Những nàng dâu Việt khắp thế giới
Một mâm toàn những đặc sản của Việt Nam như xoài xanh, mít khô, me ngâm, chuối khô, bánh tét… được nàng dâu Việt Phạm Thị Kiều Tiên bày ra, dành đãi bố mẹ chồng người Hàn Quốc. Tập vlog này của cô đã thu hút hơn 175.000 lượt xem sau gần 3 ngày phát trên kênh YouTube Yewon TV. Nàng dâu Việt Ngô Thị Ngoan cùng chồng mà cô hay gọi là “anh Soo” thích thú ăn rau luộc chấm kho quẹt. Hôm trước, chị còn đãi chồng ăn món bún bò Huế. Khán giả có thể theo dõi cuộc sống hằng ngày của gia đình chị Ngoan trên kênh YouTube Heesun Family Cuộc sống Hàn Quốc.
Kim Toàn trong tập vlog khám phá đấu trường La Mã tại Arles, Pháp |
Ngoan và Tiên là hai trong số nhiều nàng dâu Việt tại Hàn Quốc làm vlog và có lượng khán giả theo dõi đông đảo. Trên kênh của mình, họ ghi lại những sinh hoạt hằng ngày của gia đình nhỏ với chồng, các con và người thân trong gia đình chồng. Đó là những bữa ăn Việt - Hàn, khoảng thời gian gia đình quây quần xem trận bóng đá của đội tuyển Việt Nam, cùng nhau trò chuyện về sự kiện thời sự của Việt Nam theo dõi qua báo đài… Không chỉ vậy, cuộc sống của nhiều người Việt ở xứ sở kim chi cũng hiện lên thật gần gũi. Đó là những bà chủ quán ăn người Việt mến khách, những cô gái ở những vùng quê Việt nay trở thành bà chủ miệt vườn với toàn trái cây đưa từ Việt Nam sang đất Hàn, hay những buổi làm việc của người Việt xa xứ sang xuất khẩu lao động…
Nhiều vlog của những nàng dâu Việt ở khắp nơi trên thế giới như Mỹ, Đức, Úc, Pháp, Phần Lan… ngày càng thu hút lượng lớn người xem trên YouTube. Nhiều người thích thú khi mẹ chồng của Cúc, chủ nhân kênh vlog The Long Family, mê món bánh tráng nướng của con dâu. Gia đình chồng Cúc luôn mong được trở lại Việt Nam để thăm thú cảnh đẹp hay thưởng thức các món ăn Việt. Những câu chuyện tưởng chừng như nhỏ bé trong gia đình đa văn hóa của Cúc có sức lan tỏa lớn về giá trị gia đình.
Trong thế giới vlog, người xem có thể khám phá cuộc sống của những người Việt trẻ đang học tập và làm việc tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Chẳng hạn, chủ nhân của kênh YouTube Diệp Minh hiện đang sống và làm việc tại Paris (Pháp) mang đến những khoảnh khắc thú vị trong cuộc sống với những chuyến hành trình trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, đất nước, con người châu Âu; những buổi làm việc vui vẻ cùng các đồng nghiệp nước ngoài, những chia sẻ về quan điểm cuộc sống của riêng cô… Hay qua kênh Nước Pháp có gì hay? của Tỏn Tỏn (Kim Toàn, hiện ở làng Viuz en Sallaz, Haute Savoie, thuộc miền đông nam nước Pháp), cuộc sống từ thôn quê nước Pháp nơi cô sinh sống đến nét đẹp đời sống, văn hóa ở các vùng miền cô đến… đã được nàng dâu Việt này (vốn là nhà báo tại Việt Nam) chia sẻ, kể lại thật thu hút, lý thú (có tập lên triệu view, như Cuộc sống thôn quê Pháp ra sao?). Qua những câu chuyện mà kênh này mang đến (Vì sao thôn quê ở Pháp sạch đẹp; Ở Pháp, trái cây chín đầy đường, đừng hái; Giao tiếp với người Pháp: Những điều lưu ý; Bao nhiêu tiền thì mua được nhà ở làng mình; Gặp tỉ phú cherry người Việt tại Pháp…), có thể thấy vlog rất đa dạng đề tài, phong phú thông tin, hữu ích và được chuyển tải thật dễ chịu, nhiều cảm xúc với giọng nói được đa số người xem khen “có sức hút”, thậm chí nhiều người cho biết họ để dành kênh YouTube này nghe, xem trước khi đi ngủ, để đi vào giấc ngủ một cách bình an…
Phạm Thị Kiều Tiên đãi bố mẹ chồng Hàn Quốc đặc sản Việt Nam |
Cắt từ vlog |
Chiếc cầu kết nối văn hóa
Như chia sẻ của Kim Toàn, kênh của cô hướng đến chủ đề văn hóa hơn là đi vào khai thác đời sống cá nhân. “Cũng có những chủ đề thông qua đời sống cá nhân, tôi thể hiện văn hóa và lối sống của người Pháp”, cô nói. Sau 2 năm làm kênh Nước Pháp có gì hay?, khi đã cởi mở hơn với cuộc sống tại Pháp, cô vừa lập thêm kênh Tonton in France - Cuộc sống miền núi nước Pháp, kể những câu chuyện thường ngày nhưng cũng không khai thác sâu chuyện gia đình, bản thân hay chồng con…
Đáng nói, kênh Nước Pháp có gì hay? vừa được hỗ trợ để có bản phụ đề tiếng Anh đầu tiên vào cuối tháng 12.2021. Theo Kim Toàn: “Bản dịch chuẩn ngôn ngữ Anh - Mỹ được thực hiện bởi một người Việt có trình độ, trưởng thành, sinh sống và làm việc tại Mỹ hơn 40 năm. Ngoài ra, kênh của mình còn nhận được sự tình nguyện dịch phụ đề từ một khán giả khác đang là giáo viên dạy tiếng Anh và tiếng Pháp tại Việt Nam. Bạn ấy đã dịch giúp mình các video du lịch từ nửa năm nay. Hy vọng sẽ sớm đưa lên làm phụ đề để phục vụ khán giả trong thời gian gần nhất”.
“Sự phát triển công nghệ thông tin, hay các nền tảng mạng xã hội đang khiến người Việt xa xứ thuận lợi hơn trong việc cập nhật thông tin cuộc sống của họ, trước hết có thể với gia đình ở Việt Nam và sau đó là có thể phát triển thành kênh riêng và tạo nên cộng đồng khán giả riêng của mình”, TS Mông Thị Xoan (Phòng Đào tạo, quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) nói và cho rằng: “Có thể thấy người Việt ở khắp nơi tự hào về văn hóa của mình, nên họ rất tự nhiên trong việc quảng bá văn hóa của đất nước mình với những người thân, với bạn bè khắp thế giới”.
TS Xoan cũng chia sẻ thêm: “Là người Việt, dù sống ở bất cứ đâu, có lập gia đình với người phương Tây, hay sinh sống và làm việc xa xứ thì họ vẫn mang theo trong mình những nét văn hóa truyền thống sẵn có. Và họ, cũng như những kênh vlog mà họ tạo ra, là những cây cầu kết nối giữa nhiều nền văn hóa khác nhau, từ đó tạo nên bức tranh cuộc sống đa dạng và phong phú”.
Bình luận (0)