giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống cốt lõi mới của các dự án có mức độ đổi mới, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn; xây dựng các cơ chế khuyến khích đồng tài trợ vốn cho dự án với sự tham gia của khu vực tư nhân.
Bên cạnh đó, ADB cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ các biện pháp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu để đối phó với các rủi ro môi trường ngày càng cao mà Việt Nam phải đối mặt.
Bình luận (0)