Việt Nam trên truyền hình quốc tế: Không chỉ có bánh mì, bún chả...

Ngọc An
Ngọc An
26/03/2020 08:00 GMT+7

Hình ảnh ở một quán cà phê nằm gần sông Sài Gòn (tại TP.HCM) đã mở đầu cho đoạn phim về ngành công nghiệp cà phê ở Việt Nam vừa được phát sóng trên kênh truyền hình CNN Worldwide.

Máy quay cận cảnh vào cốc cà phê đặc sánh, bên cạnh là chủ quán đang chăm chú pha chế. Những câu chuyện về cà phê Việt dần được chia sẻ. Theo đó, cây cà phê đầu tiên được trồng tại Việt Nam do người Pháp mang sang vào khoảng những năm 1850. Đến giờ, cà phê không chỉ trở thành thức uống phổ biến mà còn là nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam. Hơn thế, cà phê đã trở thành ngành công nghiệp đầy năng động, sáng tạo tại Việt Nam - quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Brazil. Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê quốc tế (The International Coffee Organization), mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu trung bình khoảng 25 triệu bao cà phê (60 kg/bao), giá trị ước khoảng 3 tỉ USD.

Diễn giả nổi tiếng người Úc gốc Việt Jordan Nguyễn trong lần ghi hình cho bộ phim tài liệu Vietnam: Connecting East Africa tại Hà Nội

Ảnh: ĐPCC

Đoạn phim khoảng 4 phút, nằm trong chương trình Growing Vietnam (tạm dịch: Việt Nam ngày càng lớn mạnh), dài 30 phút. Cùng với câu chuyện của ngành công nghiệp cà phê, chương trình Growing Vietnam cũng đề cập đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin với chủ đề “thung lũng Silicon” của Việt Nam. Trong đó, xoay quanh câu chuyện về những doanh nhân trẻ người Việt đang xây dựng hệ sinh thái công nghệ đầy năng động trên khắp đất nước bằng cách khai thác nguồn nhân lực tài năng và lành nghề, cũng như sự phát triển của internet và sự phổ biến của việc sử dụng điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, chương trình còn đề cập đến những câu chuyện về sự bùng nổ của ngành mỹ phẩm, hay hy vọng về sự phát triển của ngành thời trang bền vững tại Việt Nam…
Cùng với chương trình này, hơn 1 năm trước, bộ phim tài liệu Vietnam: Connecting East Africa (tạm dịch: Cách người Việt Nam thay đổi viễn thông tại Đông Phi) dài khoảng 24 phút đã được phát sóng trên kênh Discovery East Africa và kênh Discovery Southeast Asia. Bộ phim khiến khán giả thế giới hiểu về vai trò của Việt Nam trong việc “cách mạng hóa” viễn thông ở khu vực Đông Phi với các ứng dụng trên nền tảng 3G, 4G, cũng như kết nối những quốc gia phát triển trên thế giới với nhau. Đoàn phim gồm những thành viên từ kênh Discovery và nhà sản xuất Việt Nam, thực hiện bộ phim trong suốt 2 năm, trong đó riêng 1 năm để ghi hình tại Việt Nam và châu Phi.

Góc nhìn mới về Việt Nam

Nhiều chương trình, phim tài liệu khám phá ẩm thực, văn hóa, những điểm đến du lịch… của Việt Nam đã được thực hiện và trình chiếu trên nhiều kênh truyền hình của thế giới, trong đó, có thể kể đến chương trình My Hanoi (CNN), những chương trình về ẩm thực của Bobby Chinn như Bobby Chinn cooks Asia, TLC, Restaurant Bobby Chinn... (Discovery), chuỗi chương trình Luke Nguyen’s Vietnam (SBS của Úc, Good Food của Anh)... Chương trình Growing Vietnam, hay bộ phim tài liệu Vietnam: Connecting East Africa lại cho thấy những góc nhìn mới của nhà sản xuất quốc tế về Việt Nam, đó là sự phát triển kinh tế ở đa dạng các lĩnh vực, từ ngành công nghiệp cà phê đến công nghệ thông tin, viễn thông, mỹ phẩm, thời trang…
Theo thông tin từ kênh truyền hình CNN, việc sản xuất chương trình Growing Vietnam là cách “CNN khám phá quốc gia Đông Nam Á này trong quá trình biến đổi và chào đón kỷ nguyên mới của sự phát triển kinh tế nhanh chóng”. Còn theo ê kíp sản xuất bộ phim tài liệu Vietnam: Connecting East Africa, kênh Discovery thấy hứng thú và muốn thực hiện một bộ phim tài liệu về sự phát triển viễn thông tại Việt Nam. “Chúng tôi muốn đem đến những lăng kính khác về Việt Nam với sự phát triển của kinh tế, ngành viễn thông, cũng như cách mà ngành công nghiệp này đang ngày càng đi lên ở những quốc gia phát triển, trong đó có Việt Nam”, ông Vikram Channa, đại diện nhà sản xuất bộ phim Vietnam: Connecting East Africa của Discovery, cho hay.
Những kênh truyền hình quốc tế luôn tìm kiếm những góc nhìn mới cho các chương trình, phim tài liệu vừa phục vụ nhu cầu giải trí, nhưng cũng vừa truyền tải thông tin mà khán giả của mình đang có nhu cầu. Ông Vikram Channa nhìn nhận kênh Discovery trong khoảng thời gian dài trước đây và tiếp tục sau này sẽ vẫn quan tâm nhiều đến những chương trình về ẩm thực, văn hóa, du lịch… của Việt Nam. Tuy nhiên, việc có ý tưởng mới cho những chương trình, bộ phim tài liệu về Việt Nam luôn là cần thiết và được khuyến khích. “Đó là sự phát triển tự nhiên, những sản phẩm truyền hình cần có những góc nhìn đa dạng. Trong đó, có thể thấy Việt Nam đang thay đổi mạnh mẽ về kinh tế, công nghệ, viễn thông… Bởi vậy, những nhà sản xuất truyền hình thế giới dành sự quan tâm, thay đổi phong cách, hay góc nhìn vào việc sản xuất những nội dung như thế này là hoàn toàn dễ hiểu”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.