Vietnam Airlines xin cơ chế đặc biệt để duy trì niêm yết cổ phiếu trên HOSE

Mai Phương
Mai Phương
27/09/2021 19:58 GMT+7

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) kiến nghị được xét duy trì niêm yết trong trường hợp có thể âm vốn chủ sở hữu.

Lỗ lũy kế hơn 17.772 tỉ đồng

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa gửi kiến nghị tới Thủ tướng tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ngày 26.9 cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong giai đoạn ngắn có thể âm vốn chủ sở hữu. Theo quy định hiện hành tại Khoản 1, Điều 120, Nghị định 155/2020, cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc nếu có kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục; tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp; vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. Thực tế 6 tháng đầu năm 2021, Vietnam Airlines lỗ ròng hợp nhất 8.421 tỉ đồng. Tổng cộng số lỗ lũy kế đến hết ngày 30.6.2021 của hãng hàng không quốc gia này là 17.772 tỉ đồng. Điều này khiến Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỉ đồng. Vietnam Airlines giải thích chỉ riêng quý 2.2021 vừa qua, công ty bị lỗ hợp nhất hơn 4.528 tỉ đồng, nhiều hơn con số lỗ hơn 3.000 tỉ đồng của quý 2.2020. Nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không toàn cầu, trong đó có Vietnam Airlines. Tổng doanh thu và thu nhập khác trong quý 2 vừa qua giảm 26,5% so với quý 2.2020, tương ứng giảm hơn 1.635 tỉ đồng. Ngoài ra, còn do lợi nhuận sau thuế của các công ty con liên quan đến cung cấp dịch vụ hàng không như Vaeco, Nasco... cũng giảm mạnh. 
Mới đây, Vietnam Airlines đã tiến hành tăng vốn lên 22.182 tỉ đồng thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại hàng không Việt Nam vẫn đang gần như tê liệt do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam và chắc chắn hết tháng 9 số lỗ này còn có thể tăng thêm.
Dù kết quả kinh doanh sụt giảm từ năm 2020 đến nay nhưng theo đà hồi phục của thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay và đạt đỉnh ở gần 34.000 đồng vào đầu tháng 4 vừa qua, cao gấp đôi so với mức đáy vào giữa năm 2020. Đến hết ngày 17.9, cổ phiếu HVN của hãng hàng không quốc gia này chốt ở mức 25.550 đồng/cổ phiếu, giảm gần 10% so với đầu năm nay. 

 Có nên tạo ra trường hợp ngoại lệ ?

Theo quy định hiện hành đối với các cổ phiếu niêm yết trên HOSE, khi số lỗ lũy kế vượt vốn chủ sở hữu thì sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Sau đó, cổ phiếu bị hủy niêm yết trên HOSE có thể đăng ký  giao dịch trên UPCoM. Như vậy việc Vietnam Airlines xin được xem là trường hợp ngoại lệ để vẫn niêm yết cổ phiếu HVN trên HOSE trong thời gian tới có được hay không?

Cổ phiếu Vietnam Airlines có nguy cơ bị hủy niêm yết trên HOSE

Đào Ngọc Thạch

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân - Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam - cho rằng Vietnam Airlines là một doanh nghiệp đặc biệt vì Chính phủ vẫn đang sở hữu trên 80% vốn điều lệ. Do đó sẽ không có chuyện hãng hàng không quốc gia bị phá sản dù số lỗ lũy kế lớn hơn vốn chủ sở hữu như các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, việc bị lỗ liên tục của công ty cũng do đại dịch Covid-19 là một nguyên nhân khách quan mà không doanh nghiệp nào dự báo trước được. Vì vậy cũng có thể xem xét đây là trường hợp ngoại lệ để tiếp tục cho phép cổ phiếu HVN vẫn niêm yết trên HOSE. Khi kinh tế hồi phục trở lại thì hãng hàng không quốc gia cũng sẽ nhanh khắc phục việc thua lỗ này. Ngoài ra theo ông Nguyễn Thế Minh, nếu cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết thì bắt buộc nhiều quỹ đầu tư hiện nay sẽ phải thoái vốn khỏi cổ phiếu này do quy định của quỹ chỉ đầu tư vào doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn HOSE. Khi cổ phiếu HVN chuyển lên giao dịch trên UPCoM thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng huy động vốn, phát hành trái phiếu của hãng hàng không quốc gia... 
Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Vietnam Airlines là một doanh nghiệp đặc biệt và đang chịu tác động trực tiếp từ đại dịch Covid-19. Khi kinh tế được mở cửa, các đường bay nội địa bắt đầu hoạt động trở lại thì Vietnam Airlines cũng sẽ có sự phục hồi nhanh. Nhưng không vì thế mà tạo ra ngoại lệ hay trường hợp đặc biệt trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết bắt buộc, chuyển sang UPCoM và một thời gian sau khi doanh nghiệp có lãi trở lại thì lại chuyển sang HOSE là bình thường. "Tôi cho rằng cứ để thị trường vận hành bình thường. Nhiều nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu của Vietnam Airlines vẫn biết giá trị vô hình của thương hiệu này và sẽ không dễ bán tháo dù cổ phiếu chuyển sang UPCoM. Trên sàn UPCoM vẫn có nhiều doanh nghiệp lớn đang giao dịch nên cổ phiếu HVN chuyển sang đó cũng không phải là việc quá lớn hay ảnh hưởng nhiều đến thương hiệu này. Còn nếu Chính phủ lại tạo ra một quy định ngoại lệ cho riêng Vietnam Airlines sẽ khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá không tốt cả về thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và Vietnam Airlines nói riêng vì có sự can thiệp sâu của nhà nước", chuyên gia Đinh Thế Hiển phân tích thêm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.